Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Cây mít cổ 120 năm tuổi, Thái Bình cử cán bộ chăm sóc bảo tồn

Cây mít cổ được cán bộ ngành Nông nghiệp đến chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, vì vậy dù tuổi đã cao cây vẫn xanh tốt quanh năm

Cây mít lạ trên 120 tuổi ở Thái Bình

Từ xưa, người dân xã Hà Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã trồng mít dai vàng trong vườn nhà. Đây là giống mít quý, sai quả, lại thơm ngon hơn các giống mít khác. Do đó, mít dai vàng của xã Hà Giang được nhiều người sành ăn tìm mua. Thêm nữa, cây mít dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư giống 1 lần khoảng 10.000 đồng/cây nhưng được thu hoạch lâu dài.

Hầu hết mít trong xã được nhân giống từ cây mít cổ trên 120 tuổi độc nhất vô nhị của gia đình bà Trần Thị Khể (ở thôn Hòa Bình, xã Hà Giang). Báo Thái Bình thông tin, năm nào được mùa cây mít cổ cho hơn 100 quả, năm nào ít cũng phải trên 50 quả; nặng từ 4-12kg/quả. Mọi người phải đặt mua từ khi quả mít dai vàng còn xanh.

"Mỗi năm, ngoài biếu người thân, xóm làng thì gia đình tôi còn thu gần 10 triệu đồng từ việc bán mít. Đặc biệt, từ khi tỉnh quyết định bảo tồn, cây mít cổ được cán bộ ngành Nông nghiệp đến chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, vì vậy dù tuổi đã cao cây vẫn xanh tốt quanh năm. 3 năm trở lại đây, tôi bán 300.000 đồng/quả trở lên, họ mua về để lấy hạt nhân giống...", bà Khể cho hay.

Quán độc nhất của đại gia Sài Gòn với hơn 5.000 cổ vật

Quán cà phê của anh Huỳnh Minh Hiệp gây sốt trong cộng đồng mạng bởi những nét độc lạ và hiếm có của nó, đồng thời quán cũng nhận được kỷ lục “Nơi trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước 1975) với số lượng nhiều nhất” của tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu xác nhận.

Quán có diện tích hơn 1.000m2, nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận (TP.HCM) với hơn 5.000 cổ vật được trưng bày. Trong đó, có nhiều cổ vật vô giá, có tiền chưa chắc đã mua được.

{keywords}
Từ sàn gạch hoa đến bàn ghế, biển quảng cáo đều là những đồ vật quen thuộc đối với người Sài Gòn xưa (Ảnh: Dân Việt)

Phần lớn đồ cổ trong quán đều có từ đầu thế kỷ 20 đến những năm 1970. Từ bộ bàn ghế, cánh cửa, kệ gỗ, cách trang trí tường, nền gạch hoa đến những chiếc máy hát, máy ảnh, điện thoại bàn, dàn nghe nhạc hay những chiếc xe máy đều là những đồ vật cổ xưa hiếm thấy và rất khó sưu tập.

Theo báo Dân Việt, với niềm đam mê đặc biệt với việc sưu tầm tiền cổ, anh Hiệp còn sở hữu hơn 20 loại tiền xu nguyên khối, hơn 10.000 đồng tiền xu cổ và tiền giấy của hơn 200 quốc gia trên thế giới.

Quán cà phê với hàng trăm quả mít "nằm la liệt" 

Mới đây, hình ảnh một quán cà phê rất độc đáo gây xôn xao mạng xã hội. Theo đó, quán cà phê được xây dựng xung quanh cây mít sai trĩu quả, với cả trăm quả mít lớn nhỏ, không ít quả mít còn nằm "vạ vật" ngay dưới sàn nhà.

{keywords}
Quán cà phê độc đáo với hàng trăm quả mít sai trĩu trịt (Ảnh: Coffee Cây Mít)

Theo tìm hiểu của PV. Dân Trí, cây mít này nằm trong một quán cà phê ở phường An Tường, TP. Tuyên Quang. Cây mít do người chủ cũ trồng từ năm 1968. Người chủ mới đã thiết kế tầng 2 quán cà phê vô cùng độc lạ. Đó là làm tấm sàn gỗ xung quanh cây mít và không ảnh hưởng đến sự phát triển của nó. Có lẽ cũng vì tiếc cây mít sai quả và muốn biến quán của mình trở nên độc đáo hơn nên chủ quán đã lựa chọn cách thiết kế này.

Hai loại na độc lạ, hút khách ở Bắc Giang

Cùng với những trái na truyền thống, tại vùng chuyên canh na của Bắc Giang mới xuất hiện thêm 2 giống na “lạ” hút khách với chất lượng, giá bán cao. Theo Báo Bắc Giang, hai giống na mới được người dân trong xã Huyền Sơn và Nghĩa Phương (huyện Lục Nam) mang về trồng đó là na tím (nguồn gốc từ Malaysia) và na Thái Lan.

{keywords}
Na tím mẫu mã, màu sắc đẹp, ăn rất thơm, ngon.

Trái na tím có vỏ màu tím, kích thước nhỏ hơn na dai Lục Nam (khoảng 6 quả/kg), thuộc dòng na bở, ăn rất thơm và ngọt. Giá na tím luôn cao gấp rưỡi na thường, hiện từ 65-70 nghìn đồng/kg. Còn những trái na Thái Lan có kích thước "khủng" (đạt từ 0,5-0,8 kg/quả), được xuất bán tại vườn có giá 70 nghìn đồng/kg, cao gần gấp đôi giá na dai thông thường.

Món ăn độc đáo từ ruột bò ở An Giang

An Giang nổi tiếng với đặc sản như cà na đập dập, lẩu mắm Châu Đốc, khô nhái, cơm tấm Long Xuyên, cá lóc nướng trui, bánh bò rễ tre,... Và không thể không nhắc đến món ăn tưởng chừng quen thuộc nhưng lại vô cùng độc đáo chỉ có ở Châu Đốc, đó là đặc sản tung lò mò.

{keywords}
Món ăn tung lò mò là đặc sản ở Châu Đốc - An Giang. (Ảnh: wildhorse_saigon).

Tung lò mò hay còn gọi là lạp xưởng bò, được tạo nên từ nhiều thành phần của thịt bò. Ruột bò làm bao bên ngoài. Nhân bên trong là thịt bò trộn với mỡ được băm nhuyễn. Gia vị để chế biến gồm tiêu, tỏi, cơm nguội và vài nguyên liệu truyền thống bí truyền của người Chăm. Sau khi quy trình chế biến nguyên liệu hoàn thành, tất cả sẽ được nén vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt ngón tay, tròn cỡ chân cái và đem phơi ngoài nắng khoảng ba lần.

Để thưởng thức món ăn độc đáo này có rất nhiều cách chế biến, thực khách có thể chọn cách hấp, chiên hay nướng,... Song tung lò mò trở nên hấp dẫn, ngon lành hơn khi được nướng trực tiếp lên trên bếp than hồng rực, bởi mùi thơm của món ăn sẽ được gia tăng khi được nướng đều, món tung lò mò này sẽ trở nên giòn dai bên ngoài lại có màu vàng rụm vô cùng đẹp mắt nhưng bên trong lại mềm mại.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Hai giống na lạ được khách hàng săn đón ở Bắc Giang

Hai giống na lạ được khách hàng săn đón ở Bắc Giang

Na Thái Lan và na tím (Malaysia) là 2 giống cây mới đưa vào trồng thử nghiệm tại Bắc Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét