Dịch bệnh hoành hành tại TP.HCM khiến không ít người lâm vào cảnh kiệt quệ về tài chính, buộc phải đi vay nợ trang trải cuộc sống. Những cuộc vay mượn dưới nhiều hình thức khác nhau và cũng có 1001 câu chuyện đòi nợ đau xót bi ai.
Truy cùng đuổi tận
Vào đầu tháng 8 vừa qua, vợ chồng ông Trần Thanh P. (ngụ Q.5, TP Hồ Chí Minh) vay của bạn hàng (ông P. làm nghề buôn vải tại Chợ Lớn) 300 triệu đồng để duy trì đơn hàng cho đối tác. Ông P. hứa đến tháng 10 sẽ trả cả gốc và lãi đầy đủ. Việc vay tiền diễn ra suôn sẻ nhưng việc trả nợ thì không như ý muốn. Đến tháng 10, do ông P. chưa xuất hàng đi được nên không thể có tiền trả nợ. Ông P. thông báo cho bạn biết và xin khất qua tháng 11, đồng thời cảm ơn thêm 10 triệu ngoài gốc, lãi.
Bạn hàng miễn cưỡng đồng ý. Sang tháng 11 như đã hẹn, chủ nợ gọi điện đòi tiền. Ông P. xin cho thư thả trong tháng, chứ mới mùng 2 mà đòi thì chưa có. Chủ nợ liền đổi giọng, nói ông P. thất hứa và không chấp nhận cho gia hạn thêm. Ông P. cố gắng giải thích, năn nỉ đủ đường vì thực tế, hàng hóa còn tồn kho không thể kiếm đâu ra tiền trả nợ và cũng không thể mượn ai trong thời điểm khó khăn thế này.
Ngày nào chủ nợ cũng gọi, ông P. bị áp lực, có lúc đưa cho vợ nghe nhưng vợ thì yếu đuối không chịu được những lời chửi bới nhục mạ của chủ nợ. “Họ gọi cho vợ chồng tôi cả ngày lẫn đêm, chúng tôi không dám tắt máy, cũng không dám từ chối cuộc gọi nhưng nghe thì nó như xát muối vào lòng”, bà Lê Thị Thanh V., vợ ông P. chia sẻ.
Để gây sức ép lên vợ chồng ông P., chủ nợ thuê một người đàn ông tự xưng là Tuấn “đen”, giới thiệu là người trong “xã hội” gọi điện uy hiếp. Tuấn “đen” truyền lại thông điệp rằng, nếu không sớm trả tiền thì sẽ được ăn “hột gà sắp nở”. Ông P. không biết ý nghĩa của từ “hột gà sắp nở” là gì, chỉ đoán đó là lời hăm dọa. Ông P. hỏi mấy đứa cháu hay chơi mạng xã hội thì được giải thích “ăn hột gà sắp nở” tức là ăn đòn, chúng nó sẽ đánh cho mềm như hột gà, trụi lông và thoi thóp như con gà trong quả trứng. Vợ chồng ông P. rất hoang mang, hoảng sợ, cố gắng tìm cách xoay xở trả nợ nhưng cũng chỉ xoay được 50 triệu. Chủ nợ đồng ý nhận số tiền và cho 1 tuần để trả hết số còn lại kèm theo lãi suất.
Chưa hết 1 tuần, ông P. nhận được cuộc gọi lạ, tự xưng là người bên thừa phát lại được chủ nợ ủy quyền thu thập hồ sơ trong vụ việc để đưa ra công an xử lý. Nghe tới mấy chuyện liên quan pháp luật, bà V. khóc ngất lên, bàn với chồng đi cầm căn nhà đang ở. Nhà mua bằng giấy viết tay, chưa có sổ nên cũng không ngân hàng nào cho vay. Họ đành mang tới tiệm cầm đồ, chấp nhận lãi suất cao cũng như biết rằng có thể sẽ gặp rắc rối, rủi ro. “Chúng tôi giải quyết cho xong việc này, vì không thể chịu nổi sức ép của chủ nợ nữa rồi”, ông P. đau khổ tâm sự.
Cùng hoàn cảnh như ông P. nhưng bà Hoàng Thị Thành T., ngụ P. Tân Phong, Q.7, TP Hồ Chí Minh lại đón nhận kiểu đòi nợ bi ai không nói nên lời. Bà T. làm nghề kinh doanh nội thất. Vào đầu tháng 6, cửa hàng phải đóng cửa, bà T. nhận nuôi 3 nhân viên ở tại cửa hàng và trả lương đầy đủ. Bà hy vọng cùng lắm là 2 tháng dịch bệnh sẽ giảm, cuộc sống trở lại như xưa. Nghĩ như vậy nên bà T. vay 200 triệu của một người bạn làm ăn với lãi suất tháng là 50 triệu. Quá 2 tháng, dịch bệnh không có dấu hiệu ngừng lại mà ngày càng căng thẳng. Bà T. xin khất nợ thêm 1 tháng nữa nhưng không được bên chủ đồng ý. Họ cho bà thời gian trong vòng 1 tuần phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Trong vòng 7 ngày, mỗi ngày lấy thêm 1 triệu. Qua 1 tuần, bà T. vẫn chưa xoay kịp, lập tức bà nhận được tin nhắn là con dao bầu chọc lợn nhuộm đầy máu đỏ và một nắm tay hình quả đấm.
Bà T. gọi điện liên tục để giải thích và cầu xin chủ nợ cho thêm ít ngày nữa chấp nhận chịu phạt thêm tiền lãi. Chủ nợ cho biết họ cũng đang bị chủ nợ khác truy đuổi bắt phải trả tiền. Rằng, số tiền cho bà T. vay chính là tiền họ đi vay bên ngoài, nay chủ đòi ráo riết và hăm dọa đủ điều nên buộc bà T. phải hoàn trả ngay.
Bà T. vẫn đang loay hoay tìm tiền thì chủ nợ cho người mặc đồ bảo hộ kín bưng xách theo can nhựa mà chủ nợ nói là axít tới ngồi ở cửa hàng của bà T. dọa khiến mấy nhân viên sợ phát khiếp. Chủ nợ tiếp tục thuê 1 người đàn ông xách balo tới nhà bà T. xin ở, thực chất là ăn vạ tại nhà. Bà T. không thể báo công an được, vì họ không gây rối trật tự, không cướp giật mà lấy cớ do bà T. chưa trả tiền nên không có nơi ở. Người tới nhà bà T. ho khù khụ, rồi xịt mũi khìn khịt giống với các triệu chứng của người đang nhiễm COVID-19.
Tình hình không thể trì hoãn, cuối cùng, chiếc xe ô tô của bà T. thay vì có giá thị trường 650 triệu đồng đã phải bán rẻ cho chủ gara với giá vỏn vẹn 350 triệu để lấy tiền trả nợ và đuổi người ra khỏi nhà. “Tôi còn nghĩ nếu khó quá thì đưa xe cho chủ nợ luôn, xem như cấn trừ. Tôi chỉ mong được bình yên thôi, tài sản mất đi rồi sẽ kiếm lại nhưng cuộc sống bị áp lực nợ nần thế này thì không sống nổi”, bà T. vẫn chưa hết buồn bã chia sẻ.
Mang quan tài đi đòi nợ
Dịch bệnh làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống cũng như việc làm ăn, rất nhiều người đã phải mượn tiền và cũng rất nhiều cuộc đòi nợ bi ai, đau xót đã diễn ra. Tại Đắk Nông vào ngày 17-11-2021, hàng chục người do ông Nguyễn Quốc H. dẫn đầu kéo đến nhà bà Bùi Thị Thanh N., thôn Vinh Đức, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông để đòi nợ. Nhóm người này mang theo loa di động, cầm mic gào thét, yêu cầu bà N. trả nợ. Sự việc khiến hàng trăm người dân hiếu kỳ kéo đến xem và live stream trực tiếp lên mạng xã hội. Ngoài gia đình ông H. còn có nhiều chủ nợ khác kéo đến nhà bà N. gây áp lực đòi trả nợ.
Dường như cảm thấy chưa ăn thua với kế hoạch đòi nợ theo kiểu “biểu tình” nên khoảng 15 giờ cùng ngày, xuất hiện nhóm người đem quan tài đến đặt trong sân nhà bà N. đồng thời liên tục dùng loa gào thét yêu cầu bà N. trả tiền.
Ngay khi nhận tin báo sự việc xảy ra, Công an xã Đức Minh đã có mặt kịp thời, yêu cầu người dân không tụ tập đông người để đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công an vận động nhóm người đòi nợ mang quan tài ra khỏi nhà bà N. Đến 17 giờ, cơ quan chức năng đã đưa những người liên quan về trụ sở UBND xã Đức Minhlàm việc.
Trả giá vì đòi nợ vượt quá giới hạn
Ngày 15-11, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố Lương Hoàng Nam (SN 2000, ngụ P 14, Q. 6), Nguyễn Tấn Lực (SN 2001, ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) và Nguyễn Thanh Bảo (SN 1997, ngụ P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, do biết N.N.T, ngụ P. 10, Q. 6 đang thiếu nợ và nhiều lần tránh mặt Lương Hoàng Nam nên vào khuya 1-11-2021, trong lúc đang ăn uống với nhóm bạn ở hẻm 673 tỉnh lộ 10, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân, Nguyễn Thanh Bảo phát hiện T. cũng đang ngồi nhậu ở gần đó, Bảo gọi điện báo cho Nam.
Nam đến gặp T. hỏi về số tiền thiếu sao không trả thì T. im lặng, Nam gọi điện thoại cho Âu Thiện An, ngụ P. 13, Q. 6 thông báo. An kêu đưa T. về bãi xe của An ở bãi đất trống đường 34, P. Bình Trị Đông B, Q. Bình Tân để “nói chuyện”. Tại bãi xe, T. bị Nam, An, Lực cùng một số người khác đánh liên tiếp vào người, yêu cầu phải trả nợ số tiền 280 triệu đồng.
Nhằm khủng bố tinh thần con nợ, An kêu Lực và 3 người khác đưa T. vào một căn phòng trong bãi xe tiếp tục đánh. An còn cầm một cây kéo chuyên dùng tỉa cây kiểng dọa cắt ngón tay nếu T. không trả tiền, đồng thời yêu cầu T. phải đưa trước số tiền 50 triệu đồng thì mới được tha.
T. hoảng sợ gọi điện thoại cho mẹ là bà N.N.L. nhờ chạy tiền để trả cho Nam chuộc T. về. Tuy nhiên, chạy vạy khắp nơi, bà L. không vay mượn được số tiền 50 triệu đồng nên Nam đề nghị bà L. phải giao chiếc xe Honda SH Mode của bà để trừ nợ, cộng thêm 15 triệu tiền mặt nữa do xe bị mất giấy tờ. Hai bên đồng ý hẹn trưa hôm sau, khi nhận được xe và tiền thì sẽ thả người.
Trưa 2-11, khi Lực, Bảo, Nam đến nhà bà L. nhận 15 triệu đồng và dắt chiếc Honda SH của bà L. ra ngoài thì bị Công an Q. 6 mời tất cả về làm việc, sau đó chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an Q. Bình Tân thụ lý theo thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định: Đòi nợ theo cách uy hiếp, khủng bố tinh thần không phải là hình thức mới. Mặc dù dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê đã bị “khai tử” từ ngày 1-1-2021 nhưng trên thực tế, loại hình này vẫn tồn tại theo một cách nào đó. Các công ty đòi nợ thuê sẽ lách bằng cách lập các hợp đồng ủy thác, hợp đồng nhờ thu nợ hoặc bán nợ với giá bằng 1/2, thậm chí hợp đồng tặng, cho nợ... Bằng trăm ngàn mưu kế, cuối cùng, người vay nợ vẫn là đối tượng chịu sức ép nặng nề về tâm lý và tinh thần, thậm chí có người rơi vào trầm cảm, quẫn trí làm những điều dại dột. |
(Theo An Ninh Thế Giới)
Vừa mở lại nhà máy, chủ nợ chặn cửa đòi trả tiền ngay
Sau thời gian dài phải dừng hoạt động để phòng chống dịch, nhu cầu về vốn đầu tư, khôi phục sản xuất, kinh doanh của các DN tăng rất cao. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, họ không biết tìm đâu ra vốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét