Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Sâm Báo - 'Đệ nhất danh sâm nước Nam'

Sâm Báo là cây dược liệu quý, được ví là đệ nhất danh sâm nước Nam, nhưng hiện mới chỉ có 7 ha trên núi Báo thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

Tương truyền được vua, chúa săn tìm

Tại xã Vĩnh Hùng, cụ Trịnh Thế Trung nay đã 94 tuổi, con cháu đời thứ 13 của dòng họ Trịnh là một giáo viên nghỉ hưu, làm nghề bốc thuốc. Ông có lẽ là người hiểu rõ nhất về sâm Báo, một loài cây dược liệu quý, từng được ví là "đệ nhất danh sâm". 

Theo cụ Trung, trước thế kỷ X, cây sâm Báo được nhân dân vùng Vĩnh Ninh, thuộc Ái Châu (huyện Vĩnh Lộc ngày nay) dùng làm nước uống và được biết đến rộng rãi vào thời nhà Hồ.

Tương truyền vào năm cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly cho xây Thành nhà Hồ ở động An Tôn, thuộc Vĩnh Ninh, trấn Thanh Đô (xã Vĩnh Long ngày nay) làm kinh đô. Trong một lần đi khảo sát việc xây thành, ông chứng kiến một nhóm thợ làm việc ngày đêm không biết mệt mỏi.

{keywords}
Sâm Báo, loài sâm từng được xem là "đệ nhất danh sâm", được trồng trong vườn nhà dân, trên núi Báo tại xã Vĩnh Hùng. Ảnh: Võ Dũng.

Đích thân ông tìm hiểu và được biết nhóm thợ này người làng Biện Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô. Họ có sức khỏe cường tráng là do dùng một thức uống nấu từ củ cây sâm trên núi Báo. Ông liền cho thành lập một nhóm chuyên đi săn tìm loài cây sâm quý; ban lệnh cấm người dân sử dụng, nhằm thu lượm cây sâm phục vụ cho công cuộc xây dựng thành.

Sau này, cây sâm Báo trở thành nước uống, cây dược liệu quý hiếm dùng để chữa bệnh và là thực phẩm bổ dưỡng chuyên dùng trong cung nhà Hồ, được coi là sản vật quốc gia trong vương triều nhà Hồ và thời chúa Trịnh, vua Lê sau này.

Cụ Trung cho rằng, cây sâm Báo mọc ở vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt” ở làng Bồng Thượng, nơi có thổ nhưỡng rất phù hợp với sự phát triển của cây sâm Báo.

Theo cụ Trung, sâm Báo rất giàu các loại vitamin bổ sung cho cơ thể con người. Đặc biệt, sâm Báo có giá trị cao trong việc điều trị một số căn bệnh của phụ nữ, bồi bổ cơ thể phụ nữ sau khi sinh. Muốn sâm Báo phát huy hết dược tính, quá trình thu hoạch, sơ chế phải hết sức cầu kỳ.

“Núi Báo có một giếng nước tự sôi. Cần chọn ngày nắng ráo để đào sâm, sau đó rửa bằng nước giếng này. Phải rửa sâm Báo bằng nước gạo nếp, tốt nhất là nếp cái hoa vàng, sau đó đồ lên 9 lần, phơi 9 lần (gọi là cửu chưng, cửu sái) sẽ cho ra sản phẩm tốt nhất. Sau khi phơi khô, sâm Báo được ép dẹt, chế biến thành lát hoặc bột để dùng dần”, cụ Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Điều lạ lùng là, sâm Báo mọc trên núi Báo rất chậm lớn, củ dài, vỏ mỏng, phía dưới đuôi củ thường chia làm 3 nhánh nhỏ, rất giống cơ thể người. Khi khai thác sâm Báo, điều quan trọng nhất là phải lấy được cả phần cổ của củ sâm.

{keywords}
Cụ Trịnh thế Trung, 94 tuổi, con cháu đời thứ 13 dòng họ Trịnh, một giáo viên nghỉ hưu, làm nghề bốc thuốc có lẽ là người am tường nhất về sâm Báo. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trịnh Thế Hoàn, một người dân tại thôn Bình An, xã Vĩnh Hùng dẫn chúng tôi ra sau vườn và chỉ cho chúng tôi xem 3-4 cây sâm Báo mà gia đình ông đang trồng. Ông Hoàn cho biết, những cây sâm Báo này ông đưa về trồng 2-3 năm nay, nhưng củ hiện cũng chỉ bằng đầu ngón tay cái. Hết mùa, sâm Báo rụng lá, chỉ còn thân và quả. Cứ thế, 4-6 năm mới có thể cho củ sâm Báo tốt nhất.

Ông Trịnh Việt Cường, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hùng cho biết cách đây vài năm, một công ty đã về xã thuê đất ở bãi trồng để sâm Báo, nhưng hiệu quả không như kỳ vọng nên họ bỏ.

Hiện nay, Hội Đông y huyện Vĩnh Lộc có sản xuất rượu với thương hiệu "Sâm Báo An Tâm", đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao nhưng thực tế số lượng cũng chưa đáng là bao.

Chúng tôi hỏi, vì sao sâm Báo tốt thế mà gia đình không trồng? Ông Hoàn trả lời, hiện gia đình không có đất nên chỉ trồng một số cây trong vườn dưới chân núi Báo.

Tại xã Vĩnh Hùng, không có nhiều hộ trồng sâm Báo nhiều như gia đình bà Đặng Thị Nga tại Thôn Đoài. Nhưng diện tích trồng sâm Báo của gia đình bà Nga cũng chỉ 4-5 sào. Hầu hết, các gia đình tại Vĩnh Hùng chỉ có một ít trồng trong vườn nhà và trên núi Báo, nhưng tổng diện tích hiện nay chỉ mới đạt khoảng 7 ha.

Loài sâm đỏng đảnh!

Ông Trịnh Việt Cường, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hùng là người rất trăn trở trong việc mở rộng diện tích sâm Báo. Theo ông Cường, có thời điểm, sâm Báo được tư thương săn lùng với giá 1,2 triệu đồng/kg. Bình quân, mỗi sào trồng sâm Báo (500 m2), sau 3-4 năm có thể thu hoạch được 150 kg củ sâm. Tính ra, với mỗi ha, người trồng thu hoạch được 3 tấn củ, vị chi có thể đem về nguồn thu 3,6 tỷ đồng/ha trong vòng 3-4 năm.

Nhưng vì sao sâm Báo không mở rộng được diện tích? – chúng tôi hỏi. Ông Cường chia sẻ bí quyết: Sâm Báo là một loài cây dược liệu rất đặc biệt, từ lúc trồng đến thời điểm thu hoạch không được bón bất kỳ một loại phân động vật nào, chỉ bón một ít phân lân, và phải tưới bằng nước sạch.

Bản thân cây sâm Báo rất dễ bị nấm và không chịu được nước. Cây đã bị nấm tấn công thì chỉ có thể vứt bỏ chứ không có cách gì chữa trị được. Thực tiễn trồng sâm Báo lâu năm của người dân địa phương cho thấy, cây sâm Báo phù hợp nhất với đất trên núi Báo.

{keywords}
Sâm Báo được truyền tụng là cây dược liệu quý nhưng đến nay chưa có một công trình nghiên cứu bài bản nào. Ảnh: Võ Dũng.

Khi trồng ở những vùng đất khác, chân đất khác, củ sâm to hơn, nhưng nếu sau 1 năm không thu hoạch thì sẽ bị hỏng hết. Còn sâm trồng trên núi Báo, củ chậm lớn, nhưng lại có thể lưu gốc từ năm này qua năm khác. Hết mùa, sâm tự rụng lá, còn lại cành và củ có thể để lưu lại như thế 5-6 năm mới thu hoạch cũng không sao.

Hiện núi Báo có tổng diện tích tự nhiên hơn 58 ha, nhưng chỉ diện tích trồng sâm Báo trên núi này mới chỉ có khoảng 7 ha, số còn lại đang trồng keo. UBND xã Vĩnh Hùng đang có ý định chuyển toàn bộ diện tích keo sang trồng sâm Báo, nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai vì chu kỳ keo chưa kết thúc, trong khi đó trồng sâm Báo phải có quá trình để hạt giống, chi phí lớn và rất bấp bênh kể cả đầu ra và quản lý dịch bệnh.

Theo ông Cường, thực tế đã có một doanh nghiệp về Vĩnh Hùng thuê đất bãi trồng sâm Báo. Sau một năm, củ sâm to, phải thu hoạch vì để qua năm sẽ hỏng. Tuy nhiên, sâm Báo trồng trên đất bãi giá rẻ hơn nhiều so với sâm trồng trên núi Báo.

Hiện tại, cũng chưa có một công trình nghiên cứu, phân tích nào về dược tính, giá trị dinh dưỡng; quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh, sản xuất giống... được công bố về cây sâm Báo nên người trồng rất sợ rơi vào tình cảnh không có đầu ra và rủi ro khi mở rộng diện tích. Điều này khiến mặc dù sâm Báo cho giá trị kinh tế rất cao, nhưng diện tích sâm Báo tại địa phương chưa được mạnh dạn mở rộng.

"Chúng tôi đang mong sẽ có một hội thảo nào đó để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhằm chuyển đổi toàn bộ diện tích núi Báo sang trồng sâm.

Bên cạnh đó, xã cũng đang rất cần có những nghiên cứu bài bản về giá trị của loại sâm này. Hiện nay cũng chưa ai biết sâm Báo để lâu sẽ tốt hơn hay trồng thu hoạch hằng năm sẽ tốt hơn?

Mặt khác, chúng tôi cũng cần những nghiên cứu bài bản để hướng dẫn cho bà con về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh, đánh giá sự phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng... của cây sâm Báo để không chỉ trồng cây sâm Báo ở Núi Báo, mà còn có thể trồng trên các chân đất khác ngoài khu vực núi Báo.

Chỉ khi nào có được câu trả lời về những băn khoăn nêu trên, và có doanh nghiệp đầu tư, hiểu sâu về giá trị của sâm Báo, chúng tôi mới dám khuyến khích người dân nên mở rộng diện tích hay không".

(Ông Trịnh Việt Cường, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hùng).

(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét