Tỷ phú Trần Đình Long có thêm cả tỷ USD trong thời gian ngắn, trong khi các đại gia như Lê Phước Vũ, Hồ Minh Quang… cũng giàu lên nhanh chóng nhờ giá thép tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.
CTCP Thép Nam Kim (NKG) của ông Hồ Minh Quang vừa công bố lãi kỷ lục 319 tỷ đồng trong quý I/2021, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ và hoàn thành hơn 53% kế hoạch lợi nhuận năm nhờ giá thép tăng mạnh.
Trong năm 2021, NKG đặt kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng; lần lượt tăng 38% và 200% so với năm trước.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp ngành thép cũng tăng lớn, báo lãi kỷ lục và có triển vọng tươi sáng nhờ nhu cầu thép tăng mạnh sau khi giảm trong năm trước đó vì đại dịch Covid-19. Sự phục hồi của thị trường bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh… cũng là các yếu tố khiến nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng, thép ông, tôn mạ.. tăng vọt.
Các đại gia ngành thép giàu lên nhanh chóng. |
Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim tăng gần 6 lần trong vòng một năm qua đã giúp túi tiền của chủ tịch Hồ Minh Quang tăng tương ứng.
Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa phát tăng hơn 3 lần trong vòng một năm qua, qua đó giúp túi tiền của ông Trần Đình Long tăng thêm khoảng 2 tỷ USD và giúp doanh nhân gốc Hải Dương này vượt qua nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet để trở thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán.
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu HPG đã tăng khoảng 50% lên mức trên 58.000 đồng/cp như hiện tại. Theo Forbes, tính tới hết ngày 19/4, khối tài sản của ông Trần Đình Long đạt 2,8 tỷ USD, cao hơn so với mức 2,8 tỷ USD của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Ông Hồ Hùng Anh đứng thứ 3 với 1,8 tỷ USD.
Đứng đầu là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup với 9,9 tỷ USD (tính tới hết 19/4).
Như vậy, cả ba doanh nhân Vượng, Long, Thảo đều giàu hơn cựu tổng thống Mỹ Donal Trump (2,4 tỷ USD). Ông Vượng đứng thứ 233 trên thế giới, giàu hơn thái tử Samsung Jay Y.Lee, Phó Chủ tịch Samsung Electronics (9,2 tỷ USD), George Soros (8,6 tỷ USD)…
Giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng mạnh chủ yếu do cổ phiếu Hòa Phát liên tục thiết lập mức giá kỷ lục sau 14 năm niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện ông Long trực tiếp sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG . Bên cạnh đó, vợ và con trai của tỷ phú này còn nắm giữ hơn 243 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Tính cả cổ phần của một số thành viên khác, gia đình ông Trần Đình Long sở hữu tổng cộng gần tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng gần 35% cổ phần Hòa Phát.
Vua thép Hòa Phát ghi nhận doanh thu 2020 tăng 41% lên trên 91 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13,5 nghìn tỷ, tăng 78% so với năm trước. HPG đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 18 nghìn tỷ đồng trong 2021.
Cú bứt phá về doanh thu và lợi nhuận của HPG đến từ dự án liên hợp Dung Quất tổng đầu tư 2,6 tỷ USD (bắt đầu 2017). Chính nhờ việc dự án Dung Quất đi vào hoạt động tạo cơ hội cho Hòa Phát đẩy mạnh sản lượng, chiếm thêm thị phần trong năm 2020 bất chấp diễn biến bất lợi của dịch bệnh Covid-19.
Theo SSI Research, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát năm 2021 có thể đạt 4,1 triệu tấn, tăng 20% nhờ nhu cầu trong nước phục hồi sau dịch và doanh nghiệp gia tăng được thị phần. Sản lượng tiêu thụ HRC gấp 4 lần lên 2,8 triệu tấn nhờ giai đoạn 2 của Dung Quất 1 đi vào hoạt động cả năm.
Trong quý I, Hoà Phát vượt Formosa thành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này đã sản xuất 2 triệu tấn thép thô trong 3 tháng đầu năm, tăng 60% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ báo lãi hơn 500 tỷ đồng trong tháng 3. Sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với sản lượng 121 nghìn tấn, doanh thu xuất khẩu đã vượt mốc 100 triệu USD/tháng. Cổ phiếu HSG tăng gấp hơn 2 lần trong 6 tháng qua.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng mạnh lên ngưỡng 1.270 điểm.
Theo MBS, thị trường đã kết thúc phiên viên mãn sau khi đã bứt phá mạnh mẽ và vượt qua mốc 1.260 điểm. Điểm khác biệt ở phiên này so với lần trước thị trường không thành công là sự hưởng ứng của khắp các nhóm cổ phiếu, bên cạnh đó có nhóm dẫn dắt như ngân hàng đã quay trở lại cùng sự góp mặt của nhóm Vingroup.
Về kỹ thuật, VN-Index đã có phiên break thành công khỏi các mô hình kỹ thuật để xác nhận xu hướng tăng tiếp diễn, khởi đầu cho một con sóng lớn. Với mức thanh khoản như hiện nay, thị trường hoàn toàn có thể vượt đỉnh 1.300 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/4, chỉ số VN-Index tăng 21,87 điểm lên 1.260,58 điểm; HNX-Index tăng 2,64 điểm lên 295,75 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 81,99 điểm. Thanh khoản đạt 23,1 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét