Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Chế hạt cây dại thành thuốc trừ sâu, biến mo cau thành đồ hữu ích

Hạt bình bát được một nhóm sinh viên chế thành thuốc trừ sâu an toàn cho người dùng, bảo vệ môi trường. Còn mo cau cũng được một chàng trai ở Bình Định biến thành đồ dùng thân thiện với môi trường.

Chuyện lạ Trà Vinh: Chế hạt cây dại thành thuốc trừ sâu 

Nhận thấy sự nguy hiểm ngày càng tăng của các loại thuốc trừ sâu với môi trường và sức khỏe con người, nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh đã nghiên cứu cho ra đời chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát.

Sản phẩm được đánh giá cao không chỉ ở sự sáng tạo, khả năng ứng dụng vào thực tế cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

{keywords}
Tiểu Mi (sinh viên Đại học Trà Vinh) đang thực hiện việc nghiên cứu chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát. (Ảnh: TVU)

“Trong một lần đi tham quan các dự án khởi nghiệp, tôi thấy cây bình bát mọc ven đường rất tốt, lại nghe bà con nói từng sử dụng lá, thân, rễ cây bình bát, trái bình bát và hạt để diệt trừ sâu hại... Từ thực tế trên, tôi quyết định đi sâu nghiên cứu để cho ra đời chế phẩm sinh học diệt sâu từ hạt bình bát” - Tiểu Mi chia sẻ trên báo Cần Thơ.

Chàng trai biến mo cau thành đồ dùng thân thiện môi trường

Chàng trai này là Nguyễn Sơn Tịnh (29 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Gia đình anh Tịnh có xưởng sản xuất xơ dừa. Một lần được đối tác người Ấn Độ cho xem sản phẩm làm từ mo cau ở nước họ, anh Tịnh nảy sinh ý tưởng làm vật dụng, đồ dùng nhà bếp bằng mo cau.

Nguồn nguyên liệu mo cau ở nước ta khá dồi dào. Thậm chí, chúng bị coi là phế phẩm, là thứ vứt bỏ đi. Theo anh Tịnh, các vật dụng, đồ dùng chế tác từ mo cau khá an toàn, có thể tái sử dụng nên giá thành tính ra rẻ sản phẩm nhựa dùng một lần. Song đây là sản phẩm mới, người tiêu dùng chưa biết đến nhiều và chưa có thói quen sử dụng.

“Khi có nhiều nơi sản xuất mo cau thành đồ gia dụng thì người dân dần dần sẽ thay đổi thói quen. Từ đó, có thể giảm bớt chén nhựa, ly nhựa, hộp xốp dùng một lần đang là vấn nạn đối với môi trường hiện nay”, anh Tịnh nói trên Báo Dân Việt.

Sinh viên Bách khoa sản xuất gạch làm từ rác thải nhựa

Chỉ trong vòng 5 tháng, nhóm sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và chế tạo thành công những viên gạch nhẹ làm từ nhựa phế thải. Hiện 1 viên gạch hoàn thiện nhóm đang sử dụng 40-50% là chất liệu nhựa, còn lại là xi-măng và các vật liệu khác. Sở dĩ, sản phẩm có cái tên gạch nhẹ là vì chất liệu nhựa khiến viên gạch nhẹ hơn thông thường.

{keywords}
5 thành viên của nhóm Octoplastic với sản phẩm Gạch nhẹ từ rác thải nhựa. (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Các thành viên của nhóm chia sẻ, với quy trình sản xuất đơn giản, nhiều hộ gia đình cũng có thể tự làm gạch nhẹ để xây dựng các công trình nhỏ mà không cần thiết bị phức tạp. Các nhà máy có thể đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp với chi phí thuê nhân công thấp. Giá thành sản xuất của 1 viên gạch nhẹ khá cạnh tranh so với giá thành của gạch bán trên thị trường.

Ông nông dân Đồng Nai sáng chế thiết bị leo hái dừa trông rất ngầu

Báo Dân Việt cho hay, nhận thấy những khó khăn từ việc hái trái dừa của bà con nông dân, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1987 ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ leo hái dừa. Bộ thiết bị leo hái dừa của anh Hưng đã giúp bà con nông dân dễ dàng thu hái dừa.

Không chỉ hỗ trợ cho nhà nông trồng dừa, dụng cụ này còn được anh Hưng cải tiến để leo các loại cây, loại cột khác nhau. Thậm chí, thiết bị leo cây dừa của anh Hưng còn được nhiều kiều bào trên thế giới đón nhận, góp phần nâng cao vị thế sáng tạo kỹ thuật của nông dân Việt Nam.

Khách tới tấp đặt mua bắp cải Trung Quốc màu lạ về chơi Tết

Bắp cải vốn là loại rau quen thuộc với người Việt, giá chỉ từ 10.000-30.000 đồng/kg. Gần đây, thị trường còn xuất hiện loại bắp cải có màu sắc sặc sỡ, giá tới 100 nghìn đồng mỗi cây. Song chúng chỉ để trang trí chứ không thể làm rau ăn.

{keywords}
Bắp cải Trung Quốc được chuộng mua (Ảnh: Nhật Thanh)

Loại bắp cải này được nhập từ Trung Quốc có màu sắc đa dạng, khác hẳn bắp cải thông thường, với điểm nhấn lớp lá ngoài màu vàng, xanh, còn lá cải bên trong màu tím hồng hoặc đỏ, trắng rất bắt mắt. Cây bắp cải cảnh trông như một bông hoa hồng tím được bao bởi những chiếc lá xanh rất lạ mắt, vì vậy chúng còn có tên gọi là hoa hồng sa mạc.

Theo người bán, loại hoa bắp cải này nếu được chăm sóc tưới nước đầy đủ có thể chơi được 2-3 tháng, bền hơn so với nhiều loại hoa tươi khác nên khá nhiều người ưa chuộng.

Hàng bánh cuốn kỳ lạ nhất Hà Nội, chỉ mở bán lúc nửa đêm

Ở cuối con ngõ 109, đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), có một quán bánh cuốn hơn 30 năm nay không biển hiệu, lại bán vào thời gian "ẩm ương" - nửa đêm. Khách đến ăn đặt cho quán nhiều cái tên như: "bánh cuốn bốt điện", "bánh cuốn đêm", "bánh cuốn Tôn Đức Thắng".

"Hơn 30 năm nay, nhà tôi chỉ bắt đầu bán từ 10h đêm đến khoảng 4h sáng mới nghỉ. Sau đó tôi dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôm sau và ngủ bù vào buổi chiều", cô Lan chia sẻ trên báo Dân Trí.

Lạ lùng gà nướng đá núi lửa ở Đà Lạt, ăn phải dùng búa đập niêu

Mới đây, đoạn video ghi lại khoảnh khắc nhân viên một quán ăn biểu diễn màn đập niêu, lấy gà phục vụ thực khách thu hút cư dân mạng. Điều hấp dẫn nhất ở món gà nướng này chính là cách thưởng thức độc đáo, thực khách muốn ăn phải dùng búa đập vỡ niêu đất bên ngoài để thấy phần gà nóng hổi, thơm lừng bên trong.

{keywords}
Món gà đập niêu.

Được biết, món gà niêu đất độc đáo này được bán tại một quán ăn bình dân ở thành phố Đà Lạt. Món này thực chất có tên là "gà nổ muối hột trong nồi đất" nhưng thường được gọi là "gà đập niêu" hay "gà đập lu" cho ngắn gọn và vui tai.

Dị nhân có hàng trăm cây bonsai mọc ngược 

Báo Dân Việt thông tin, Tổ chức kỷ lục Việt Nam vừa xác nhận Bằng kỷ lục với ông Lê Thạnh - "người tạo tác các tác phẩm bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam". Ông Thạnh là cán bộ ngân hàng Agribank tỉnh Quảng Nam. Ông là người tiên phong trong giới chơi cây bonsai ngược độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

{keywords}
Bonsai ngược của dị nhân Lê Thạnh.

Ông Thạnh có hàng trăm cây bonsai mọc ngược. Nhờ vào thế chơi ngược đời mà cái tên dị nhân đã gắn liền với ông Thạnh và bay xa trong làng chơi cây cảnh khắp mọi miền đất nước.

Tuyệt tác sanh cổ hình cổng làng độc đáo, giá tiền tỷ

Tác phẩm sanh cổ của nghệ nhân Chu Văn Hùng - nghệ nhân Hùng Xiếc (Hà Nội) có hình dáng gần với cổng làng ngoài đời thực với gạch đỏ rêu phong, cây đa cổ thụ. Điểm độc đáo là hai ngọn kết thành một, uốn lượn trên cổng làng như hình dáng một con rồng.

Tác phẩm sanh cổ cổng làng thứ hai là của ông Hóa taxi (Văn Giang, Hưng Yên). Tác phẩm có tên "hồn quê". Tác phẩm gợi nhớ về hình ảnh làng quê ngày xưa được nhiều người chơi cây cảnh yêu thích.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét