Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Tin chứng khoán ngày 21/4: Bóng dáng ông chủ mới của LienVietPostBank, thế lực khủng của đại gia giàu nhất Ninh Bình

Ông chủ Tập đoàn Xuân Thành nhiều khả năng sẽ là ông chủ quyền lực tại LienVietPostBank. Sau xi măng, rồi bất động sản với đất vàng Kim Liên, đại gia bậc nhất Ninh Bình lấn sân sang mảng tài chính.

Theo kế hoạch, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (LPB) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vào ngày 29/4 tới với một nội dung quan trọng: thông qua tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) LienVietPostBank nhiệm kỳ 2018 – 2023

Thông tin về số lượng và nhân sự đề cử hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, sau những diễn biến gần đây, giới đầu tư đã nhắc tới một cái tên đình đám có thể sẽ là ông chủ mới của ngân hàng này: đại gia Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy), ông chủ Thaigroup (Tập đoàn Xuân Thành cũ).

Ông Nguyễn Đức Thụy được biết đến là doanh nhân nổi tiếng đất Ninh Bình. Sinh năm 1976, Bầu Thụy đi lên từ xi măng và nổi danh trong lĩnh vực bóng đá và với vai trò là ông chủ Tập đoàn Xuân Thành với thương vụ đình đám bỏ nghìn tỷ, vượt qua tất cả các đại gia lớn phía Bắc để thâu tóm Khách sạn Kim Liên có diện tích đất vàng tại vành đai 1 Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Thụy hiện nắm giữ gần 86 triệu cổ phiếu Thaiholdings (mã THD) trên sàn chứng khoán, trị giá gần 17,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản của ông Thụy có thể nhiều hơn.

Cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings tăng giá mạnh kể từ khi lên sàn hồi giữa 2020 và đã vượt ngưỡng 200 nghìn đồng/cp.

Ông Nguyễn Đức Thụy gần đây được cho là mua vào một lượng lớn cổ phiếu của LienVietPostBank (LPB). Trước đó, bầu Thuỵ cũng tham gia nghi lễ đánh cồng trong ngày chào sàn của LienVietPostBank cùng hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt.

Trong một sự kiện diễn ra hồi đầu tháng 2/2021, ông Nguyễn Đức Thụy được giới thiệu là đại diện cổ đông lớn của ThaiHoldings và LienVietPostBank. Đây là lần đầu tiên bầu Thụy được giới thiệu với tư cách là cổ đông lớn của LienVietPostBank.

{keywords}
Bầu Thụy.

Nếu chỉ tính riêng khối tài sản quy ra từ cổ phiếu Thaiholdings, Bầu Thụy là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán, chỉ sau 6 tỷ phú USD được Forbes xếp hạng là: ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) và ông Bùi Thành Nhơn, bà Phạm Thu Hương và ông Nguyễn Phát Đạt (PDR).

Gần đây, Thaiholdings của Bầu Thụy đã thế chấp trụ sở để vay Bầu Hiển 700 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT của Thaiholdings đã thông qua việc vay vốn, mở L/C và sử dụng dịch vụ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) theo hình thức cấp hạn mức tín dụng tối đa 700 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là bất động sản tại số 210 Trần Quang Khải và 17 Tông Đản Hà Nội thuộc quyền sở hữu của CTCP Tôn Đản Hà Nội.

Trước đó, Thaiholdings cũng thông qua việc vay tối đa 500 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) với đảm bảo là cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm. Thaiholdings đang sở hữu gần 1,2 triệu cổ phần, tương đương 17,2% vốn tại Du lịch Kim Liên.

HĐQT hiện tại của LienVietPostBank có 6 thành viên, gồm: Chủ tịch Huỳnh Ngọc Huy, Phó Chủ tịch thường trực Phạm Doãn Sơn (kiêm TGĐ), ông Dương Công Toàn, bà Chu Thị Lan Hương, ông Lê Hồng Phong, bà Dương Hoài Liên.

Trước đó, ông Dương Công Minh là chủ tịch LienVietPostBank nhưng đã rời ngân hàng này để về làm chủ Sacombank. Sau ông Minh, ông Nguyễn Đức Hưởng, ông Nguyễn Đình Thắng và hiện tại là ông Huỳnh Ngọc Huy.

Bầu Thụy để lại nhiều dấu ấn trên thị trường. Trong năm 2015, Bầu Thụy gây rúng động thị trường với thương vụ bỏ ra 1.000 tỷ đồng để vượt qua một loạt doanh nghiệp lớn khác mua lại thành công 52% cổ phần của Du lịch Kim Liên, đơn vị đơn vị triển khai dự án quy mô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Trong năm 2020, Bầu Thụy lại nổi bật với vụ "niêm yết cửa sau" của Thaigroup thông qua Thaiholdings trong bối cảnh Thaigroup chưa đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết do có lỗ lũy kế.

Hồi giữa tháng 8/2020 (2 tháng sau khi Thaiholdings lên sàn HNX), Đại hội cổ đông bất thường của CTCP Thaiholdings của ông Nguyễn Đức Thụy đã thông qua nghị quyết về việc tăng vốn từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng để mua 82% cổ phần Thaigroup - một doanh nghiệp cũng của ông Thụy và trước là công ty mẹ của Thaiholdings.

Với thương vụ niêm yết cửa sau, Thaiholdings được đánh giá sẽ nắm giữ một lượng lớn tài sản sau khi thâu tóm Thaigroup.

Mặc dù có kết quả hoạt động khá khiêm tốn nhưng Thaigroup dự kiến lãi lớn từ chuyển nhượng nhiều khoản đầu tư. Hoạt động kinh doanh chính của Thaigroup là kinh doanh than nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng.

Thaigroup đang nắm giữ cổ phần ở nhiều doanh nghiệp, dự án lớn như: tại CTCP Du lịch Kim Liên, CTCP Tôn Đản Hà Nội - chủ sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower, nắm phần lớn CTCP Enclave Phú Quốc (đơn vị triển khai dự án Khu đô thị và phức hợp 352 ha tại Bãi Thơm, Phú Quốc), Nhà máy xi măng Quảng Nam, đất tại khu đô thị Xuân Thành (Ninh Bình, đất tại Cảng Ninh Phúc…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng mạnh lên ngưỡng 1.270 điểm.

Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và VN-Index có thể sẽ thử thách vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn có dấu hiệu tăng dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục rơi vào vùng thận trọng cho nên chiến lược ngắn hạn là nên hạn chế gia tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu trong giai đoạn này.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/4, chỉ số VN-Index tăng 7,7 điểm lên 1.268,28 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm lên 296,48 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 81,73 điểm. Thanh khoản đạt 25,8 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét