Nhu cầu thương mại điện tử khổng lồ ở Trung Quốc đòi hỏi họ phải thay thế con người bằng robot.
Hãy tưởng tượng một ngày bạn sẽ phải bấm nút chờ thang máy cho một chú robot đang đi lên khu chung cư nhà mình. Nó sau đó bám theo bạn, tới cửa nhà hàng xóm và bấm chuông.
Cô gái kế bên nhà sẽ ra nhận gói hàng, mỉm cười nói với bạn rằng cô ấy vừa đặt một gói bột mì online để chuẩn bị làm bánh. Con robot giao hàng này là của Alibaba và nó sẽ là tương lai thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Trong một bước thử nghiệm đột phá, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ vừa quyết định triển khai 1.000 robot giao hàng trên khắp các khuôn viên trường đại học và đô thị công cộng ở Trung Quốc.
Họ cho biết động thái này là để hoàn thiện khâu cuối cùng trong chuỗi cung ứng tự động, từ đặt hàng, sản xuất cho tới phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng.
|
"Giao hàng tận nơi luôn là một vấn đề nhức nhối của thương mại điện tử. [Khi được thực hiện bởi con người], nó tốn kém, mất thời gian và phần lớn chệch ra khỏi quỹ đạo", Ailibaba cho biết trên website.
"Chặng cuối cùng trong hành trình từ nhà sản xuất tới người mua hàng có thể khiến người giao hàng gặp khó khăn. Họ có thể bị lạc khi đang cố gắng tìm một căn hộ trong một tòa nhà hoặc không biết đi hướng nào trong một khu dân cư lớn".
Bằng việc thay thế người giao hàng bằng robot, Alibaba cho biết họ có thể tìm đường hiệu qua hơn con người. "Các robot của Alibaba có thể thực hiện chuyến đi mà không bị lệch khỏi hành trình hoặc ngắt quãng", công ty cho biết, ám chỉ đến việc các shipper thường xuyên dừng nghỉ dọc đường để làm việc riêng hoặc hút thuốc.
Robot giao hàng hoạt động như thế nào?
Robot của Alibaba triển khai lần này được gọi là Xiaomanlv có nghĩa là "con lừa nhỏ" trong tiếng Quan Thoại. Nó là một chiếc xe tự hành nhỏ, chạy bằng pin có thể tải được 100 kg hàng hóa.
Theo như những gì Alibaba công bố, chỉ với một lần sạc ở mức 4kWh, Xiaomanlv có thể hoạt động trong bán kính 100km. Nó sẽ được dùng để nhận và gửi bưu kiện từ trung tâm phân phối hàng hóa địa phương tới các tòa nhà chung cư hoặc khuôn viên đại học, nơi có hệ thống vỉa hè và làn đường dành cho xe đạp xuyên suốt.
Xiaomanlv được tích hợp bản đồ khu vực và hệ thống GPS có thể hoạt động ngay cả trong tầng hầm. Nó cũng được trang bị một hệ thống trí tuệ nhân tạo AI có khả năng nhận diện các vật thể, con người và xe cộ di chuyển trên đường.
Theo như công bố của hãng sản xuất, robot này có thể nhận diện được hành động của 100 người đi bộ và các phương tiện giao thông chỉ với độ trễ 0,01 giây. Bên cạnh đó, nó còn dự đoán trước được các chuyển động xung quanh trong khoảng từ 5-10 giây, từ đó đưa ra các quyết định điều hướng để tránh va chạm với người và phương tiện khác.
Trong các lần chạy thử nghiệm trước đây, Xiaomanlv đã có khả năng tự hành lên tới 99,99% thời gian, và thực hiện thành công 97% các nhiệm vụ giao hàng. Kết quả này khiến các chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa nhận định robot của Alibaba đạt điểm 4/5 trong thang đo tự động hóa.
Mức độ cao nhất của thang điểm này, Cấp độ 5 hiện vẫn chưa có phương tiện nào đạt được, bởi nó phải xử lý hàng loạt dữ liệu giao thông cần thiết để giúp robot di chuyển được trên những con đường đông đúc.
Nhưng theo Alibaba, chỉ cần robot của họ đạt tới Cấp độ 4 là đã đủ để giải quyết bài toán giao hàng. Trong tương lai, Xiaomanlv có thể được thiết kế để làm thay cả nhiệm vụ của các xe nâng hàng trong nhà máy, công nhân xử lý rác thải y tế trong bệnh viện hoặc thậm chí điều phối dịch vụ hành lý, hàng hóa trong sân bay.
Nhu cầu thương mại điện tử khổng lồ đòi hỏi phải thay thế con người bằng robot
Trung Quốc hiện là quốc gia có thị trường thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới. Không những vậy, nhu cầu đặt hàng trực tuyến vẫn còn đang tiếp tục gia tăng yêu cầu dịch vụ hậu cần phải đáp ứng được nhanh chóng.
Đại dịch COVID-19 bây giờ lại tiếp tục thúc đẩy sự chuyển dịch tiêu dùng từ ngoại tuyến sang trực tuyến và làm tăng nhu cầu giao nhận hàng hóa hạn chế tiếp xúc giữa người với người.
Theo thống kê của Bưu điện Trung Quốc, lượng hàng hóa giao nhận trực tuyến năm 2020 tại nước ngày đã đạt mức 830 tỷ, gấp 9 lần so với năm 2013. Nhưng trái ngược với xu hướng đó, mức dân số đang ngày càng già đi khiến lực lượng lao động trong lĩnh vực bưu điện ở nước này giảm số lượng.
Tổ chức Y tế Thế giới dự kiến tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Trung Quốc sẽ đạt 28% vào năm 2040. "Chúng tôi sẽ không có đủ lao động để chuyển hàng đến tay người tiêu dùng", Wang Gang, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Xe tự hành Damo của Alibaba cho biết. "Vì vậy, các công nghệ tự động sẽ là một phần không thể thiếu".
Trong hơn 10 năm qua, Wang đã tập trung nghiên cứu các công nghệ trí tuệ nhân tạo với tư cách là một học giả, và giờ ông ấy muốn đưa lý thuyết của mình vào các ứng dụng thực tế.
"Tôi hy vọng sẽ xây dựng được các sản phẩm AI có thể có ứng dụng trong thực tế và tạo ra tác động xã hội lớn hơn là chỉ đóng góp vào lĩnh vực học thuật. Mục tiêu mà Viện Damo của Alibaba hướng tới là phát triển các sản phẩm có thể được sử dụng - vì vậy điều này rất phù hợp với động lực của tôi".
Ý tưởng của Wang là tạo ra được một mạng lưới robot giao nhận hàng hóa, không chỉ dựa trên trí tuệ nhân tạo của chính chúng mà còn có kết nối và chia sẻ kinh nghiệm được với nhau.
Mỗi lần mà một robot Xiaomanlv giao hàng ở lần trước, dù thành công hay thất bại, đều sẽ được ghi lại và chia sẻ với các robot Xiaomanlv khác ở lần giao hàng tiếp theo. Nhờ đó, thuật toán có thể xây dựng được chiến lược điều hướng tối ưu cho robot, không yêu cầu chúng phải được trang bị các cảm biến quá đắt tiền và phức tạp để hoạt động độc lập.
|
Wang Gang, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Xe tự hành Damo của Alibaba |
"Chúng tôi tập trung vào các thuật toán và dựa vào đó để đạt được quy mô triển khai robot hàng loạt với chi phí thấp", Wang cho biết. "Trong vòng 3-5 năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong lĩnh vực xe tự hành để chúng có thể thực hiện các kịch bản giao hàng với tốc độ nhanh hơn, trên những khoảng cách xa hơn".
Điều này sẽ giúp Alibaba hoàn thiện chuỗi cung ứng tự động của mình và biến giấc mơ ban đầu của chúng ta trở thành hiện thực.
(Theo Alizila/ Pháp luật và Bạn đọc)
Mùa dịch: Nuôi cá bằng robot, bán mắm tôm qua YouTube
Để vượt khó trong dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm và các giải pháp công nghệ vào hoạt động quản lý bán hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét