Đằng sau nền kinh tế hợp đồng 1.000 tỷ USD của Trung Quốc là những tài xế, nhân viên giao hàng bán mạng để làm việc. Họ không có thu nhập ổn định, an sinh xã hội hay bảo hiểm.
Theo Caixin, những khiếu nại về ngược đãi người lao động đã khiến các công ty công nghệ Trung Quốc đối mặt với hàng loạt vấn đề và bị siết chặt kiểm soát. Hôm 24/6, Kuaishou Technology thông báo sẽ chấm dứt chính sách làm thêm vào chủ nhật cách tuần.
ByteDance - công ty mẹ của TikTok - cũng làm theo vào tháng 8. Tuy nhiên, những lao động ở các nền tảng khác tiếp tục chật vật với điều kiện làm việc tệ hại và thiếu an toàn. Họ là những người có tay nghề thấp, dễ bị thay thế và ít khả năng thương lượng.
Vấn đề đã bộc lộ lỗ hổng pháp lý liên quan đến quyền và sự bảo vệ đối với người lao động tại các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc.
|
Ngoài thu nhập không ổn định, các nhân viên giao hàng phải đối mặt thêm những rủi ro như tai nạn giao thông và lịch trình dày đặc. Ảnh: AP. |
Nền kinh tế nghìn tỷ USD
Trong một thập kỷ qua, các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc đã được tạo điều kiện để phát triển bằng mọi giá. Những công ty này tạo ra hàng triệu việc làm với ngưỡng đầu vào thấp.
Theo Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội, nền kinh tế hợp đồng (gig economy) đã tăng trưởng đáng kể với 200 triệu người lao động có "việc làm linh hoạt". Hãng tư vấn iResearch ước tính thị trường sẽ đạt 1.000 tỷ NDT ( tương đương 154,2 tỷ USD) vào năm 2022.
Đằng sau sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty như Meituan, Ele.me (thuộc sở hữu của Alibaba), nền tảng thương mại điện tử Taobao, JD.com, hãng gọi xe Didi Chuxing Technology là hàng triệu tài xế và nhân viên giao hàng, đồ ăn. Họ làm việc không mệt mỏi, bị chấm điểm gắt gao trong bối cảnh thị trường khốc liệt.
Hơn 95% nhân viên giao hàng phải làm việc hơn 8 tiếng/ngày, 28% người làm đến 12 tiếng/ngày, theo báo cáo của Beijing Yilian Legal Aid and Research Centre of Labor. Hơn 44% tài xế giao hơn 800 đơn đặt hàng/tháng.
|
Đằng sau sự tăng trưởng ấn tượng của các công ty công nghệ Trung Quốc là hàng triệu tài xế, nhân viên giao hàng, đồ ăn. Ảnh: Getty Images. |
Ngoài thu nhập không ổn định, các nhân viên giao hàng phải đối mặt thêm những rủi ro như tai nạn giao thông, thời tiết xấu, khó đến các địa điểm giao hàng, lịch trình dày đặc.
"Trong những giờ cao điểm, chúng tôi lái xe bằng một tay, tay còn lại bấm điện thoại nhận các đơn hàng đến", một nhân viên giao đồ ăn đã nghỉ việc kể lại. "Các cuộc gọi cứ thế nối đuôi nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang bán mạng để giao hàng", người này chia sẻ.
Didi - hãng gọi xe hàng đầu của đất nước tỷ dân - bị cáo buộc tính phí hoa hồng quá cao và vắt kiệt sức lao động của tài xế bởi làm việc ngoài giờ. Theo bản cáo bạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), tính đến tháng 3, có hơn 15 triệu tài xế của Didi đang hoạt động trên toàn cầu.
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã thúc giục những nền tảng công nghệ nước này chú trọng hơn đến quyền của người lao động hợp đồng.
Tuần trước, ông Li Huaqiang - Phó giám đốc Dịch Vụ Vận tải của Bộ Giao thông Vận tải - kêu gọi các hãng gọi xe đưa ra mức thu nhập hợp lý và công khai cho tài xế, sử dụng thuật toán để quản lý giờ làm việc, giảm tình trạng làm việc đến kiệt sức, cũng như cung cấp hợp đồng và bảo hiểm xã hội.
Đến ngày 26/7, Cục Quản lý Thị trường Trung Quốc (SAMR) và 6 cơ quan chính phủ khác đã ban hành một hướng dẫn dành cho các nền tảng giao thực phẩm. Theo đó, những công ty này sẽ phải đảm bảo thu nhập trên mức lương tối thiểu, an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo ông Lu Jingbo tại River Delta Law Firm (có trụ sở ở Thượng Hải), các hướng dẫn "gửi một tín hiệu quy định rõ ràng" đến nền kinh tế nền tảng về quyền lao động.
Tuy nhiên, theo ông Lu, những hướng dẫn thúc đẩy các nền tảng và bên thứ ba đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho "người lao động đã được thiết lập mối quan hệ lao động". Tuy nhiên, những tiêu chí để xác định các mối quan hệ này lại không được nêu rõ.
Chẳng hạn, những người lao động làm việc cho Meituan được chia làm hai nhóm. Công ty thuê trực tiếp nhóm toàn thời gian. Tuy nhiên, các lao động bán thời gian có thể do những công ty giao hàng nhanh bên thứ ba tuyển dụng.
Cách làm này cho phép các nền tảng né tránh hợp đồng chính thức, cắt giảm chi phí cho những quyền lợi như an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, phát triển nghề nghiệp và quản lý nguồn nhân lực.
|
Didi - hãng gọi xe hàng đầu của đất nước tỷ dân - bị cáo buộc tính phí hoa hồng quá cao và vắt kiệt sức lao động của tài xế bởi làm việc ngoài giờ. Ảnh: Reuters. |
Theo luật sư Hao Zhengxin, trên thực tế, rất khó để các tài xế bán thời gian thiết lập mối quan hệ lao động với công ty. Khi tài xế gặp chấn thương do tai nạn, những nền tảng cũng không phải chịu trách nhiệm.
Meituan cho biết vào cuối năm 2020, có tổng cộng 9,5 triệu tài xế đã nhận được thu nhập từ nền tảng. Trên tổng doanh thu 66,2 tỷ NDT từ việc giao đồ ăn, công ty chi trả 48,7 tỷ NDT, tương đương 74% cho tài xế.
Nếu công ty ký hợp đồng lao động với từng tài xế bán thời gian, các chi phí liên quan sẽ tăng vọt, gây lo ngại cho cổ đông.
Phản ứng của thị trường khiến các công ty càng lưỡng lự hơn. Trong vòng 2 ngày sau khi SAMR đưa ra hướng dẫn dành cho lĩnh vực giao đồ ăn, giá cổ phiếu của Meituan trên sàn giao dịch Hong Kong đã giảm kỷ lục 29%.
Ngược lại, giá cổ phiếu của Kuaishou tăng 4,8% sau khi công ty thông báo hủy bỏ chính sách làm việc vào ngày Chủ nhật.
Từ góc độ thị trường, các quy định của Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp sẽ phải chi nhiều hơn cho tài xế và nhân viên giao hàng.
"Nếu Meituan phải trả chi phí an sinh xã hội cho các tài xế, họ cần tăng phí dịch vụ giao hàng", Caixin dẫn lời quản lý của một công ty Internet giấu tên. "Điều này sẽ buộc công ty cân nhắc lại về chiến lược giá cả cạnh tranh của mình", người này nhận định.
Đồng thời, theo các hướng dẫn, những nền tảng công nghệ cần thay đổi thuật toán để đưa ra một lịch trình giao hàng bớt dày đặc cho tài xế. Như vậy, khách hàng có thể phải chờ đợi lâu hơn. Theo Caixin, đối với các công ty, điều này sẽ giáng thêm đòn vào lợi nhuận của họ.
(Theo Zing)
Chính quyền Trung Quốc chặn đứng tham vọng mở rộng của tập đoàn gọi xe
Doanh thu của hãng gọi xe Didi bị ảnh hưởng sau khi Trung Quốc thắt chặt quản lý. Lợi nhuận giảm khiến công ty không thể bù lỗ nếu mở rộng sang các thị trường nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét