Từ đầu năm, giá xăng 5 lần tăng với mức tăng tổng cộng 2.333 đồng/lít xăng E5 và 2.567 đồng/lít xăng RON 95. Trong khi đó, giá xăng chỉ giảm 1 lần là 45-76 đồng/lít.
Vì sao giá xăng tăng nhiều, giảm nhỏ giọt?
Từ tháng 10/2020 đến nay, giá xăng dầu trên thị trường thế giới diễn biến theo xu hướng tăng là chủ đạo, kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng chịu áp lực điều chỉnh tăng theo.
Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã qua 7 kỳ điều hành, trong đó chỉ duy nhất 1 lần giữ nguyên, 1 lần giảm giá còn lại là 5 lần tăng với mức tăng rất mạnh.
Tính tổng 5 lần tăng giá, giá xăng E5 đã tăng tổng cộng 2.333 đồng/lít. Xăng RON 95 tăng 2.567 đồng/lít. Còn 1 lần giảm giá, thì giá xăng E5 cũng chỉ giảm 45 đồng còn xăng RON 95 giảm 76 đồng.
Nếu tính kể từ 3 kỳ tăng giá xăng dầu liên tiếp vào cuối năm 2020 thì giá xăng E5 đã tăng một mạch, tổng cộng 3.966 đồng/lít; xăng RON 95 tăng tổng cộng 4.345 đồng/lít.
Điều này dấy lên nhiều thắc mắc: vì sao giá xăng luôn tăng mạnh, trong khi giảm thì nhỏ giọt?.
Giá xăng liên tục tăng nhiều lần trong 6 tháng qua. |
Thực tế, giá xăng dầu Việt Nam dù được điều hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước thông qua các công cụ thuế, phí, lợi nhuận định mức, đặc biệt là Quỹ bình ổn giá.
Việc tăng - giảm giá xăng tại mỗi kỳ điều hành phụ thuộc nhiều vào việc trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cho nên, mức tăng giảm dường như rất khó đoán định chính xác, cho dù các dữ liệu đầu vào là công khai.
Xét công bằng, thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã góp phần làm giảm đà tăng của giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng “dựng đứng”. Trong những thông cáo về điều chỉnh giá xăng dầu, giờ đây Bộ Công Thương luôn có thêm cụm từ “nếu không chi quỹ bình ổn giá... thì giá xăng tăng... ”.
Chẳng hạn, tại kỳ điều hành gần nhất khi giá xăng giảm 45-76 đồng/lít, Bộ Công Thương cho biết nếu không chi Quỹ bình ổn giá, giá một số loại xăng dầu có thể tăng từ 200-932 đồng/lít/kg.
Song, ở chiều ngược lại, sau khi đã chi mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lượng tiền trong Quỹ cũng suy giảm nhanh chóng. Do đó, có trường hợp khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước lại giảm rất nhỏ nhọt. Lý do là Bộ Công Thương phải trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoặc hạ mức xả Quỹ bình ổn giá để có nguồn tiền để chi khi giá xăng dầu tăng mạnh.
Chưa thể thả nổi giá xăng
Số tiền trong Quỹ bình ổn giá thực chất là tiền của người tiêu dùng bỏ vào. Nhiều ý kiến đã đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh nhịp nhàng theo biến động của giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương vẫn khẳng định sự cần thiết của Quỹ này.
Theo đó, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá được xem xét điều hành theo nguyên tắc khi giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá tại thời điểm điều hành giá xăng dầu, diễn biến giá cơ sở xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm điều hành giá
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
Một lý do khác khiến giá xăng dầu trong nước nhiều lúc “lạc nhịp” với thị trường thế giới là do chu kỳ điều chỉnh giá 15 ngày/lần. Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Công Thương cũng đã tính đến việc điều chỉnh 10 ngày/lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Bộ Công Thương vẫn khẳng định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cơ bản sẽ không có nhiều thay đổi so với trước đây. Người tiêu dùng dùng vẫn sẽ tiếp tục thấy trường hợp giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm ở một số thời điểm. Việc “thả” hẳn giá xăng dầu theo cơ chế thị trường như nhiều mặt hàng khác vẫn chưa thực hiện được, cho dù trên thị trường hiện nay có khoảng 40 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Khi giá xăng dầu vẫn phải “gánh” thêm nhiệm vụ kiểm soát lạm phát thì việc thả nổi giá mặt hàng này vẫn còn là chuyện xa vời.
Lương Bằng
Đại gia ngoại thâu tóm thị trường xăng dầu: Bộ Công Thương lường trước nguy cơ
Bộ Công Thương kiến nghị bỏ nội dung nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 35% cổ phần tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ra khỏi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014 "nếu cần phải nghiên cứu thêm".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét