“Tăng trưởng kinh tế quý I năm nay chỉ đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định.
Tuy giảm mạnh nhưng vẫn "đáng tự hào"
Chia sẻ tại cuộc họp báo kinh tế xã hội quý I/2020 mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng mức tăng trưởng GDP 3,82% trong quý I là “rất đáng tự hào” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, dịch bệnh xảy ra trên khắp thế giới, các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm hoặc không tăng trưởng.
Ông Lâm cũng nói rằng, xây dựng các kịch bản GDP là rất khó khăn khi phải liên tục cập nhật các kịch bản. Ngay trong quý I, Tổng cục Thống kê đã phải 3-4 lần cập nhật các kịch bản trên cơ sở tác động dịch bệnh đến nền kinh tế, đến đối tác kinh tế của Việt Nam.
Doanh nghiệp đang trong thời khắc rất khó khăn. |
Ngay sau khi có kết quả quý I/ 2020 là 3,82%, Tổng cục Thống kê đã xây dựng các kịch bản cho các quý tiếp theo.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chia sẻ: Kịch bản 1 là dự báo dịch Covid-19 kéo dài hết quý II, sau đó hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. "Nếu dịch bệnh Covid-19 chỉ kéo dài hết quý II, chúng tôi đưa ra kịch bản tăng trưởng đạt hơn 5%. Còn kịch bản thứ hai là dịch bệnh kéo dài sang hết quý III thì tăng trưởng, dù vẫn đạt hơn 5%, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng nếu dịch bệnh chỉ đến hết quý II".
“Chúng tôi cũng tính toán kịch bản để tăng trưởng GDP đạt được 6,8% thì mức tăng trưởng từng quý thế nào”, ông Lâm nói và nhận xét “kịch bản này rất khó đạt được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy”.
Dù vậy, ông Lâm không đồng tình với quan điểm cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP. Bởi, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng để cuối năm có thể “đạt được mục tiêu” thì không giải quyết được gì.
“Vấn đề là nỗ lực thế nào, giải pháp hữu hiệu thế nào để dạt kết quả tích cực, đó mới là câu chuyện cần bàn”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Cần sự chia sẻ của tất cả
Trong số hàng loạt giải pháp đề ra như tận dụng hiệp định thương mại tự do với EU, đầu tư công, nâng cao năng suất lao động, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2020 là một trong những giải pháp hiệu quả giúp tăng trưởng kinh tế.
“Vốn đầu tư công giải ngân thêm được 1%, thì làm cho GDP tăng 0,06 điểm phần trăm. Theo dõi đà giải ngân những năm vừa qua, dù kế hoạch giao 100% nhưng năm cao nhất chúng ta chỉ giải ngân được 92-93%. Nếu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công cũng góp phần làm cho GDP tăng thêm”, ông Nguyễn Bích Lâm tính toán.
Giá dầu suy giảm mạnh tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam. |
Cùng với đó, đại diện ngành Thống kê lưu ý phải nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Nghiên cứu qua Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR), Tổng cục Thống kê thấy rằng: Nếu hệ số ICOR giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Hệ số ICOR năm 2019 ở mức 5,9 (có nghĩa để có 1 đồng tăng trưởng thì phải bỏ ra 5,9 đồng vốn - PV), nếu giảm còn 4,9 thì GDP tăng thêm 1,12%. Cho nên nâng cao hiệu quả vốn đầu tư là giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, việc nâng cao năng suất lao động cũng cần chú ý. Nếu năng suất lao động tăng 1% có thể làm GDP tăng 0,9 điểm phần trăm. Đó là con số Tổng cục Thống kê tính toán.
Ông Lâm cũng hy vọng hiệp định thương mại với EU sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc, nhất là với ngành da giày, dệt may, thủy sản,...
Tuy nhiên, ông Bùi Trọng Tú, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, lo rằng xuất khẩu quý I đang ở mức độ tăng rất thấp so với cùng kỳ. Thời gian gần đây, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu, Mỹ. Hầu như các đơn hàng của DN ở Mỹ, châu Âu đang tạm dừng. Nếu quý II dịch tiếp tục bùng phát như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Bởi ngoài Trung Quốc, đây là hai thị trường tương đối lớn của nước ta, đặc biệt là với hàng dệt may, da giày và thủy sản.
“Thời gian tới, khi dịch Covid-19 giảm ở những thị trường này, cần tận dụng tốt hiệp định EVFTA, tập trung vào những mặt hàng trọng điểm. Nhà nước có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Nhưng mấu chốt vấn đề phải là doanh nghiệp, phải tự mình cải thiện tình hình, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm rõ nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng được các rào cản kỹ thuật... Vì khi tham gia cuộc chơi lớn, chúng ta phải lớn lên mới giành chiến thắng được”, ông Tú nói.
Theo lãnh đạo ngành thống kê, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% giờ đây đã trở thành “thách thức lớn”, do vậy cần sự chung sức đồng lòng của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp, sự chia sẻ của các thực thể trong nền kinh tế.
“Chính phủ có những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chia sẻ trách nhiệm. Vừa qua tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp kêu nhiều quá, muốn Chính phủ hỗ trợ nhiều quá. Bao nhiêu chính sách muốn hỗ trợ mà chưa thấy chia sẻ trách nhiệm. Kể cả người dân cũng chia sẻ trách nhiệm đó, chứ không phải chỉ Chính phủ đứng ra gánh vác”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Lương Bằng
Con số cảnh báo, giá cả tăng cao nhất 5 năm qua
Dưới tác động của dịch bệnh Covid - 19, tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,82%, thấp hơn rất nhiều cùng kỳ các năm trước. Trong khi giá cả tăng cao nhất giai doạn 5 năm 2016 - 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét