Khi tiếp xúc Ethylene oxide ở dạng lỏng hoặc khí, bệnh nhân gặp phải các vấn đề về mắt, da, phổi và tăng nguy cơ dị tật thai nhi, ung thư.
Ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene oxide. Trong số 3 sản phẩm bị thu hồi, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc chất này.
Ethylene oxide là gì?
Công thức hóa học của Ethylene oxide là C₂H₄O, còn được gọi với tên Etylen oxit hay Oxiran. Ở nhiệt độ thường, chúng tồn tại dưới dạng khí không màu, dễ cháy, có mùi ngọt.
Theo Tổ chức An toàn Thực phẩm châu Âu (Safe Food Advocacy Europe), Ethylene oxide vốn là chất khử trùng dạng khí, phần lớn được sử dụng để khử trùng các vật liệu và dụng cụ trong phẫu thuật, thiết bị y tế. Sau đó, chất này được sử dụng trong sản xuất thực phẩm với mục đích khử khuẩn và hạn chế nguy cơ xuất hiện vi khuẩn Salmonella.
Theo Lexology, Etylen oxit cũng được sử dụng chủ yếu để sản xuất các hóa chất khác, bao gồm chất chống đông, bọt polyurethane, chất kết dính, tẩy rửa, hàng dệt may và dung môi.
Với lượng nhỏ hơn, chất này được pha trong công thức thuốc trừ sâu và khử trùng. Khả năng phá hủy DNA của Ethylene oxide khiến nó trở thành chất khử trùng hiệu quả nhưng cũng là nguyên nhân có thể gây ung thư.
Tại Mỹ, theo Sổ tay ảnh hưởng sức khỏe đối với các chất ô nhiễm không khí nguy hiểm do Cơ quan Bảo vệ Môi trường biên soạn cho biết con đường tiếp xúc chính của con người với Ethylene oxide là hít và nuốt phải. Nó có thể xảy ra khi tiếp xúc nghề nghiệp, người tiêu dùng ăn phải thực phẩm chứa chất này hoặc môi trường có nồng độ cao C₂H₄O.
Ethylene oxide cũng rất dễ nổ và dễ phản ứng. Do đó, thiết bị được sử dụng để chế biến nó thường gồm các hệ thống khép kín và tự động hóa cao, giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp.
Ethylene oxide bị cấm sử dụng trong thực phẩm ở châu Âu. Ảnh: The Bangkok Post. |
Ethylene oxide gây nguy hiểm thế nào?
EU xếp C₂H₄O vào nhóm hóa chất có thể gây ung thư và đột biến cao, đã bị cấm ở Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1981. Theo Lexology, ngay cả khi tiếp xúc tối thiểu với Ethylene oxide, độc tính của nó cũng rất cao và gây mờ mắt, khó thở.
Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật di truyền, ảnh hưởng chu kỳ sinh sản của cả động vận. Vì vậy châu Âu xếp nó vào nhóm chất gây ung thư và độc hại loại 1B với sinh sản.
Tháng 12/2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế Mỹ (IARC) phân loại Ethylene oxide là chất gây ung thư. Bằng chứng của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho thấy phơi nhiễm Ethylene Oxide qua đường hô hấp có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư hệ tạo lympho như bạch cầu lymphocytic, u tủy và u lympho không Hodgkin. Ngoài ra, tiếp xúc Ethylene oxide cũng có thể liên quan ung thư gan, phổi, thận, dạ dày và ung thư vú.
Ethylene oxide còn được hình thành trong suốt quá trình đốt cháy của động cơ. Từ môi trường không khí, các chất này vào cơ thể, làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc hít phải nồng độ cao Ethylene oxide trong thời gian ngắn có thể gây kích ứng đường hô hấp nghiêm trọng dẫn đến thở khò khè, khó thở và ho.
Ethylene oxide bị xếp vào nhóm chất cấm, gây ung thư, đột biến gene ở Mỹ, EU. Ảnh: The New York Times. |
Nghiên cứu trên động vật trong phòng thí nghiệm cho thấy các cá thể bị mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, tím tái (da đổi màu do lượng oxy không đủ hoặc lưu thông máu kém), đau đầu hoặc nôn mửa do suy đường tiêu hóa.
Báo cáo Đánh giá Độc tố Không khí Quốc gia về các tiêu chuẩn khí thải tại Mỹ nêu rõ khi hít phải hoặc tiêu thụ Ethylene oxide, khí độc sẽ lan ra khắp cơ thể. Nếu nuốt phải chất này ở dạng lỏng, nạn nhân có thể nôn mửa hoặc rối loạn tiêu hóa khác.
Trường hợp phơi nhiễm Ethylene oxide qua đường hô hấp (hít phải chất độc trong không khí dưới dạng hơi hoặc khí) có thể gây phù phổi, kích ứng phổi khác. Nạn nhân có thể có các dấu hiệu đáng chú ý như hôn mê, đau đầu, co giật, chóng mặt và ngất.
Nếu những triệu chứng trên kéo dài, bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, đồng thời bị suy nhược toàn thân, mệt mỏi và suy giảm khả năng phối hợp hoặc mất thăng bằng do tổn thương cơ, thần kinh hoặc não.
Tiếp xúc Ethylene oxide qua da gây nhiều vấn đề như rộp, bỏng, viêm, phù, mụn nước, lột. Khi tiếp xúc mắt, chất độc này gây tổn thương giác mạc. Do đó, người lao động không nên đeo kính áp tròng nếu làm việc trong môi trường có khí Ethylene oxide.
Ở cả dạng lỏng và khí, khi tiếp xúc dài hạn, bệnh nhân bị suy giảm các chức năng vận động, cảm giác, dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đe dọa tính mạng, bao gồm cả chứng teo cơ.
Theo Sổ tay ảnh hưởng sức khỏe đối với các chất ô nhiễm không khí nguy hiểm, bất chấp các biện pháp phòng hộ lao động, công nhân và những người sống gần các cơ sở công nghiệp sản xuất hoặc sử dụng Ethylene oxide có thể tiếp xúc hóa chất qua khí thải. Người dân cũng có thể tiếp xúc C₂H₄O qua khói thuốc lá, sử dụng sản phẩm khử trùng bằng chất này như thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm.
(Theo Zing)
Người Việt ăn mì tôm thứ ba thế giới, Acecook Việt Nam vào top toàn cầu
Việt Nam ăn mì tôm nhiều thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, vượt Ấn Độ. Trong top các nhà sản xuất và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì ăn liền toàn cầu có tên Acecook Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét