Tết Tân Sửu là năm đầu tiên hiệu lực của Bộ luật Lao động 2019 với nhiều dự báo thưởng Tết 2021 rất khó có thể giữ được đà tăng trưởng theo xu hướng của những năm gần đây.
Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 2021, trong đó quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như vậy, từ năm tới, thưởng Tết không nhất thiết phải bằng tiền, mà doanh nghiệp có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật. Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Cách đây ít hôm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng, nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn trước ngày 27/12.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo thưởng tết năm 2021 chậm hơn mọi năm. Và như vậy, dự kiến cuối tháng 1/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới có thông tin tổng hợp về tình hình thưởng tết tại các địa phương và các loại hình doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn là 1.878,9 nghìn tỷ đổng và tổng số lao động đăng ký là 970 nghìn lao động, giảm 1,9% về số doanh nghiệp và 14,7% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 11 tháng, doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 44,4 nghìn, tăng 59,7% so với cùng kỳ.
Với bức tranh chung kém khởi sắc như trên, năm 2020 là một năm khá khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp, nhiều dự báo cho rằng, mức thưởng Tết Tân Sửu năm nay khó có thể đạt được như mọi năm.
3 năm trước thưởng Tết đều có xu hướng tăng
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, tiền thưởng dịp Tết Dương lịch bình quân là 1,1 triệu đồng/người. Tết Nguyên đán bình quân cả nước là 5,5 triệu đồng/người (tương đương 1 tháng lương), tăng 13% so với Tết năm 2017.
Trong đó, công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân người lao động nhận được là 5,02 triệu đồng/người; Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước, mức thưởng bình quân 6,21 triệu đồng/người; Doanh nghiệp khối dân doanh mức thưởng 5,09 triệu đồng/người; Nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng bình quân cho người lao động là gần 5,68 triệu đồng/người.
Năm 2019, mức thưởng bình quân Tết Dương lịch là 1,42 triệu đồng/người, tăng 23,3% so với năm 2018. Thưởng Tết Âm lịch bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (6,31 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018.
Năm 2020, Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, có khoảng 85,6% doanh nghiệp thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân 930.000 đồng/người, bằng 73,2% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2019. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 2,14 triệu đồng/người; Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước là 1,36 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng 790.000 đồng/người; Doanh nghiệp FDI 800.000 đồng/người.
Khoảng 89,3% doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Nguyên đán 2020 với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (6,71 triệu đồng/người), tăng 7,1% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019, cụ thể: Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước 6,12 triệu đồng/người; Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước 7,53 triệu đồng/người; Doanh nghiệp dân doanh 6,27 triệu đồng/người; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6,91 triệu đồng/người.
TP.HCM có mức thưởng Tết bình quân cao nhất các năm
Nhìn bao quát có thể thấy mức thưởng Tết tăng dần trong 3 năm trở lại đây, tuy nhiên giữa các địa phương và nhóm doanh nghiệp lại có sự chênh lệch rất lớn về tiền thưởng.
Trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2018 mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI ở TP.HCM (1,5 tỷ đồng), mức thưởng cao nhất Tết Nguyên đán cũng thuộc về địa phương này ở khối doanh nghiệp dân doanh với mức 855 triệu đồng.
Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất là 30.000 đồng, thuộc về doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình và Bình Dương. Mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 20.000 đồng/người tại một doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2019, TP.HCM tiếp tục là địa phương có mức thưởng Tết Nguyên đán cao kỷ lục so với mặt bằng chung của cả nước (1,17 tỷ đồng) thuộc về một doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực tài chính. Mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất cả nước cũng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TP.HCM với 500 triệu đồng.
Trong khi đó mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất năm 2019 thuộc về một doanh nghiệp ở Bắc Ninh với 50.000 đồng. Mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất cũng là 50.000 đồng, do một công ty dân doanh Hải Phòng chi cho người lao động.
Vượt xa mức thưởng cao nhất năm 2019, mức thưởng Tết Dương lịch 2020 cao nhất là 3,5 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP.HCM.
Đối với Tết Nguyên đán năm 2020 mức thưởng cao nhất có sự "đổi ngôi" giữa các loại hình doanh nghiệp so với thưởng năm 2019. Cụ thể, mức thưởng cao nhất là 950 triệu đồng/người tại một doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Địa phương này cũng là nơi có doanh nghiệp trả mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất là 100.000 đồng.
Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất 2020 thuộc về một công ty dân doanh ở Hải Phòng với mức 30.000 đồng.
Như vậy, TP.HCM là địa phương thường xuyên dẫn đầu về mức thưởng Tết qua các năm (2018-2020) và nhóm doanh nghiệp FDI luôn có mức chi thưởng cao nhất trong số 4 nhóm doanh nghiệp.
(Theo Bizlive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét