Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Tập đoàn của tỷ phú Jack Ma bị Trung Quốc xử lý

Ant Group phải sửa đổi mô hình kinh doanh theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc. Điều đó sẽ kéo tụt định giá, cản trở việc mở rộng và khiến Ant đánh mất thị phần vào tay đối thủ.

Theo Caixin, thay đổi chính sách chính phủ Trung Quốc đối với các gã khổng lồ fintech (công nghệ tài chính) nước này có thể là tin xấu đối với 711 triệu người dùng của Alipay. Họ không thể dễ dàng vay tiền hoặc mua những sản phẩm quản lý tài sản chỉ bằng một vài thao tác trên điện thoại thông minh.

Nhưng đó là tin xấu hơn đối với Ant Group, công ty sở hữu Alipay. Các cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu Ant loại bỏ hai dịch vụ cho vay Huabei và Jiebei - mảng kinh doanh sinh lời nhất - khỏi nền tảng thanh toán của công ty.

Sau khi đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant bị hủy bỏ hồi năm 2020, công ty và các cơ quan tài chính Trung Quốc đã thống nhất về một kế hoạch sửa đổi toàn diện. Một mặt, Bắc Kinh muốn bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng, mặt khác chống lại tình trạng độc quyền, giảm thiểu rủi ro tài chính và "san bằng" sân chơi pháp lý giữa những tập đoàn fintech và tổ chức tài chính truyền thống.

Ant Group đã thảo luận với bốn cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

{keywords}
Ant Group buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Sửa đổi hàng loạt

"Sự phát triển nhanh chóng của số hóa tài chính đã làm phát sinh các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, độc quyền thị trường, quyền lợi người tiêu dùng và quyền sở hữu dữ liệu, gây ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính và công bằng của thị trường", Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) tuyên bố trên trang web hôm 31/12/2020.

"Các vấn đề phát sinh khi một số nền tảng Internet thực hiện kinh doanh cho vay vi mô trực tuyến, chẳng hạn quản trị công ty không chặt chẽ, trục lợi từ độc quyền dữ liệu, khuyến khích vay nợ và đòn bẩy quá mức", cơ quan này nhấn mạnh.

Kế hoạch sửa đổi của Ant Group bao gồm 5 khía cạnh chính. Đầu tiên, Ant Group bị yêu cầu trở thành một công ty holding, gói tất cả công ty con tham gia vào hoạt động tài chính và phải tuân theo quy định do Hội đồng Nhà nước và PBOC ban hành hồi tháng 9/2020.

Thứ hai là giải quyết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh thanh toán. Như vậy, Alipay sẽ phải xóa các sản phẩm tài chính - bao gồm Huabei và Jiebei - khỏi nền tảng và trở thành một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán như ban đầu.

Thứ ba là hợp nhất hoạt động cho vay. Tất cả hoạt động kinh doanh cho vay của Ant sẽ bị đưa vào Chongqing Ant Consumer Finance (do Ant Group sở hữu 50%). Huabei và Jiebei - hiện được điều hành bởi hai công ty cho vay vi mô thuộc Ant Group - sẽ hợp nhất thành công ty tài chính tiêu dùng do CBIRC quản lý.

Thứ tư, Ant cần đảm bảo tuân thủ khuôn khổ quy định an toàn của các cơ quan giám sát tài chính, cải thiện quản trị công ty và chấn chỉnh những hoạt động tài chính bất hợp pháp nhằm kiểm soát rủi ro và đòn bẩy quá mức.

Cuối cùng là quản lý và kiểm soát rủi ro thanh khoản đối với các sản phẩm quỹ, giảm quy mô của Yu'e Bao, nền tảng quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất Trung Quốc.

Theo Caixin, kế hoạch biến Ant thành một công ty tài chính holding (FHC) sẽ hạn chế đáng kể hoạt động kinh doanh và tăng trưởng của tập đoàn. Theo các quy định mới, FHC phải góp ít nhất 50% tổng vốn đăng ký của tất cả tổ chức tài chính do công ty kiểm soát, cũng như đủ khả năng bổ sung vốn khi cần thiết.

Các quy định trên nhằm ngăn chặn sự thiếu kiểm soát và đòn bẩy quá mức có thể đe dọa ổn định của hệ thống ngân hàng.

Ant - với tư cách một FHC - sẽ bao gồm tất cả đơn vị tham gia vào hoạt động tài chính, nắm giữ nhiều loại giấy phép trong các lĩnh vực như ngân hàng, quản lý quỹ, bảo hiểm, thanh toán, cho vay vi mô trực tuyến và tài chính tiêu dùng.

Theo Caixin, tổng vốn đăng ký của các đơn vị kể trên lên đến 77 tỷ NDT (11,9 tỷ USD). Điều đó có nghĩa là Ant cần góp tối thiểu 38,5 tỷ NDT (5,93 tỷ USD), so với mức 23,8 tỷ NDT (3,67 tỷ USD) hiện tại. Công ty thậm chí còn cần nhiều hơn nữa để duy trì tăng trưởng.

"Các yêu cầu này rất cao và sẽ hạn chế đòn bẩy vốn của những công ty tài chính holding", ông Zeng Gang, Phó giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, bình luận.

Kéo tụt định giá

Với Huabei và Jiebei, Ant Group là nền tảng tín dụng tiêu dùng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cung cấp số lượng lớn khoản vay không thế chấp. Cho vay trực tuyến đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của Ant Group trong nửa đầu năm 2020, chiếm gần 40% tổng doanh thu.

Việc loại bỏ các sản phẩm này khỏi hệ sinh thái của Alipay có thể cản trở việc mở rộng kinh doanh, thậm chí khiến công ty đánh mất thị phần vào tay đối thủ.

Ant cũng phải đưa tất cả hoạt động cho vay vào Chongqing Ant Consumer Finance (CACF). Theo quy định mới về cho vay trực tuyến, CACF sẽ đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn. Các quy định yêu cầu những tổ chức phi ngân hàng góp ít nhất 30% vốn trong các khoản cho vay trực tuyến chung với ngân hàng.

Do đó, vốn đăng ký của CACF có thể phải tăng gần 580% lên 54 tỷ NDT (8,33 tỷ USD) nhằm cung cấp cho những khoản vay chung hiện tại, theo Caixin. Để so sánh, vốn đăng ký của hai công ty cho vay vi mô điều hành Huabei và Jiebei chỉ khoảng 16 tỷ NDT (2,47 tỷ USD).

{keywords}
Ant cũng phải đưa tất cả hoạt động cho vay vào Chongqing Ant Consumer Finance và chịu những yêu cầu khắt khe hơn. Ảnh: Reuters.

Hầu hết nhà phân tích đều cho rằng kế hoạch sẽ kéo tụt định giá của Ant Group khi trở lại IPO. Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg dự báo định giá có thể giảm từ 2.100 tỷ NDT (323,77 tỷ USD) hồi tháng 11 xuống còn 700 tỷ NDT (107,92 tỷ USD).

Sự thay đổi trong môi trường pháp lý cũng ảnh hưởng đến các công ty fintech khác. JD Technology mới đây đã rút đơn đăng ký IPO và cũng lên kế hoạch thành lập một FHC.

"Việc thắt chặt quy định đối với hoạt động kinh doanh tài chính của các công ty fintech sẽ có tác động đến việc bổ sung vốn, kế hoạch IPO và định giá của họ", một chủ ngân hàng đầu tư giấu tên nói với Caixin.

"Các cơ quan Trung Quốc sẽ thắt chặt quy định nhằm có được sự giám sát sâu rộng hơn. Điều đó dẫn đến giai đoạn điều chỉnh tăng trưởng và đầu tư vào lĩnh vực fintech", bà Yan Li, nhà phân tích của Moody's Investors Service, nhận định.

"Những quy định và quy tắc mới sẽ mang lại rủi ro cho các công ty fintech, bởi môi trường pháp lý thắt chặt đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong mô hình kinh doanh của các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính", bà cảnh báo.

(Theo Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét