Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Bóc mẽ tờ 1.000 đồng cũ nát hét giá 140 triệu

Theo nhận định của “vua Tiền tệ” Hùng Bá, việc đăng mức giá 140 triệu đồng cho tờ tiền 1.000 đồng là bình thường nhưng liệu có ai chịu mua với giá “trên trời” không?

Mới đây, tờ tiền cũ 1.000 đồng Việt Nam, phát hành năm 1988, với số seri NJ 0763081 được rao bán trên trang thương mại điện tử Nhật với giá tới 654.320 yên (gần 140 triệu đồng Việt Nam).

Theo quảng cáo từ người đăng tin, sở dĩ tờ tiền có giá cao vì quý hiếm, mang tính nghệ thuật của một nhà sưu tầm.

Thông tin này làm dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh mức giá "không tưởng" của tờ tiền cũ. Nhiều ý kiến cho rằng, với tờ tiền 1.000 đồng phát hành năm 1988 có thể tìm được nhiều tờ có seri đẹp hơn và mức giá đưa ra là quá cao.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, có thể tờ tiền gắn với dấu tích độc đáo nên có thể có giá "trên trời" như vậy.

{keywords}
Tờ 1.000 đồng được rao bán với giá 140 triệu đồng.

Trao đổi về vấn đề này, Hùng Bá – Vua tiền tệ (người sưu tầm và định giá tiền cổ có tiếng ở Hà Nội) nhận định, việc đăng bán tờ tiền với mức giá trên không có gì bất thường, tuy nhiên đây mới chỉ là phát giá. Việc có người mua hay không mới là quan trọng để nói rằng đây là một giao dịch. Ngoài ra, đây không phải giá thị trường của tờ tiền 1.000 đồng.

"Không có 1 quy định cụ thể nào cho việc định giá, tuy nhiên, nếu tìm hiểu, sưu tầm lâu sẽ nhận thấy có mức giá chung trên thị trường rồi cho từng dòng tiền. Với tờ 1.000 đồng, seri số 9 đẹp nhất Việt Nam cũng chỉ có giá khoảng 10 -12 triệu đồng. Do vậy, khó có thể đạt được giao dịch với mức định giá 140 triệu đồng cho tờ tiền này. Có thể đây chỉ là đăng bán ảo, giống như lan đột biến", Hùng nói.

{keywords}
"Vua tiền tệ" Hùng Bá.

Trong quá trình sưu tầm, định giá các tờ tiền, Hùng Bá cho rằng, khi một tờ tiền được phát giá, có nhiều người chấp nhận giá đó thì đó mới là giá thị trường. Còn với tờ 1.000 đồng này, kể cả nếu có 1 người mua thì cũng không phải giá chung.

Theo anh, để đạt được mức giá 140 triệu đồng thì đó phải là những tờ tiền mới in ra làm bản thử, chưa kịp phát hành cho công chúng tiêu dùng hoặc những tờ phát hành trong thời gian ngắn, số lượng cưc kỳ hạn chế.

"Không hẳn tiền cổ mới là đắt mà phải là càng hiếm mới càng đắt", Hùng Bá nói.

{keywords}
Tiền cổ.
{keywords}
Những tờ tiền hiếm có giá trị rất cao.
{keywords}
Tiền xu sưu tầm.

Trên thị trường, các loại tiền giấy, tiền xu Việt Nam và nước ngoài đang được rao bán khá nhiều, với mức giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng một tờ. Trong đó có những đồng tiền mang trong mình huyền thoại nổi tiếng như đồng tiền trong câu chuyện công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, đồng tiền giấy đầu tiên có in hình Bác Hồ...

Mỗi dòng tiền được định giá khác nhau theo người chơi. Thái Anh, một người sưu tầm tiền cổ ở Hà Nội cho rằng, tiền quý và đắt nhất là tiền xu cổ. Loại xu cổ nhất có niên đại lên đến trên 1.000 năm, nó xuất xứ từ thời phong kiến có giá trị lịch sử cao. Tuy nhiên, các loại tiền cổ này đa phần là vô giá, rất khó phân định giá trị thật của chúng. Người này cũng cho rằng, tờ 1.000 đồng khó đạt được mức giá trăm triệu.

"Việc phát giá các tờ tiền, hay đồ dùng của người Việt trên các trang thương mại điện tử với giá bán đắt đỏ không phải hiếm. Tuy nhiên, không nhiều trong số đó là giao dịch thật, mà chủ yếu để thu hút sự chú ý, tăng tương tác cho người bán hàng", Thái Anh nhận định.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét