Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Nỗi đau đại gia Trường Thành, ông Đặng Thành Tâm bị cú choáng

Nguyễn Đăng Quang, Đặng Thành Tâm, Trịnh Văn Quyết, Võ Trường Thành là những doanh nhân nổi bật tuần qua.

Đại gia Đặng Thành Tâm bị cú choáng nặng

Doanh nghiệp lớn bất động sản công nghiệp - Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với cú thua lỗ đầu tiên kể từ quý III/2013.

KBC lỗ chủ yếu do doanh thu giảm mạnh (giảm gần -80% so với cùng kỳ) và lợi nhuận thuần không đù bù chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp.

Sở dĩ KBC thua lỗ, theo giải thích của doanh nghiệp, chủ yếu là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm dẫn đến tình trạng giảm doanh thu bán hàng và tăng chi phí vốn của doanh nghiệp.

Thông tin này khiến nhiều người nghĩ về thời kỳ khó khăn của ông Đặng Thành Tâm cách đây gần một thập kỷ khi mà doanh nghiệp của đại gia này thua lỗ, chị gái của ông Tâm là bà Đặng Thị Hoàng Yến phải tạm rút lui.

Mặc dù thua lỗ nhưng giá cổ phiếu KBC giảm không nhiều và vẫn đang ở vùng cao nhất trong vòng 3 năm qua.

{keywords}
Ông Đặng Thành Tâm

Đáng chú ý là công ty do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT là CTCP Đầu tư Vinatex Tân Tạo vừa chi khoảng 140 tỷ đồng và mua thành công 10 triệu cổ phần KBC, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên gần 21 triệu đơn vị, tương đương 4,47% vốn. Ông Đặng Thành Tâm hiện là Chủ tịch Phát triển Đô Thị Kinh Bắc.

Cá nhân ông Đặng Thành Tâm hiện là cổ đông lớn sở hữu 85,25 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,15%). Trước đó lần gần nhất Vinatex Tân Tạo đã mua thêm 5 triệu cổ phiếu KBC trong giai đoạn giữa tháng 6 đến đầu tháng 7/2020.

Coteccons trong quý cuối ông Dương làm chủ tịch

Quý III/2020 là quý kinh doanh cuối cùng Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) hoạt động dưới vai trò điều hành của ông Nguyễn Bá Dương - người đã có đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 2/10 sau hơn một thập niên lãnh đạo.

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm, nhiều dự án bất động sản phải giãn tiến độ xây dựng, doanh thu quý III/2020 của Coteccons đã giảm gần 55%. Tác động này khiến lãi gộp trong quý cũng giảm hơn 54 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý III cho biết nhà thầu xây dựng này ghi nhận 2.807 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn 3.400 tỷ đồng (55%) so với cùng kỳ năm trước. Dù đã điều chỉnh các chi phí phát sinh trong kỳ theo xu hướng tiết giảm nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính của Coteccons vẫn sụt giảm mạnh.

Kết quả, nhà thầu xây dựng lớn nhất trong nước ghi nhận 117 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý III, giảm 45% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm tương ứng xuống 89 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thu hơn 165 tỷ đồng.

Năm 2020 là năm với nhiều biến động trong nội bộ Coteccons khi rất nhiều nhân sự cấp cao từ nhiệm. So với đầu năm, HĐQT Coteccons đã thay đổi 3/7 vị trí, bao gồm cả nhân sự chủ tịch của ông Nguyễn Bá Dương. Ban tổng giám đốc/kế toán trưởng nhà thầu này cũng thay đổi 4/6 vị trí, gồm cả tổng giám đốc và kế toán trưởng.

Những người rời khỏi Coteccons từ tháng 6 đến nay đều là những nhân sự nhiều năm làm việc dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Dương.

Nỗi đau đại gia Trường Thành

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với những tín hiệu khả quan. Doanh nghiệp lãi ròng hơn 13 tỷ đồng và ghi nhận quý lãi thứ 3 liên tiếp.

Đây là một chuyển biến tích cực sau những khoản lỗ vài nghìn tỷ đồng trong 4 năm trước đó. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này vẫn còn quá nhỏ bé so với quy mô hơn 3.000 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành. Hơn nữa, lãi đến chủ yếu từ khoản bồi thường từ cựu Chủ tịch Võ Trường Thành, người bị cáo buộc là quản lý yếu kém dẫn tới sự suy sụp của đại gia ngành gỗ một thời.

Theo báo cáo, trong quý III, TTF ghi nhận 33,8 tỷ đồng tiền bồi thường.

Theo phương án trước đó, ông Võ Trường Thành và con trai dùng tài sản cá nhân và người thân để bù lại những sai lệch, thất thoát do trách nhiệm quản lý yếu kém tại Gỗ Trường Thành và các công ty con để được miễn trách nhiệm pháp lý. Giá trị khối tài sản ước tính 161 tỷ đồng, gồm cổ phiếu TTF và vốn góp tại 13 công ty khác.

Cuối tháng 6, TTF chính thức thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Sau 3 năm, ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu đã giải quyết cơ bản những vấn đề tại TTF.

Như vậy, với khoảng 20% giá trị bồi thường dự kiến, TTF đã có lợi nhuận và có thể tránh khỏi việc bị hủy niêm yết nếu thua lỗ tiếp trong năm 2020.

Ông Trịnh Văn Quyết mở lối ngược dòng

Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE), ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC) vừa đăng ký mua thêm 35 triệu cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC. Với mức giá khoảng 4.500 đồng như hiện tại, ông Quyết sẽ phải bỏ ra khoảng 160 tỷ đồng.

Nếu giao dịch thành công, ông Trịnh Văn Quyết sẽ nâng số lượng nắm giữ lên 200,43 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 28% vốn điều lệ Tập đoàn FLC.

{keywords}
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết đăng ký mua cổ phiếu FLC trong bối cảnh cổ phiếu này tăng mạnh trong khoảng 4 tháng qua, từ mức khoảng 2.700 đồng/cp lên mức 4.500 đồng/cp như hiện tại. Tập đoàn này vừa báo cáo lãi lớn 577 tỷ đồng sau thuế trong quý III, tăng gấp gần 9 lần so với cùng kỳ. Tổng tài sản của FLC tại thời điểm cuối quý III đạt gần 37,232 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm.

Ông Quyết hiện là chủ tịch hội đồng quản trị FLC.

Thời gian qua, ông Quyết có rất nhiều lần mua bán cổ phiếu các doanh nghiệp của mình.

Hồi đầu tháng 3/2020, ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua 1,1 triệu cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (GAB), tương đương gần 8% cổ phần của doanh nghiệp này. Tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là Tập đoàn FLC cũng sở hữu 2,34 triệu cổ phiếu GAB (tỷ lệ 8,99% vốn).

DN chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng vay nghìn tỷ cho cuộc chơi mới

Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) vừa công bố kế hoạch huy động 1.200 tỷ đồng trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi và ở dạng tín chấp cho giai đoạn 2020-2021. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng và sẽ chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với lãi suất từ 7-9%/năm.

Mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu nợ với lãi suất ổn định.

Theo kế hoạch, VCI sẽ dùng số tiền huy động phục vụ hoạt động chứng khoán, cấp margin... Công ty theo đó kỳ vọng tiền thu hồi từ cho vay margin, tư doanh, môi giới... sẽ dùng để thanh toán lãi gốc trái phiếu.

Gần đây, giới hạn cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán tại ngân hàng bị khống chế ở mức tối đa 5% vốn chủ sở hữu ngân hàng, cùng với tiêu chuẩn định giá tài sản cầm cố thế chấp ở tỷ lệ rất thấp nên khả năng mở rộng hạn mức tín dụng khá hạn chế.

Từ đầu năm 2020, VCI cũng đã dồn dập huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Thời vận tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chứng kiến túi tiền tăng lên nhanh chóng nhờ sự bứt phá của cổ phiếu Masan trong bối cảnh chứng khoán Việt đỏ lửa và thị trường tài chính thế giới chao đảo theo những biến động bầu cử tại Mỹ.

Theo Forbes, khối tài sản quy ra từ cổ phiếu của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (MSN) tăng thêm 530 triệu USD kể từ đầu tháng 10 nhờ giá cổ phiếu tăng vọt.

Theo Forbes, tính tới 5/11, tổng giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang là 1,4 tỷ USD.

Sự bứt phá về khối tài sản của ông trùm trong lĩnh vực hàng thực phẩm, khoáng sản và bán lẻ tại Việt Nam là nhờ cổ phiếu Masan tăng giá mạnh.

Tính từ đầu tháng 10 tới nay, cổ phiếu Masan đã tăng 60%, từ mức khoảng 55.000 đồng/cp lên mức 87.900 đồng/cp như hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang đã tăng thêm gần 530 triệu USD trong vòng 1 tháng.

Bảo Anh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét