Không trụ nổi qua mùa dịch, nhiều tài xế buộc phải bán tháo xe với giá rẻ để trang trải chi tiêu, nợ nần.
COVID-19 kéo dài khiến dịch vụ taxi và loại hình đặt xe qua app như Grab, Be, Gojeck…chết trôi hoàn toàn. Những người từng dốc tiền đầu tư xe và một thời siêu đắt khách thì giờ "méo mặt" với những khoản nợ lớn, chưa kể mọi khoản chi để "nuôi xe". Không ít người trong số họ do không cầm cự nổi đành bán tháo xe với giá rẻ.
Chia sẻ với VTC News, anh Nguyễn C. (34 tuổi), sinh sống tại Long Biên, Hà Nội cho biết, anh đang rao bán chiếc xe Hyundai Grand i10 (i10) của mình trên các trang mạng xã hội để lấy tiền trả nợ và trang trải cuộc sống, khi mà anh thất nghiệp, phải ở nhà mấy tháng nay.
Vốn là một hướng dẫn viên du lịch nhưng đại dịch COVID-19 ập đến khiến anh thất nghiệp và buộc xoay xở bằng cách chuyển sang lái Grab. Giữa năm 2020, sau thời gian dài phải nghỉ đi tour dẫn khách, vợ chồng anh C. dồn hết tiền tiết kiệm và vay mượn thêm họ hàng để mua chiếc xe i10 với giá 440 triệu đồng.
Dù phải đi vay phân nửa số tiền mua xe song anh C. hy vọng rằng đây sẽ là cách giúp anh có thể kiếm một khoản thu nhập đủ để gia đình chống đỡ qua mùa dịch: “Tôi vay 200 triệu đồng mua xe nhưng không phải vay ngân hàng nên không mất tiền lãi”.
Chiếc xe là niềm hy vọng nên anh C mạnh dạn đầu tư. Theo tính toán của anh C. nếu thuận lợi thì chỉ hơn 1 năm là anh có thể trả hết tiền nợ mua xe. Trong khi đó, thời hạn mà anh phải trả tiền vay họ hàng kéo dài đến 3 năm. “Nếu khách đều thì mỗi ngày cũng kiếm được bạc triệu. Trừ mọi loại chi phí thì còn để ra được 500.000 đồng”, anh C. chia sẻ.
Thế nhưng, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 khiến lượng khách ngày càng ít và trở nên thất thường. Khoản thu nhập không đều đặn thời điểm trước 30/4 khiến anh C cảm thấy lo lắng.
Chưa hết, sau 30/4, dịch bệnh càng dữ dội khiến lượng khách giảm hẳn, anh C bắt đầu cảm thấy khó để kiếm sống với nghề lái Grab. Khó khăn lại chồng khó khăn khi Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội để đối phó với dịch bệnh, vợ anh C là lao động tự do lúc này cũng đã thất nghiệp.
Vốn dự tính chiếc xe sẽ là phương tiện giúp gia đình vượt qua khó khăn về kinh tế nhưng dịch bệnh đã biến khoản đầu tư này thành vô dụng. “Tính ra mỗi tháng cũng phải để ra được 6 - 7 triệu đồng để trả nợ xe trong vòng 3 năm, hiện nay chiếc xe nằm, ngày nào nhìn thấy nó cũng nghĩ đến khoản nợ ngập đầu nên tôi suốt ruột lắm”, anh C buồn bã.
Anh C chia sẻ, vợ chồng anh vừa phải nuôi hai con nhỏ, vừa phải trả tiền thuê nhà hàng tháng. Trong lúc cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp. Trong khi đó, những người họ hàng cho vay tiền mua xe ngày đó đến nay cũng bắt đầu đòi vì dịch bệnh khiến họ khó khăn.
Cực chẳng đã, anh C. quyết định lên mạng rao bán chiếc i10 để lấy tiền trả nợ và trang trải cuộc sống. “Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không bán xe lấy tiền trả nợ thì cũng không còn cách nào khác”, anh C. nói.
Tương tự anh C., anh Hoàng Long (29 tuổi) ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã làm nghề lái taxi từ năm 2017, đến 2019 thì chuyển hẳn sang lái Grab. Không được bao lâu thì đại dịch COVID-19 bùng phát khiến thu nhập từ công việc này trở nên không đều đặn.
“Nếu đều khách mà chăm chỉ thì nghề này mỗi tháng cũng để ra được khoảng 13 triệu đồng. Nhưng dịch bệnh đến, một trong những nghề đầu tiên phải nghỉ chính là nghề lái xe chở khách. Do đó, những ngày không kiếm được tiền ngày càng nhiều”, anh Long chia sẻ.
Khoảng tháng 6/2021, anh Long quyết định bỏ nghề về quê sinh sống 1 thời gian chờ dịch bệnh qua đi: “Từ khi dịch bệnh xuất hiện, thu nhập của tôi giảm khoảng 50% so với trước, lúc này giãn cách xã hội nữa thì càng khó chống đỡ. Do đó, tôi đã quyết định về quê sống với bố mẹ, làm nghề nông để trang trải trong mùa dịch”.
Không còn hành nghề lái xe được nữa, anh Long quyết định rao bán chiếc xe của mình trên nhiều diễn đàn và trên các trang mạng xã hội: “Không biết đến khi nào mới lên Hà Nội lái xe chở khách tiếp được nữa nên tôi quyết định bán xe, bỏ nghề. Sau này, khi dịch bệnh tan biến, có cơ hội sẽ mua một chiếc xe khác”, anh Long nói.
(Theo VTC News)
Đừng bỏ qua 5 điều này khi mua ôtô cũ trả góp
Mua ôtô cũ trả góp, bạn nên quan tâm đến lãi suất, điều kiện của ngân hàng, thời gian trả góp… để có những lựa chọn chính xác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét