Lợi dụng nhu cầu mua thực phẩm online của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, các đối tượng lừa đảo đã đăng rao bán các loại thực phẩm qua Facebook, Zalo rồi nhận tiền chuyển khoản nhưng không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng.
Nhận tiền nhưng không giao hàng
Chị T.V. - ở Q.3, TPHCM - kể cách đây vài ngày, chị thấy chủ tài khoản Facebook Hong Luu quảng cáo bán thịt heo, rau củ nên đặt mua. Chị V. được yêu cầu chuyển 1 triệu đồng vào ví điện tử MoMo đứng tên Nguyễn Thanh Sơn, số điện thoại 07925… Sau đó, tài khoản Facebook Hong Luu đổi tên thành Lozhong luu, chặn liên lạc với chị V. và cũng không giao hàng.
Nhiều người thông tin với chúng tôi, họ đang là nạn nhân của chủ thuê bao điện thoại 03521… Số điện thoại này được đăng ký ở nhiều tài khoản Facebook khác nhau, đăng bán rau củ đại hạ giá để chiếm đoạt tiền của khách. Anh Nguyễn Vũ Hùng (TPHCM) cho biết, thấy tài khoản Facebook Cô Út Bố Láo đăng bán các loại rau củ với giá 15.000 đồng/kg, bán với số lượng lớn, ưu đãi người dân trong vùng đang cách ly, giao hàng tận nhà, anh đã đặt mua 25kg. Sau khi chuyển 400.000 đồng vào tài khoản Nguyễn Thị Liễu, số tài khoản 0501… tại ngân hàng S., anh Hùng bị chặn liên lạc và không được giao hàng.
Trang Facebook Cô Út Bố Láo đăng bán rau, thịt, cá giá rẻ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách (ảnh do nạn nhân của tài khoản này cung cấp) |
Số điện thoại 03521… còn được đăng ký tại tài khoản Facebook Hùng - Rau củ quả xổ hết, người nhận tiền cũng là Nguyễn Thị Liễu, cũng nhận xong tiền rồi chặn liên lạc, xù hàng. Nữ sinh viên H.A. (Trường đại học Công nghiệp TPHCM) cho biết, số điện thoại trên còn được dùng đăng ký nhiều tài khoản Facebook khác với số tài khoản nhận tiền tên Quách Văn Thảo tại ngân hàng Đ.: “Ba mẹ tôi vừa bị lừa 600.000 đồng tiền mua rau từ số điện thoại trên. Với việc lừa cùng lúc nhiều nạn nhân, các đối tượng lừa đảo này chiếm đoạt không ít tiền”.
Mới đây, có khoảng 300 nạn nhân phản ánh, họ đặt mua rau củ quả tài khoản Facebook Hữu Cơ Đà Lạt, bị chủ tài khoản này chiếm đoạt tiền cọc và không giao hàng, số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng/người. Chị D.T.H. (tỉnh Hải Dương) cho biết, ngày 8/7, chị đặt mua rau củ, thịt cá trên trang này và chuyển khoản cho người nhận tên là Cao Thị Mỹ Linh, số tài khoản 05610… với số tiền 10,7 triệu đồng nhưng không được giao hàng, số điện thoại và Facebook bán hàng cũng đồng loạt khóa. “Tôi đã làm đơn trình báo với cơ quan công an để sớm tìm ra thủ phạm” - chị H. nói.
Chủ một đầu mối cung cấp rau củ tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết, mình cũng là nạn nhân của tài khoản Facebook Hữu Cơ Đà Lạt khi cung cấp nguồn rau sỉ cho người có tên Cao Thị Mỹ Linh. Thời gian đầu, Linh thanh toán tiền đều đặn để tạo uy tín nhưng sau đó không thanh toán và chuyển địa điểm cư trú.
Ngoài hình thức nhận tiền nhưng không giao hàng, nhiều tài khoản trên Facebook rao bán thịt heo tươi, thịt bò vàng (loại bò nuôi trong nước) nhưng lại giao thịt heo và thịt trâu đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn nhiều.
Đủ chiêu trò lợi dụng dịch để lừa đảo
Ngày 29/7, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM phối hợp với Công an TP.Thủ Đức bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (trú tại TP.Thủ Đức) về hành vi lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phụng liên tục lên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các loại dược phẩm, cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để đi đường (600.000 đồng/tờ), đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều); sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Nhiều tài khoản lợi dụng nhu cầu thực phẩm tươi sống tăng cao đã rao bán với giá thấp nhằm lừa đảo người mua |
Theo Công an TP.HCM, thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trộm cắp, lừa đảo. Các thủ đoạn thường là giả dạng nhân viên y tế, mặc đồ bảo hộ đến tận nhà dân, mồi chài phun thuốc phòng dịch, phát thuốc diệt khuẩn, cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin rồi đề nghị đặt cọc. Ngoài ra, một số đối tượng còn đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân COVID-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản…
Ông Phạm Hoàng Bảo - Trưởng phòng An toàn thông tin, Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - cho biết hầu hết các giao dịch chuyển tiền khi mua thực phẩm qua mạng đều vẫn còn lưu giao dịch. Những nạn nhân này cần cung cấp thông tin chủ tài khoản lừa đảo cho cơ quan chức năng để điều tra vụ việc. Khi mua hàng qua mạng, cần tìm những trang hoạt động lâu năm, có độ tín nhiệm cao, công khai địa chỉ, số điện thoại, website. Còn những trang mới thành lập chỉ một vài tuần mà rao bán hàng với số lượng lớn, giá rẻ, không có địa chỉ cụ thể thì độ uy tín không có. Hầu hết các trang không uy tín đều rao bán giá rẻ để đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều người.
“Cách đây vài ngày, tôi thấy người ta đăng và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook bảy số điện thoại xe cấp cứu mùa dịch COVID-19, cũng yêu cầu người nhà bệnh nhân phải chuyển khoản trước. Ngoài số điện thoại, không hề có địa chỉ trụ sở hoạt động, tên tuổi cụ thể nên nguy cơ lừa đảo rất cao” - ông Phạm Hoàng Bảo nói.
Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, hành vi chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc mua hàng từ 2 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nếu lừa số tiền dưới 2 triệu đồng, bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục lừa đảo thì có thể bị xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do đó, những người bị lừa đảo nên trình báo cơ quan chức năng dù số tiền bị chiếm đoạt không nhiều, vì nhiều người cùng tố cáo thì sẽ có cơ sở để xử lý đối tượng, không để đối tượng tiếp tục lừa đảo”.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Những chiêu lừa 'hớt tay trên' trong mua hàng online
Sau khi TP Hồ Chí Minh siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, người dân hạn chế tối đa ra đường, thì việc mua hàng online đã trở thành nhu cầu chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét