Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Xe ế ẩm, doanh nghiệp ô tô muốn giảm lệ phí trước bạ

Sản xuất ô tô rơi vào khó khăn khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, tạm dừng đăng ký xe mới, cùng với việc các đại lý phải đóng cửa dài ngày khiến doanh số bán giảm mạnh, tồn kho tăng cao.

Dừng sản xuất, tồn kho cao,

Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 7/2021 của các doanh nghiệp thành viên đạt 16.035 xe, giảm 32% so với tháng 6/2021.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp doanh số bán ô tô của các doanh nghiệp bị sụt giảm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, doanh số bán của các doanh nghiệp thành viên VAMA đạt 166.516 xe các loại, trong đó xe lắp ráp trong nước đạt 94.109 xe, nhập khẩu đạt 72.407 xe.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, toàn bộ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt sản lượng 185.300 xe. Còn Tổng cục Hải quan cho hay, 7 tháng đầu năm, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là 98.000 xe.

{keywords}
Doanh số bán xe ô tô giảm mạnh, tồn kho tăng cao

Như vậy, tổng nguồn cung ô tô 7 tháng đầu năm 2021 cả sản xuất trong nước và nhập khẩu là hơn 283.000 xe các loại. Trong khi đó, doanh số bán xe sản xuất lắp trong nước của các thành viên VAMA, cộng với Hyundai Thành công và VinFats, cùng các doanh nghiệp khác ước đạt 170.000 xe và 72.407 xe nhập khẩu nguyên chiếc là 242.407 xe. Tồn kho ước tính hơn 40.000 xe các loại, tương đương với khoảng hai tháng tiêu thụ.

Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, tạm dừng làm thủ tục đăng ký xe mới, cùng với việc các đại lý bán lẻ phải đóng cửa dài ngày để chống dịch càng khiến cho tiêu thụ ô tô giảm mạnh.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), số lượng xe ô tô đăng ký mới giảm liên tục. Cụ thể, trong tháng 4/2021, số ô tô đăng ký mới ngày cao nhất đạt gần 2.500 xe; tới tháng 6/2021, ngày cao nhất đạt gần 1.600 xe; tới ngày 26/7, số xe đăng ký mới chỉ còn 235 xe và tới 2/8, số đăng ký mới là 147 xe, giảm 80% so với trung bình các ngày trước đó.

Trong bối cảnh này, các chương trình ưu đãi giảm giá bán xe được xem là cứu cánh để các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô vớt vát doanh số bán hàng, đồng thời hạn chế lượng xe tồn kho. Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, hàng loạt ưu đãi, giảm giá với nhiều mẫu mã ô tô thuộc các phân khúc khác nhau được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tô áp dụng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô đang phải hoạt động cầm chừng. Chẳng hạn, nhà máy Toyota tại Vĩnh Phúc hiện chỉ duy trì khoảng 30% công suất. Công ty ô tô Trường Hải tại Quảng Nam đang cho lao động nghỉ luân phiên. Một loạt doanh nghiệp ô tô khác tại TP.HCM và Bình Dương phải tạm ngừng sản xuất, có sản xuất cũng không thể bán được do nhiều đại lý phải đóng cửa và xe không thể đăng ký.

Một doanh nghiệp ô tô FDI cho hay 70% số đại lý phân phối của họ trên cả nước đang phải đóng cửa.

Các doanh nghiệp ô tô phản ánh đang gặp không ít khó khăn do hàng tồn kho tăng cao, giá giảm mạnh vẫn không bán được xe. Chưa kể, chi phí chống dịch lại tăng và vẫn phải đảm bảo đời sống người lao động. Tình hình này kéo dài sẽ khó lòng trụ nổi, bởi dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

{keywords}
Các DN kiến nghị giảm lệ phí trước bạ ô tô để kích thích tiêu dùng

Muốn giảm phí trước bạ

Dự báo của các doanh nghiệp ô tô cho thấy, doanh số bán còn thê thảm hơn nữa trong tháng 8 này, do trùng với tháng cô hồn, thời điểm nhu cầu ô tô giảm thấp nhất trong năm. Kể cả hết quý 3 năm nay, thị trường cũng khó phục hồi. Một số doanh nghiệp ô tô đã quyết định cho người lao động nghỉ hết 2/9 mới tính tiếp. 

Trước tình hình này, mới đây, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ Tài chính, Công Thương đề nghị một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, giữ việc làm cho người lao động.

Hai giải pháp được tỉnh Quảng Nam đề xuất là cho phép tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020. Đồng thời, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp như đã áp dụng trong năm 2020.

Tỉnh Ninh Bình, cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét tái áp dụng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới ít nhất hết năm 2021. Trước đó, VAMA cũng đề xuất Chính phủ và Bộ Tài chính được tiếp tuc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước.

Các doanh nghiệp cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ có những chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá mạnh mới có thể thu hút được khách hàng mua xe. Từ vài tháng qua, các doanh nghiệp đã giảm giá xe liên tục, nhưng vẫn không thể đẩy doanh số tăng, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty TC Motor, đánh giá nếu ngành sản xuất ô tô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm mạnh, nộp ngân sách sẽ giảm theo. Việc ưu đãi lệ phí trước bạ, sẽ giúp tăng doanh số bán và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thực tế đã minh chứng cho điều này. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.

Ông Bradley Christian Anthony Kelly, Chủ tịch VAMA, cũng kiến nghị, Chính phủ nên cân nhắc ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô mới, áp dụng từ tháng 8/2021 đến hết năm 2021. Đây là chính sách hỗ trợ hữu hiệu cho ngành ô tô trong nước thời điểm này.

Trần Thủy

Phí trước bạ giảm 50%: Mua ô tô điện giảm được bao nhiêu tiền

Phí trước bạ giảm 50%: Mua ô tô điện giảm được bao nhiêu tiền

Nếu ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe điện thì nhu cầu sử dụng ô tô điện cũng chủ yếu chỉ tăng ở những đô thị lớn, nơi có hạ tầng giao thông phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét