Để đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD như kế hoạch, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%,... mới có thể bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU.
Tín hiệu mới từ Trung Quốc
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, dịch Covid-19 trên thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Cụ thể, với dự đoán mức độ tác động dịch bệnh hiện tại, EU và Mỹ có thể mất trên 3 tháng để khống chế. Do đó, đến tháng 6-7/2020, thị trường nhập khẩu nông sản mới có thể kích hoạt phục hồi bình thường. Hay như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong nửa cuối tháng 3 đến 5/2020 và hoạt động nhập khẩu nông sản sẽ quay trở lại vào tháng 6, tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không nhiều.
Song, tín hiệu đáng mừng là Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường nông sản sẽ phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020. Kéo theo nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dần khởi sắc khi nước này đang kiểm soát tốt dịch bệnh |
Bộ NN-PTNT cũng thông tin, để thúc đẩy nhập khẩu, Trung Quốc đặc biệt chú trọng khôi phục hoạt động logistics, chuyển phát nhanh hàng hóa nhằm giải phóng sức tiêu thụ trong nước, giao thông đường bộ đi lại trên toàn quốc về cơ bản đã thông suốt.
Ngoài cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Trung Quốc cũng giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm (trong tổng số trên 800 mặt hàng) để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây sẽ là cơ hội dành tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản.
Thực tế, khi dịch Covid-19 ở Trung Quốc dần được kiểm soát, các cửa khẩu của Việt Nam giáp với nước này đã thông thương trở lại. Từ tháng 2 tới nay, gần 28.000 xe nông sản được thông quan xuất sang thị trường 1,4 tỷ dân này.
“Trung Quốc sẽ là thị trường quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân) tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này”, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Đón sóng mới sau dịch bệnh
Nhìn vào bức tranh sản xuất của ngành nông nghiệp với sản lượng ước khoảng 43,5 triệu tấn thóc, 5,8 triệu tấn thịt các loại, 8,5 triệu tấn thủy hải sản, rau quả đạt gần 18 triệu tấn và trái cây đạt 13,5 triệu tấn,... ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), khẳng định sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, xuất khuẩu, bởi sức sản xuất đang ở tốc độ cao. Do đó, không lo thiếu lương thực thực phẩm trong bất kỳ hoàn cảnh nào và mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD có thể đạt được.
Song, theo Bộ NN-PTNT, đạt được mục tiêu 42 tỷ USD là thách thức rất lớn. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9%,... mới có thể bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU.
Do vậy, Bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản.
Ngành Nông nghiệp nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD như kế hoạch đề ra |
Cụ thể, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đối phó Covid-19; trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, dãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, kiến nghị các Bộ Tài Chính, Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT cùng UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm hải quan, kiểm dịch và các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa tại các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, hàng nông sản.
Riêng về hạ tầng logistics, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Đông... ) nhằm tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp ngay trong quý II/2020.
Tại Hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 mới đây, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2020, toàn ngành nông nghiệp xác định rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất với sản phẩm xuất khẩu chủ lực; chú trọng yếu tố thị trường...
Riêng về thị trường xuất khẩu, sắp tới sẽ thúc đẩy mở rộng thị trường Nga, Brazil,... Còn ở thị trường Trung Quốc, khi dịch Covid-19 đi xuống thì nhanh chóng khôi phục, thông thương hàng hoá ngay, đồng thời xúc tiến mở cửa thêm các loại nông sản mới như sầu riêng, chanh leo, khoai lang,...
“Sau dịch bệnh, bao giờ nhu cầu lương thực, thực phẩm của các nước cũng rất lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ. Thế nên chúng ta cần tận dụng thời cơ, cần chuẩn bị tốt khâu sản xuất để có nguồn hàng cung ứng cho thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tâm An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét