Nhiều người bàng hoàng, không tin vào tai mình trước thông tin đối tượng của tội phạm trong vụ án này là số tiền lên tới gần 30 nghìn tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ đô la Mỹ.
Nhiều giả thuyết được đặt ra, người ta bàn luận, đồn đoán về một cuộc phục kích, bắt quả tang tội phạm trên đường vận chuyển trái phép tiền tệ ra nước ngoài, rồi hình dung số tiền đó phải chất trên bao nhiêu chiếc xe ô tô, rồi cho rằng nguồn gốc tiền đó hẳn là do tham nhũng, buôn lậu hay cờ bạc mà có...
Chiêu thức tinh vi
Mấy ngày qua, “tâm chấn” dư luận hướng tới chiến công của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội về thành tích triệt xóa đường dây vận chuyển trái phép tới 30.000 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài nhằm che giấu hành vi phạm tội khác. Theo thông tin ban đầu, từ ngày 25-9-2020, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.
Bước đầu xác định Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm đã lập ra nhiều công ty xuất nhập khẩu làm ăn với nước ngoài, để làm thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hóa che đậy cho việc vận chuyển trái phép tiền tệ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Số ngoại tệ một hành khách cất giấu khi làm thủ tục hải quan đi từ TP Hồ Chí Minh đến Hàn Quốc. |
Nhiều người bàng hoàng, không tin vào tai mình trước thông tin đối tượng của tội phạm trong vụ án này là số tiền lên tới gần 30 nghìn tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Nhiều giả thuyết được đặt ra, người ta bàn luận, đồn đoán về một cuộc phục kích, bắt quả tang tội phạm trên đường vận chuyển trái phép tiền tệ ra nước ngoài, rồi hình dung số tiền đó phải chất trên bao nhiêu chiếc xe ô tô, rồi cho rằng nguồn gốc tiền đó hẳn là do tham nhũng, buôn lậu hay cờ bạc mà có...
Mang theo sự tò mò của dư luận, tôi gọi điện cho người bạn chiến đấu khi còn ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang (trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội). Tuy nhiên, nguyên tắc công tác và vì đang trong quá trình điều tra nên chờ đợi là điều không thể khác đối với vụ án gây rúng động dư luận này.
Nhưng, nhật kí công tác của một trinh sát hình sự khiến tôi liên tưởng đến một số vụ án cùng loại đã đưa ra xét xử trong những năm gần đây, cho thấy các đối tượng phạm tội luôn tìm cách nghĩ ra những chiêu trò mới, tinh vi hơn, liên quan đến nhiều nước để đối phó với các cơ quan chức năng, che giấu tội phạm”.
Để hiểu thêm về thủ đoạn vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tôi gọi tiếp cho T - một tiểu thương tại chợ Móng Cái (Quảng Ninh), nơi có hoạt động biên mậu nhộn nhịp. Với sự sành sỏi của người chuyên về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt - Trung, cuộc trò chuyện với T đã giúp tôi hiểu hơn về thủ đoạn phạm tội này.
T. cho biết việc chuyển tiền ra nước ngoài là một loại “dịch vụ ngầm” cho lợi nhuận rất cao. Bình quân phí dịch vụ từ 0,3% đến 0,75% tổng số tiền chuyển đi. Địa chỉ nhận tiền gồm nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Cốt lõi của thủ đoạn chuyển tiền ra nước ngoài trái phép trong trường hợp này là giả mạo việc thanh toán giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế. Nghĩa là người phạm tội biến hoạt động chuyển tiền được diễn ra hợp pháp, thông qua nghiệp vụ thanh toán quốc tế của ngành ngân hàng.
Hành khách xuất nhập cảnh cần tìm hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan, chủ động thực hiện việc khai báo hải quan. |
Để làm được việc này, đầu tiên người phạm tội phải làm giả các hồ sơ thương mại quốc tế, bằng cách mua (hoặc mượn) hồ sơ pháp nhân của các doanh nghiệp (có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa). Khi đã có hồ sơ của doanh nghiệp, người phạm tội căn cứ vào đó để làm các thủ tục của bộ hồ sơ thương mại quốc tế, gồm hợp đồng thương mại, phụ lục hợp đồng, công văn đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền... Trên thị trường “ngầm”, có những doanh nghiệp sẵn sàng bán hồ sơ thương mại với giá từ 80 đến 120 triệu đồng/1 triệu USD ghi trên tờ khai hải quan.
Trong các hồ sơ thương mại phục vụ cho việc chuyển tiền tại các ngân hàng, người phạm tội thường phải làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan, chẳng hạn như thủ tục hải quan, chứng chỉ xuất xưởng hàng hóa của nhà sản xuất (CO, CQ...). Sau khi có hồ sơ thương mại, các đối tượng móc nối với nhân viên ngân hàng, cụ thể là bộ phận thanh toán quốc tế, để làm các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu của khách. Số tiền thu lợi sau khi trừ đi các chi phí mua hồ sơ, phí ngân hàng, các đối tượng chia nhau theo tỉ lệ đã thỏa thuận từ trước.
Quá trình chuyển tiền, người phạm tội thường không biết gì về nguồn gốc số tiền chuyển, mục đích, lý do chuyển tiền cho khách hàng thụ hưởng tại nước ngoài. Tuy nhiên theo “hiểu biết” của T., thì số tiền mà khách yêu cầu chuyển ra nước ngoài, chủ yếu là “tiền bẩn”, nghĩa là tài sản do phạm tội mà có, như tiền tham nhũng, buôn lậu, buôn bán ma túy, cờ bạc, cá độ bóng đá.
Không nhất thiết số tiền này có xuất xứ từ Việt Nam mà có thể được chuyển từ nước ngoài về (theo đường tiểu ngạch, qua các kênh không hợp pháp), rồi bằng hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, nguồn gốc đồng tiền đã được “rửa sạch” vì mang danh nghĩa đơn vị đối tác nước ngoài thanh toán hợp đồng thương mại quốc tế. Người thụ hưởng có thể là thân nhân của người gửi tiền hoặc các tổ chức tội phạm. T. đánh giá loại tội phạm này rất “gần gũi” với tội phạm rửa tiền hay tham nhũng.
Từ khía cạnh pháp lý
Cùng luận bàn về vụ án đang gây chấn động dư luận, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội trong việc triệt xóa đường dây tội phạm này.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Dưới khía cạnh pháp lý, ông nói: “Bất cứ quốc gia nào cũng có những quy định pháp luật để quản lý tiền tệ, việc vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ và để quản lý kinh tế của quốc gia. Theo quy định của pháp luật thì việc vận chuyển hàng hóa tiền tệ qua biên giới phải khai báo hải quan, trừ trường hợp số tiền nhỏ sử dụng trong tiêu dùng”.
Theo luật sư Cường, pháp luật Việt Nam quy định, người nào mang số tiền Việt từ 15.000.000 đồng trở lên ra nước ngoài thì phải khai báo hải quan. Cụ thể tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cá nhân khi xuất cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam mang theo tiền mặt là ngoại tệ, đồng Việt Nam trên mức dưới đây phải khai báo hải quan cửa khẩu: 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương 15 triệu đồng.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành không giới hạn mức tiền mặt được phép mang ra nước ngoài nhưng giới hạn mức tiền mặt phải khai báo hải quan khi mang ra nước ngoài, cụ thể là trên 5.000 USD hoặc trên 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong trường hợp dù mang dưới 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối thì cũng phải khai báo hải quan.
Hành vi vận chuyển tiền tệ qua biên giới vi phạm quy định về quản lý tiền tệ tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào số tiền vận chuyển trái phép mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp vận chuyển số tiền qua biên giới từ 100.000.000 đồng trở lên mà không khai báo thì sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật hình sự 2015 về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, với số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới lên đến 30.000 tỷ, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù và số tiền trên sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Các đối tượng vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới bị bắt giữ trong một số vụ án. |
Đối với vụ án 30 nghìn tỷ vận chuyển trái phép qua biên giới, luật sư Cường nhận định cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc số tiền này. Nếu là số tiền hợp pháp thì thu nhập từ số tiền này phải nộp thuế và việc vận chuyển qua biên giới họ sẽ phải khai báo. Còn trường hợp số tiền này là do phạm tội mà có, hoặc trốn thuế... thì vụ án sẽ không dừng lại ở đây. Có lẽ cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm các tội danh khác, có thể là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; buôn lậu; buôn bán ma túy hoặc các tội phạm về tham nhũng... Chỉ có những loại tội phạm này mới có khả năng chiếm đoạt được số tiền đặc biệt lớn như vậy.
“Nếu thu nhập từ lao động sản xuất kinh doanh đơn thuần, không thể có được số tiền đặc biệt lớn như thế. Thông thường với những nguồn tiền bất hợp pháp các đối tượng có thể còn bị xử lý thêm về tội rửa tiền. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc sai phạm đến đâu, xử lý đến đấy, hành vi nào cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo tội đó. Người nào vi phạm pháp luật, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nguồn gốc số tiền từ đâu ra là vấn đề rất quan trọng để làm rõ bản chất vụ án, phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm và để giải quyết triệt để vấn đề của vụ án này” - luật sư Cường bình luận.
(Theo Công An Nhân Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét