Tính đến hết quý III, Samsung tiếp tục dẫn đầu thị trường tivi Việt Nam với gần nửa thị phần, cao hơn con số tổng của 2 đối thủ theo sau là Sony và LG.
Chưa đầy 2 tuần mở bán, giữa tháng 11 vừa qua, chiếc tivi QLED ngoài trời The Terrace của Samsung đã tìm được người mua đầu tiên ở Việt Nam. Đó là mẫu tivi kích thước 75 inch, có giá gần 150 triệu đồng.
Trước đó, từ tháng 7, LG ra mắt dòng tivi OLED 8K đầu tiên trên thế giới với 2 kích thước 77 inch và 88 inch. Cùng thời gian, Sony cũng giới thiệu dòng sản phẩm Bravia Z8H 8K, sử dụng màn hình có kích thước lên đến 85 inch và công nghệ góc nhìn rộng X-Wide Angle.
Đại diện các hãng cho biết cạnh tranh chủ yếu đến từ phân phúc cao cấp, màn hình lớn, nơi có nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, kể cả trong bối cảnh Covid-19.
Phân định cục diện rõ ràng
Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu GfK, đến hết quý III, bộ ba thương hiệu đang dẫn đầu thị trường tivi tại Việt Nam là Samsung, Sony và LG. Trong đó, Samsung chiếm thị phần lớn nhất, lên đến 44,7%.
Nguồn: GfK. |
Đáng chú ý, trong khi Samsung và LG liên tục gia tăng 1-5% thị phần qua mỗi năm từ 2018, thì "miếng bánh" của Sony lại dần nhỏ đi, từ mức 32,6% năm 2018 còn 25,9% vào cuối tháng 9 năm nay.
Đặc biệt hơn, Samsung ngày càng nới rộng khoảng cách với 2 đối thủ, khi con số thị phần đã bắt đầu lớn hơn tổng thị phần của Sony (25,9%) và LG (17,6%) cộng lại.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi Samsung đang chiếm 59,1% thị phần tivi từ 65 inch trở lên và 55% thị phần tivi có giá trên 1.500 USD. Có thể nói, Samsung có ưu thế lớn hơn trong cuộc chiến cạnh tranh, khi các sản phẩm trung cấp và bình dân đang dần bão hòa, mức giá ngày càng thấp, còn những mẫu tivi màn hình lớn lại được ưa chuộng.
Thị trường tivi màn hình lớn từ 55 inch trở lên có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, bất kể đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 9, người tiêu dùng cả nước mua 919.300 chiếc tivi ở phân khúc này, tăng 29% so với năm 2017. Thị phần nhờ đó cũng đạt 44%, tăng 11% so với năm ngoái.
Nguồn: GfK. |
Mặt khác, GfK cũng ghi nhận số tivi QLED do Samsung bán ra thị trường trong 3 quý đầu năm lên đến 137,4 nghìn chiếc, gấp gần 10 lần số tivi OLED của các hãng Sony, LG, Panasonic...
Ganh đua ác liệt ở những dòng tivi cao cấp
Mặc dù cục diện đã khá rõ ràng, nhưng không vì thế mà cuộc đua giữa các hãng trở nên bớt gay gắt. "Cạnh tranh thì lúc nào cũng khốc liệt", đại diện Sony Việt Nam nói với Zing.
Theo vị này, chiến lược của hãng trong thời gian tới là tập trung vào phân khúc màn hình lớn, cạnh tranh dựa trên công nghệ và chất lượng sản phẩm.
Ông Yuji Kano, Giám đốc tiếp thị Sony Việt Nam thậm chí từng phát biểu hồi tháng 7: "Sứ mệnh của Sony là đem đến những sản phẩm tivi chất lượng nhất, thị phần không phải là ưu tiên".
Thực tế, ngoài dòng tivi cao cấp nhất năm nay là Bravia Z8H 8K, Sony cũng nâng cấp hình ảnh và âm thanh với vi xử lý X1 Ultimate, tấm nền Full Array LED, X-Wide Angle, công nghệ tăng độ tương phản, kiểm soát khung hình tốc độ cao và thiết kế màng loa mới.
Trong khi đó, hãng làm chủ công nghệ OLED là LG lại kỳ vọng thiết lập tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp tivi, thông qua sự kết hợp giữa các công nghệ tiên tiến về hình ảnh và âm thanh.
Những năm qua, hai nền tảng công nghệ OLED và QLED liên tục cạnh tranh, thậm chí không tiếc lời chê bai nhau một cách trực diện. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong ngành, cách biệt về chất lượng và giá thành giữa hai công nghệ này đã dần được thu hẹp, và khó nói được bên nào đang chiếm ưu thế.
Hai nền tảng công nghệ OLED và QLED liên tục cạnh tranh những năm qua. Ảnh: Xuân Tiến. |
Mặc dù vậy, đại diện Samsung Việt Nam vẫn khẳng định bất kể các thương hiệu hiện nay ào ạt tung ra nhiều sản phẩm tivi mới với đa dạng giá, hãng tự tin sẽ tiếp tục dẫn đầu khi đã giữ vững "ngôi vương" suốt 14 năm qua.
Trong năm 2021, Samsung cho biết sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị trường 8K với sản phẩm chủ lực QLED 8K.
"Samsung định vị dòng tivi QLED 8K là phân khúc cao cấp, hướng đến khách hàng có thu nhập cao với giá dành cho tivi 65 inch thấp nhất là gần 90 triệu đồng và cao nhất là tivi 85 inch với giá 249,9 triệu đồng", đại diện hãng chia sẻ.
Đồng thời, tại Việt Nam, doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa dãy sản phẩm QLED và mở rộng thị trường cho các dòng tivi lifestyle gồm The Frame, The Serif, The Sero và The Terrace.
Tuy vậy, theo nhận định của vị chuyên gia, các công nghệ áp dụng trên tivi hiện nay đã đạt đến trình độ cao. Do đó, trong tương lai, cạnh tranh trên thị trường sẽ đến nhiều từ thiết kế để phù hợp với nhu cầu từng đối tượng người dùng và giá thành sản phẩm, hơn là các cải tiến về công nghệ - vốn đã không còn quá rõ nét từ vài năm gần đây.
Trước mắt, hiện nay, nhiều sản phẩm tivi đến từ các thương hiệu lớn như Samsung, Sony, LG đang được khuyến mại lớn tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ điện máy. Mức giảm dao động từ 30-50%, kể cả sau dịp Black Friday.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Asanzo, cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc các dòng tivi này chưa thể tiêu thụ ở các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, sức mua tại Việt Nam không bị tác động quá lớn.
Do đó, ông dự đoán thị trường tivi cao cấp ở Việt Nam dịp cuối năm nay, đầu năm sau có thể sẽ tiếp tục nhộn nhịp với mức giảm sâu hơn, nếu tồn kho của các thương hiệu lớn chưa được giải quyết.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét