Các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam đang nỗ lực cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động cũng như mục tiêu kinh doanh.
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chứng kiến doanh thu và lợi nhuận quý II suy giảm và có thể còn tiếp diễn và nặng nề hơn trong quý III. Dù vậy, về tổng thể trong 6 tháng đầu năm, các tập đoàn lớn vẫn ghi nhận kết quả tích cực.
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần đạt hơn 21,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận cũng đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Tính chung trong 6 tháng, Masan ghi nhận doanh thu gần 41,2 nghìn tỷ đồng, mới hoàn thành 44,8% mục tiêu doanh thu năm 2021 ở mức thấp là 92.000 tỷ đồng. MSN đạt 979 tỷ đồng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty, hoàn thành 39,1% mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp của năm 2021 là 2.500 tỷ đồng.
Thế giới Di động (MWG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế thuế nửa đầu 2021 tăng 26% lên hơn 2,55 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang chứng kiến hàng nghìn cửa hàng tạm đóng cửa từ cuối tháng 7. Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt có tác động lớn đến kết quả kinh doanh của MWG.
Tỷ phú Việt đối mặt với thách thức lớn từ đại dịch Covid-19. |
MWG đang triển khai việc điều chỉnh giảm thu nhập theo nguyên tắc "thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều" nhưng không áp dụng đối với nhân viên khối kinh doanh (nhóm được ghi nhận thu nhập theo doanh thu và điểm phục vụ).
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2021 giảm gần 37% xuống còn 565 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đạt 1.433 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020.
Vingroup ghi nhận nhiều hoạt động lỗ như sản xuất, du lịch và y tế trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh BĐS, doanh nghiệp của tỷ phú Vượng đang dồn sức cho ô tô và công nghệ và dành một nguồn lực không nhỏ cho chống dịch.
Thông tin từ Vingroup cho thấy, tập đoàn này đang xây nhà máy sản xuất vaccine tại khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc sau khi nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine mRNA phòng Covid-19 tại Việt Nam từ Công ty Acturus (Mỹ). Theo Bộ Y tế, dự kiến tháng 8/2021, vaccine có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Nhà máy sẽ có công suất từ 100 đến 200 triệu liều/năm.
Ở mảng ngân hàng, hai ông lớn Vietinbank và Vietcombank công bố lợi nhuận sụt mạnh. VietinBank báo lãi trước thuế quý II/2021 đạt 2.790 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 14%.
Lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II không được như kỳ vọng là bởi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh. Các ngân hàng đã triển khai hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thông qua các chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng.
Trong quý III, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành kế hoạch năm, các tập đoàn sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp, như: Chi phí ở các lĩnh vực kinh doanh gia tăng do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” và nguy cơ không đáp ứng kịp nhu cầu tiêu dùng gia tăng có thể ảnh hưởng đến kết quả tài chính.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 3/8
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 9,33 điểm lên 1.323,65 điểm. HNX-Index tăng 0,44 điểm lên 315,37 điểm. Upcom-Index giảm 0,193 điểm xuống 87,16 điểm. Thanh khoản đạt 15,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Cổ phiếu Vingroup vẫn duy tri được đà tăng mạnh, có thêm 6.600 đồng lên 114.100 đồng/cp; Novaland (NVL) của đại gia Bùi Thành Nhơn tăng 1.100 đồng lên 105.700 đồng/cp; Vinhomes (VHM) tăng 2.400 đồng lên 110.500 đồng/cp.
Nhóm kéo thị trường lại bao gồm các mã dầu khí và phân bón như: GAS, PVS, PVD, BSR…
Vào đầu giờ sáng, thị trường bứt phá mạnh. Chỉ số VN-Index có lúc tăng hơn 17 điểm nhờ sức bật của nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, gồm: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail. Cổ phiếu Vingroup có lúc tăng trần lên 115.000 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu blue-chips khác cũng tăng mạnh, trong đó có nhiều cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường dần hạ nhiệt do nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm VN30 giảm điểm như Masan, Vietnam Airlines, Vietinbank, GAS, FPT, Thế Giới Di Động…
Tới cuối giờ sáng 3/8, thị trường tăng điểm trên diện rộng với đa số các cổ phiếu trụ cột lên giá. Nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản duy tri tăng điểm.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giá cổ phiếu có xu hướng đi ngang. Thị trường tiếp tục phân hóa theo kết quả kinh doanh. Sự thận trọng có dấu hiệu trở lại.
Theo BSC, dòng tiền đầu tư lan tỏa vào thị trường trong phiên trước khi có 16/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trở lại trên sàn cả hai sàn HSX và HNX. Đồng thời, độ rộng thị trường duy trì trạng thái tích cực với thanh khoản suy giảm so với phiên trước cho thấy tâm lý giao dịch vẫn đang khá thận trọng. Với xu hướng như vậy, VN-Index có thể sẽ vận động ngắn hạn trong vùng điểm 1.300-1.350 điểm trong tuần này.
Chốt phiên chiều 2/8, chỉ số VN-Index tăng 4,17 điểm lên 1.314,22 điểm. HNX-Index tăng 0,08 điểm lên 314,93 điểm. Upcom-Index tăng 0,42 điểm lên 87,35 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 23,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 19,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Tỷ phú Việt Trần Bá Dương gặp khó thương vụ tỷ USD với Bầu Đức
Tham vọng rót tỷ USD giải cứu Bầu Đức và xây dựng đế chế nông nghiệp số 1 Đông Nam Á của Thaco gặp khó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét