Không nằm ngoài dự đoán, đầu tư điện gió không dễ dàng như điện mặt trời. Thời gian để hưởng giá ưu đãi không còn nhiều, các dự án điện gió đang đứng trước thời khắc sống còn.
Bổ sung nhiều, thực hiện chưa được bao nhiêu
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy: Đến thời điểm này, mới có 12 dự án điện gió vận hành phát điện, tổng công suất khoảng 470 MW.
Công suất điện gió chỉ đạt hơn 50% quy hoạch được duyệt (800 MW vào năm 2020) và chỉ bằng 7% so với tổng công suất điện mặt trời.
Như vậy, kể từ khi Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng giá bán của điện gió được ban hành ngày 10/9/2018, đến nay số lượng dự án đi vào vận hành vẫn rất khiêm tốn.
Trong khi đó, mức giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện gió chỉ dành cho dự án vào vận hành trước thời điểm tháng 11/2021.
Hai năm qua, hàng chục nghìn MW điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch. Nhưng nhiều dự án hiện mới dừng lại ở giai đoạn thi công xây dựng bước đầu. Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, đến tháng 11/2020, tổng công suất các dự án điện gió đã được đưa vào quy hoạch khoảng 11.600 MW, trong đó 65 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với tổng công suất khoảng 2.905 MW.
Nhà đầu tư chạy đua theo điện gió. Ảnh: Lương Bằng |
Một trong những lý do đã được nhắc đến từ lâu, đó là triển khai thi công một dự án điện gió phức tạp và khó khăn hơn nhiều điện mặt trời (xem thêm tại đây).
Trong văn bản mới đây, Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận cũng nêu ra hàng loạt khó khăn trong việc triển khai dự án điện gió. Trong đó, đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm tiến độ nhiều dự án điện gió khi chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam và việc cung ứng thiết bị cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì nhiều nhà xưởng trên thế giới phải đóng cửa. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và rất khó lường.
Mới đây, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến việc kéo dài thời gian ưu đãi cho điện gió đến hết năm 2023. Song, mức giá theo đề xuất của phía tư vấn Đức được Bộ Công Thương trích dẫn lại giảm khá mạnh khiến nhiều nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.
Cụ thể, dự kiến giá điện gió trên bờ của dự án vận hành từ 11/2021-12/2022 là 7,02 Uscent/kWh; dự kiến giá điện gió của dự án vận hành trong năm 2023 là 6,81 Uscent/kWh. Dự án trên biển, dự kiến giá điện gió trong các giai đoạn tương ứng lần lượt là 8,47 Uscent/kWh và 8,21 Uscent/kWh.
Còn mức giá tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg lần lượt là: Điện gió trong đất liền là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh; điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh.
Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận phản ảnh mức giá này gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư điện gió. Còn Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời “thêm ít năm nữa” khi nào Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện việc đấu thầu rộng rãi, lúc đó mới thay đổi giá điện gió, điện mặt trời.
Chỉ nên ưu tiên cho một số dự án
Các nhà đầu tư đã nêu những khó khăn khi Bộ Công Thương đề xuất kéo dài giá FIT nhưng lại giảm giá điện gió. Song, trong góp ý gửi Bộ Công Thương, nhiều bộ ngành bày tỏ không đồng tình với việc kéo dài thời gian áp dụng giá FIT cho điện gió.
Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cho rằng không nên kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió, bởi kéo dài đến hết 2023 sẽ làm thay đổi căn bản về đối tượng, thời gian, mức giá áp dụng theo quy định hiện hành. Vì vậy, cần đánh giá và các số liệu cụ thể để khẳng định hiệu quả mang lại của việc kéo dài cơ chế giá cố định so với việc triển khai cơ chế đấu thầu/đấu giá theo quy định...
Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ nên xem xét kéo dài giá FIT cho các dự án đã kí Hợp đồng mua bán điện (PPA) hoặc đã có trong quy hoạch và có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 31/10/2020 (để phù hợp với thời gian gia hạn dự kiến đủ 2 năm cho chủ đầu tư phát triển dự án) nhưng không thể có Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021.
EVN kiến nghị, thời hạn kéo dài giá FIT chỉ áp dụng cho các dự án điện gió có COD trước 31/10/2022. Bởi, số lượng các dự án này đã xác định và đã được kiểm tra khả năng giải tỏa công suất và là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các khó khăn như đánh giá trên nên khả năng thuyết phục các bộ ngành liên quan dễ dàng hơn.
Lương Bằng
Nguồn điện trời cho: 'Thời khắc sống còn' của mơ ước tiền tỷ
Việc Bộ Công Thương đề xuất kéo dài thời gian áp dụng giá FIT với điện gió nhưng giảm 20% so với mức giá hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư trong nước “đứng ngồi không yên”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét