Thời gian qua, nhiều gia đình lùng mua các loại máy lạnh (ML), tủ lạnh (TL) với tên gọi mỹ miều "hàng nội địa Nhật".
Thay vì trang bị cho mình chiếc ML mới tầm trung (khoảng 4-7 triệu đồng) tại các trung tâm điện máy, nhiều người sẵn sàng lựa chọn những chiếc ML đã qua sử dụng nhập lậu từ Nhật về với giá tương đương hoặc thậm chí mắc hơn, trong khi chất lượng cũng... hên xui!
Chuộng hàng Nhật vì nghe đồn "rất bền"
Bắt đầu từ tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng của TPHCM đã giúp các cửa hàng kinh doanh hàng điện lạnh đã qua sử dụng bỗng chốc "ăn nên làm ra" khi có lượng lớn khách hàng (KH) tìm đến loại hình này sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để sắm cho mình chiếc ML gắn mác "nội địa Nhật", mà ít người quan tâm đến việc đây là mặt hàng bị cấm kinh doanh. Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 quy định rõ danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, trong đó bao gồm hàng điện tử (ĐT), điện lạnh, điện gia dụng.
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Việt Nam (VN), người dân có xu hướng chuộng các mặt hàng Nhật bãi, tuy nhiên 100% số này đều nhập lậu, không rõ nguốc gốc, chất lượng. Các cửa hàng kinh doanh cho thợ sửa hàng cũ nát thành mới và bán đắt hơn so với các sản phẩm thông thường. Quy định đã rõ ràng, nhưng hiện nay ML, TL nội địa Nhật vẫn được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội với nhiều mẫu mã, chất lượng khác nhau, giá thành cũng có sự chênh lệch rõ rệt, tất cả đều được giới thiệu "hàng Nhật bãi" cùng sự cam kết chắc chắn từ người bán.
Hàng điện tử, máy lạnh nội địa Nhật được rao bán tràn lan trên mạng |
Tại các cơ sở chuyên cung cấp, sửa chữa ML cũ cũng có nhiều nơi nhập những mặt hàng này về phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Một chủ cửa hàng cho biết, tuy là hàng bãi nhưng đa phần còn mới, nhiều loại chưa hết thời gian bảo hành và chất lượng "miễn chê”.
Tại một cửa hàng chuyên bán ML, TL Nhật đã qua sử dụng ở P.Tây Thạnh (Q. Tân Phú) có đủ loại ML "nội địa Nhật" được rao bán với giá khá cao, vì mới đến 95 - 98%, lại chưa qua tút tát bên ngoài. Tùy theo tính năng và thương hiệu mà các loại ML này có các mức giá khác nhau, từ 5,8 - 12 triệu đồng, các thương hiệu phổ biến có thể kể đến như Toshiba, Mitsubishi...
Theo một nhân viên bán hàng thì "chiếc Toshiba Inverter 1 ngựa (1HP) này vừa đăng hình đã có người "đặt gạch" ngay, hay như chiếc TL Hitachi 6 cửa, đời 2019 thuộc dạng hàng hiếm vì máy như mới 98% nên giá tới 18 triệu đồng cũng đã có người mua, đang chuẩn bị giao".
Dọc các tuyến Lê Trọng Tấn, khu công nghiệp Tân Bình, Phan Huy Ích, Tây Thạnh..., chúng tôi thấy rất nhiều cửa hàng bán ML nội địa Nhật một cách công khai và thường đội lốt cửa hàng bán đồ điện cũ, với rất nhiều mẫu ML phân phối chính hãng tại VN để bên ngoài. Tuy nhiên, khi KH có nhu cầu sẽ được dẫn vào kho bên trong, với vô số các loại hàng nội địa Nhật sắp xếp gọn gàng. Anh Hùng, người vừa mua chiếc ML nội địa Nhật hiệu Daikin, cho biết: "Nghe mấy người bạn nói đồ nội địa Nhật xài bền, mình cũng thử mua về, nhưng cũng hơi lo vì chưa biết về lâu dài thế nào".
Bỏ tiền triệu mang "rác" về nhà
Sở dĩ hàng nội địa nước ngoài nhập lậu, nhất là sản phẩm từ Nhật, được nhiều người tiêu dùng VN ưa chuộng vì "giá rẻ lại bền, khí gas thải ra được cho là không ảnh hưởng đến sức khỏe (ga R410)". Tuy nhiên, một chuyên gia cơ khí - nhiệt lạnh làm việc tại Siêu thị điện máy N.K khẳng định, quan niệm trên hoàn toàn sai lầm.
Đồ điện lạnh nhập lậu dù chất lượng thấp vẫn được nhiều người tìm mua |
Theo chuyên gia này: "Nhật sử dụng dòng điện 110V và các thiết bị điện tử của họ cũng sản xuất theo tiêu chuẩn này. Trong khi đó, VN lại sử dụng mức điện áp 220V, vì thế để sử dụng được ML nội địa Nhật cần phải có bộ chuyển điện áp từ 110V qua 220V, chính điều này sẽ làm cho ML tiêu hao điện nhiều hơn. Trong khi đó, ML tại VN hầu hết cũng đã bắt đầu chuyển sang dùng loại gas R410 theo tiêu chuẩn mới".
Chuyên gia này còn giải thích: "Máy lạnh nội địa Nhật chỉ tốt với điều kiện tất cả linh kiện bên trong đều mới, nhất là những thành phần quan trọng như tấm màng lọc. Trong khi đó ML Nhật nhập lậu về VN hầu hết là hàng thải, quá hạn sử dụng hoặc thiếu linh kiện thay thế. Nếu bộ lọc đã hết hạn sử dụng sẽ là ổ phát tán nấm mốc ra không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hầu hết các ML dạng này đều không thể tìm được bộ lọc thay thế, hoặc có chăng chỉ là dùng tạm, không thể bền bằng hàng chính hãng".
Còn theo một số thợ chuyên sửa chữa điện lạnh, KH thường nghĩ rằng mua hàng nội địa cũ của Nhật là rẻ, nhưng thực tế người tiêu dùng đang bỏ số tiền lớn hơn nhiều so với giá trị thật của sản phẩm.
Anh Đại, chủ 1 tiệm sửa chữa điện lạnh ở Q8, cho biết: "Dòng ML nội địa Nhật đã trở thành nỗi ám ảnh với những người chuyên sửa máy như tôi. Ai cũng kháo nhau ML Nhật bền, nhưng không ít máy đã cũ, kêu rất to, màng lọc bẩn hoặc hỏng, nhiều máy bị rỉ nước mà không có cách nào tìm phụ kiện thay thế. Chưa kể, nhiều khách quen còn cho biết, mua xong, tiền trả rồi thì cửa hàng xem như "phủi trách nhiệm", dù lúc mua hứa bảo hành đàng hoàng".
Cũng theo anh Đại, sở dĩ các cửa hàng chuộng kinh doanh dòng sản phẩm nhập lậu này vì lời rất cao, do giá nhập về rất rẻ. "Ai cam kết máy mới chưa bị tháo, chưa từng sửa chữa đều là nói dối hết. Hầu hết những loại máy này đều đã được tân trang, thậm chí tháo linh kiện ra để thay cái khác, nên chẳng ai dám đảm bảo về chất lượng sản phẩm" - anh Đại khẳng định.
Giữa năm 2020, Cục QLTT bất ngờ kiểm tra 1 kho hàng trên đường 19-5 (Q.Tân Phú, TPHCM), phát hiện hơn 600 sản phẩm điện lạnh nhập từ Campuchia, gồm nhiều ML, TL, bếp gas, bếp điện... đã qua sử dụng; chiếm phần lớn trong số này vẫn là những chiếc ML có nguồn gốc từ Nhật Bản và kho bãi trên cũng là 1 trong những điểm nóng phức tạp về trung chuyển hàng lậu từ biên giới Tây Nam vào thị trường nội địa. Đây là một trong những vụ việc liên quan đến hàng nội địa Nhật nhập lậu cực lớn được lực lượng QLTT phát hiện trong năm nay.
Trước đó, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã bắt giữ 1 chiếc tàu chở hàng điện lạnh đã qua sử dụng trên đường nhập lậu từ Campuchia vào, với 122 cục lạnh, 215 cục nóng ML xuất xứ từ Nhật, với tổng trị giá 700 triệu đồng. Trước đó, ngày 17-5, công an tỉnh này cũng phát hiện 1 ghe chở nhiều hàng ĐT xuất xứ từ Nhật đã qua sử dụng nhập lậu về như TL, cục lạnh, cục nóng, quạt máy, nồi cơm điện, laptop... với tổng trị giá 1 tỷ đồng.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi người dân VN hiện đang thải ra trung bình 1,3 ký rác thải điện tử (RTĐT) mỗi năm, tương đương 116 ngàn tấn. Hiện RTĐT đang chiếm khoảng 2% trong tổng số toàn bộ rác thải ra môi trường.
Là một thành phố lớn của cả nước, số lượng RTĐT tại TPHCM đang có xu hướng tăng nhanh theo từng năm. Tất cả những yếu tố như thu nhập tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm công nghệ nhanh chóng thay đổi mẫu mã, nhanh lỗi thời... đều ảnh hưởng tới tỷ lệ RTĐT. Nếu xử lý không đúng cách, số RTĐT nói trên sẽ gây ô nhiễm đến môi trường đất, nước, không khí, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. |
(Theo Công An TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét