Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Thiết bị tiết kiệm điện chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng

Qua kiểm chứng thực tế, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ điện làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong thời gian vừa qua, các chuyên gia kỹ thuật đã nhiều lần cảnh báo về những loại “thiết bị siêu tiết kiệm điện” được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ. Gần đây lại xuất hiện thêm quảng cáo trên mạng xã hội về cái gọi là “Thẻ tiết kiệm điện thông minh”,… Qua kiểm chứng thực tế cho thấy, các thiết bị này hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy.

Đặc biệt, các thiết bị trên hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương, cũng như các đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.

{keywords}
Các thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo rầm rộ trên các gian hàng online.

Phân tích về mặt kỹ thuật cho thấy, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ điện chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ điện làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

 
Theo nhận định từ EVN, có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, “lợi dụng” tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Mặt khác, nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật…

Với những phân tích nêu trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục có khuyến cáo tới khách hàng sử dụng điện không mua và không sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo trên mạng. Nhất là khi các thiết bị này không được các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc các đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận chất lượng cũng như cấp phép lưu hành.

Muốn tiết kiệm điện, người tiêu dùng cần luôn nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện đã khuyến cáo, như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp, theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, việc sử dụng điều hòa cũng nên hạn chế. Thay vào đó, các cơ quan công sở, các hộ gia đình cần mở các cửa cho thông thoáng, điều này vừa có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, vừa tiết kiệm được điện năng sử dụng.

(Theo VOV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét