Sau thành công của các đại gia, những cậu ấm cô chiêu lần lượt được giao quyền để quản lý khối tài sản khủng. Liệu họ có thành công hay như bố mẹ vẫn phải chờ thời gian.
Khác với ông Phạm Nhật Vượng, Bầu Đức, Nguyễn Hùng Anh, thế hệ F1 thường không được biết tới trên truyền thông thì các đại gia như Lê Viết Hải, Bầu Hiển, Đăng Văn Thành đang giao nhiều trọng trách cho con mình.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Đây được xem là một trong những bước chuyển quan trọng của Hòa Bình kể từ khi thành lập công ty đến nay. Trong suốt 33 năm, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc - đã làm tròn trách nhiệm của một người thuyền trưởng.
Trước đó, vào tháng 7/2020, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã ra nghị quyết bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu làm Tổng Giám đốc thay ông Lê Viết Hải. Ông Lê Viết Hiếu sinh năm 1992, là cử nhân quản trị kinh doanh chuyên ngành tài chính doanh nghiệp tại trường đại học Califonia Polytechnic State, San Luis Obispo (Hoa Kỳ).
Ông Hiếu từng công tác tại ngân hàng Shinhan Việt Nam trước khi gia nhập Tập đoàn xây dựng Hòa Bình năm 2016 và từng đảm nhiệm các vị trí phó giám đốc, giám đốc phát triển thị trường nước ngoài và phó tổng giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc của tập đoàn.
Trao quyền cho con của nhiều đại gia Việt |
Sự xuất hiện đáng chú ý là Đỗ Vinh Quang - con trai của bầu Hiển, sinh năm 1995. Cách đây không lâu, ông Đỗ Vinh Quang đã được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Trọng Chiến làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC), trở thành vị Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, con trai cả của Bầu Hiển, Đỗ Quang Vinh cũng sẵn sàng cho một cuộc chuyển giao tại Tập đoàn T&T Group. 4 năm điều hành T&T Mỹ được xem là khoảng thời gian bầu Hiển thử thách người kế nghiệp của mình. Năm 2019, chàng trai này từng tiết lộ anh muốn tham gia vào điều hành cả Tập đoàn T&T Group và ngân hàng SHB.
Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, Trần Hùng Huy (SN 1978) là con ông Trần Mộng Hùng - một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ACB trong thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà băng.
Năm 2002, Trần Hùng Huy gia nhập ACB với chức danh chuyên viên nghiên cứu thị trường. 4 năm sau, anh giữ chức Phó TGĐ kiêm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT). Năm 2012, anh bất ngờ được bổ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và nhanh chóng đưa nhà băng thoát khỏi khủng hoảng.
Với các cô con gái cũng không hề kém cạnh. Đại gia Lê Thanh Thản vốn được biết đến là một doanh nhân thành đạt trên thương trường. Người con gái Lê Thị Hoàng Yến cũng nổi tiếng không kém với vai trò là cánh tay phải đắc lực của ông. Lê Thị Hoàng Yến thuộc thế hệ cuối của 8X, là chị cả trong số 3 người con của đại gia Lê Thanh Thản. Trước khi quyết định về Việt Nam trợ giúp gia đình, nối nghiệp kinh doanh của cha, cô từng có 7 năm tu nghiệp ở nước ngoài.
Lê Thị Hoàng Yến |
Năm 2013, ái nữ của ông Lê Thanh Thản chính thức gánh trên vai trọng trách Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh. Như vậy, chưa đầy 30 tuổi, Lê Thị Hoàng Yến đã trở thành Tổng giám đốc chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam giữa bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Cũng tham gia trực tiếp điều hành doanh nghiệp gia đình, nữ doanh nhân sinh năm 1981 Đặng Huỳnh Ức My được xem là gương mặt sáng giá trong thế hệ F1 của các đại gia Việt. Ái nữ của “ông vua mía đường” Đặng Văn Thành thường được nhắc đến với danh xưng “Công chúa mía đường”.
Nhà Anphanam cũng đánh dấu sự chuyển giao cho hai con là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ. Ngọc Mỹ được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 có triển vọng. Năm 2017, cô có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Năm 2015, cô xuất hiện ở danh sách 30 Under 30, khi mới 24 tuổi.
Nhiều thách thức ở phía trước
Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) của Việt Nam được thực hiện bởi hãng kiểm toán PwC, có gần một nửa Thế hệ kế nghiệp Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào doanh nghiệp của gia đình.
Thế hệ kế nghiệp Việt Nam cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong 5 năm tới, với 27% người được khảo sát trả lời họ có dự định tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.
Thách thức không nhỏ đối với các lãnh đạo trẻ |
Tuy nhiên, thách thức với các lãnh đạo thế hệ sau không hề nhỏ. Ông Võ Tân Thành, chuyên gia quản trị cho biết, một số thống kê trên thế giới cho thấy, 70% công ty theo mô hình doanh nghiệp gia đình khó duy trì đến thế hệ thứ hai và 90% không thể duy trì đến thế hệ thứ ba.
Điểm tích cực là những công ty Việt Nam đi sau, có thể rút kinh nghiệm từ sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới. “Họ đã bắt đầu có những thay đổi theo hướng chủ động và tích cực hơn, đặc biệt là ý thức của thế hệ sau trong việc giữ gìn và phát huy cơ nghiệp của gia đình”, ông nói.
Doanh nhân Phạm Hồng Hải cho rằng, những yếu tố cần phải cân nhắc khi xây dựng một kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo gồm có: xác định ai là người kế thừa và ai là những thành viên tâm huyết/ thiếu tâm huyết trong gia đình, có tầm nhìn toàn diện về công ty trong tương lai, thiết lập cơ chế quản trị tốt và có văn bản kế hoạch rõ ràng. Ngoài ra, kế hoạch chuyển giao quyền lãnh đạo chưa bao giờ là một thứ bất biến hay chỉ đi theo một đường thẳng, mà cần được linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.
Xây dựng thế hệ kế thừa đủ năng lực và chuyên nghiệp là rất quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn chính là các nhà lãnh đạo trẻ nên được trau dồi để hiểu rõ và áp dụng các chuẩn mực cao về đạo đức doanh nghiệp để điều hành công ty một cách bền vững.
Chuyển giao cho thế hệ lãnh đạo kế cận là một trong số các vấn đề áp lực nhất đối với doanh nghiệp gia đình. Trong giai đoạn hội nhập cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay, câu chuyện chuyển giao quyền lực tại các doanh nghiệp Việt trở thành một đề tài được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi đây không chỉ là chuyển giao tài sản, mà là chuyển giao cả một sự nghiệp được xây dựng rất nhiều năm trời.
Bảo Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét