Bên cạnh những ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng, việc mua bán trên sàn thương mại điện tử lại xảy ra nhiều tình huống "dở khóc, dở cười".
Rủi ro khi mua sắm trực tuyến
Mua hàng mới - nhận hàng cũ, mua hàng xịn - nhận hàng dỏm, mua 1 đằng - giao 1 nẻo. Thậm chí, đã thanh toán nhưng không nhận được hàng.
Người mua trả tiền thật nhưng gian hàng, sàn thương mại điện tử thì lại trên không gian ảo, dẫn đến nhiều bất cập trong mối giao kết luẩn quẩn giữa 4 bên: Người mua - sàn giao dịch - đơn vị vận chuyển và người bán.
Một khách hàng cho biết đã mua Tivibox và điều khiển chuột voice với đơn hàng trên 700.000 đồng trên Shopee nhưng khi nhận lại không sử dụng được nên yêu cầu đổi. Tuy nhiên, sản phẩm lần 2 vẫn không khác gì. Sau nhiều lần liên hệ để yêu cầu hoàn tiền, trả hàng, sàn giao dịch vẫn thoái thác trách nhiệm.
Một khách hàng khác cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu không kém. Đặt hàng và đã thanh toán tiền từ tháng 8 nhưng hàng liên tục trễ hạn giao. Gần 2 tháng sau, ứng dụng trên Shopee tự động cập nhật đã giao hàng, trong khi người mua chưa nhận hàng.
Sau đó, khách hàng đã liên hệ với cả sàn thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển thì các bên đổ trách nhiệm qua lại cho nhau.
Nhiều bất cập nảy sinh khi mua sắm trên các sàn thương mại điện tử hiện nay. Không phủ nhận lợi ích về sự tiện lợi nhưng khi có sự cố hầu như mọi rủi ro người mua phải chịu. Còn sàn thương mại điện tử, người bán, đơn vị vận chuyển đều dễ dàng phủi trách nhiệm.
Quản lý lỏng lẻo sàn giao dịch điện tử
Trong việc mua hàng trực tuyến, không chỉ nảy sinh hàng loạt bức xúc của người tiêu dùng khi mua hàng, mà còn có cả bức xúc của người bán về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử.
Rõ ràng pháp luật có quy định cụ thể nhưng vấn đề nằm ở cách áp dụng và triển khai của các bên liên quan khi chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Với câu chuyện khách hàng mua hàng nhưng hàng thì không nhận, tiền thì mất khi mua trên sàn thương mại điện tử Shopee, theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở đây có thể xảy ra 2 trường hợp.
"Một đó là do lỗi của đơn vị vận chuyển không giao được nhưng lại cập nhật đã giao thành công. Hoặc nghi vấn thứ hai, đơn vị vận chuyển truyền thông tin đến sàn là đơn hàng chưa giao thành công hoặc đã hoàn trả về người bán thành công nhưng bên hệ thống của sàn có thể do một lỗi nào đó đã hiển thị đơn hàng giao thành công", ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Giám đốc IM Group cho hay.
Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Shopee trả lời: Sàn đã ghi nhận là sản phẩm đã hoàn về cho người bán, tiền hàng thì sàn đã chuyển đi và yêu cầu người mua hàng phải tự liên hệ với gian hàng.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này, theo phân tích từ luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, ông cho rằng lỗi lớn nhất là thuộc về shop bán hàng vì đã nhận hàng về nhưng không hoàn tiền và thứ hai là lỗi của sàn thương mại điện tử.
Trong Điều 36, Nghị định 52 quy chế hoạt động của sàn thương mại điện tử là các sàn phải có cơ chế tích cực tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp của khách hàng.
Để xây dựng uy tín lâu dài đòi hỏi các chủ sàn phải thật sự xem trọng trách nhiệm của mình với khách hàng đã chọn sàn của mình để mua sắm.
Còn nếu vẫn duy trì theo hình thức "mang con bỏ chợ", sớm hay muộn sẽ nhanh chóng nhường miếng bánh thị phần này cho các sàn thương mại điện tử nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư vào Việt Nam.
(Theo VTV)
12 điều lưu ý để tránh 'cú lừa' khi mua sắm trực tuyến
Ban không nên bỏ qua những lời khuyên hữu ích này để tránh những cạm bẫy khi mua hàng online.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét