Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến lần 2 dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư này không áp dụng đối với di tích thuộc di sản thế giới tại Việt Nam và di tích thuộc sở hữu tư nhân.
Việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện. Không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội; không được coi việc công đức, tài trợ là điều kiện để tổ chức lễ hội hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích; không được quy định mức bình quân, mức tối thiểu công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội.
Không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; làm sai lệch kiến trúc di tích, xâm hại cảnh quan, danh lam thắng cảnh và vi phạm quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc đặt hòm công đức đảm bảo mỹ quan, bền vững và phù hợp với di tích |
"Không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm", dự thảo nêu.
Tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào ngân sách nhà nước; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích theo quy định tại Thông tư này.
Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với nguyện vọng của nhà tài trợ, quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.
Đối với lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích có văn bản thỏa thuận rõ về việc phân chia các khoản công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội và cho quản lý di tích để làm căn cứ theo dõi, quản lý, sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Số dư kinh phí cuối năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội.
Dự thảo khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ kinh phí cho hoạt động lễ hội, quản lý di tích, chăm sóc, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của lễ hội, di tích; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước.
Dự thảo thông tư cũng có quy định về mở tài khoản nhận tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.
Trường hợp cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ nhưng khi sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải chuyển về tài khoản của đơn vị mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý việc chi tiêu và quyết toán.
Đối với việc quản lý tiền trong hòm công đức, dự thảo yêu cầu cơ sở quản lý di tích căn cứ tình hình thực tế để quyết định số lượng hòm công đức đặt tại di tích, bảo đảm thuận lợi cho việc công đức.
Việc đặt hòm công đức đảm bảo mỹ quan, bền vững và phù hợp với di tích; được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập.
Định kỳ hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng, cơ sở quản lý di tích thực hiện kiểm đếm số tiền trong hòm công đức. Mỗi lần mở hòm công đức phải có biên bản kiểm đếm; thành phần tham gia gồm những người được giao giữ chìa khóa hòm công đức, cán bộ phụ trách kế toán hoặc người được giao phụ trách việc ghi chép sổ sách thu, chi tiền công đức và đại diện tổ bảo vệ di tích.
Hà Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét