Công ty tài chính Ant Group đang là tâm điểm chú ý, startup này được định giá khoảng 200 tỷ USD, là hãng công nghệ tài chính giá trị nhất thế giới.
Chú kiến không hề bé nhỏ
Ant khởi nguồn từ Alipay, được thành lập vào năm 2004 để phục vụ riêng cho khách hàng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - công ty do Jack Ma đồng sáng lập. “Khi tôi thành lập Alipay, mọi người đều nói: Jack, đây là mô hình ngớ ngẩn nhất mà chúng tôi từng thấy, sẽ chẳng có ai dùng nó đâu”, Jack Ma kể lại.
Còn ông chủ Alibaba thì cho rằng: “Tôi không quan tâm mô hình này có tính khoa học hay đẹp mắt không, miễn là nó hiệu quả và tạo ra niềm tin”.
Thời điểm năm 2004, người dân Trung Quốc vẫn còn ít sở hữu thẻ tín dụng ghi nợ. Trong khi đó, để thanh toán trên nền tảng thương mại điện tử của Alibaba, người mua cần có một công cụ thanh toán đáng tin cậy.
Jack Ma giao nhiệm vụ cho nhóm phụ trách tài chính của Alibaba lập ra Alipay. Dịch vụ này sẽ đóng vai trò như một bên thứ ba đáng tin cậy, giữ tiền của người mua như một bản giao kèo với bên bán và chỉ trả cho người bán sau khi hàng hóa đã được nhận và người mua xác nhận họ hài lòng với món hàng đó.
Đế chế Ant Group mở rộng quy mô |
Ứng dụng di động Alipay ra mắt vào năm 2009, chiếm hơn 55% thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc trong quý I/2020. Alipay nhanh chóng mở rộng quy mô với 711 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, xử lý các giao dịch thanh toán trị giá 118.000 tỷ NDT (17,2 tỷ USD) trong 12 tháng tính tới tháng 6/2020, theo báo cáo của Ant Group.
Năm 2011, Alipay tách ra khỏi Alibaba và từ đó hoạt động như một dịch vụ thanh toán điện tử độc lập, phát triển không chỉ ở Trung Quốc mà cả quốc tế. Ant ra đời vào năm 2014, không chỉ là đóng vai trò là công ty mẹ của Alipay mà còn cung cấp các dịch vụ tài chính khác như cho vay và quản lý tài sản.
Năm 2017, trong một cuộc phỏng vấn với Think Business, CEO Eric Jing của Ant cho biết công ty đặt tên theo loài kiến (tiếng Anh là "ant") bởi có sứ mệnh phục vụ "những người nhỏ bé". Năm 2018, Alibaba mua 33% cổ phần của Ant.
Tháng 6 năm nay, Ant đổi tên từ Ant Financial Services sang Ant Group với định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho các tổ chức tài chính truyền thống.
Startup này cũng thành lập một quỹ thị trường tiền tệ, đến nay đã thu hút hơn 600 triệu nhà đầu tư - tương đương 1/3 dân số Trung Quốc. Hiện tỷ phú Jack Ma vẫn nắm giữ 50% cổ phần startup này.
Số người dùng hoạt động mỗi tháng của ứng dụng thanh toán di động Alipay tăng từ 711 triệu trong tháng 6/2020 lên 731 triệu vào tháng 9/2020. Trong thời gian từ 6/2019-6/2020, Alipay đã xử lý số lượng giao dịch thanh toán có giá trị lên tới khoảng 17.600 tỷ USD. Khối lượng giao dịch này còn nhiều hơn hai đại gia thẻ Visa hay Mastercard.
Siêu thị tiền
Ngoài thanh toán trực tuyến, Alipay còn kết nối hàng triệu người với hàng loạt dịch vụ tài chính như bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, vay tiền, thanh toán lương, đầu tư,...
Chuyên gia Edith Yeung của Race Capital ví nền tảng này giống như “một siêu thị tài chính”. Còn theo chuyên gia Zennon Kapron, Ant cung cấp bất kỳ dịch vụ hay sản phẩm tài chính nào và nó "trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc".
Mô hình hoạt động của Ant |
Một trong những dịch vụ phổ biến nhất của Ant là Yu'e Bao, công cụ quản lý tài sản được ra mắt vào năm 2013. Yu'e Bao cho phép người dùng đầu tư tiền trong ví điện tử với mức tối thiểu chỉ 1 NDT. Trong vòng 6 tháng, Yu'e Bao đã có 49 triệu người dùng với số tiền gửi lên tới 250 tỷ NDT (36,5 tỷ USD).
Theo China Daily, thời điểm đó, các sản phẩm gửi tiền tại ngân hàng truyền thống đều bắt buộc số tiền tối thiểu là 50.000 NDT (7.300 USD). Sự ra đời của Yu'e Bao ngay lập tức thu hút giới trẻ, những đối tượng có ít tiền nhưng không được các ngân hàng hướng tới.
Tháng 3/2018, số tài sản Yu'e Bao quản lý lên tới 1.690 tỷ NDT (khoảng 267 tỷ USD lúc đó). Yu'e Bao trở thành một quỹ đầu tư thị trường tiền tệ lớn nhất tại Trung Quốc.
Thừa thắng xông lên, hệ sinh thái Alipay và Ant đã cho phép nhiều cá nhân và người bán nhỏ lẻ "mượn tiền, chấp nhận thanh toán trực tuyến để cung cấp đặc quyền kinh tế cho chính họ, cho người lao động và gia đình họ".
Năm 2015, Ant cho ra đời Sesame Credit với nhiệm vụ chấm điểm tín dụng. Vì là một phần trong hệ sinh thái của Alibaba, hệ thống này thừa hưởng cơ sở dữ liệu khổng lồ từ các trang thương mại điện tử cho đến sản phẩm tài chính (Taobao, Tianmao, Alipay,... ), từ đó tổng hợp và đưa ra điểm số tín dụng cá nhân thông qua lịch sử thanh toán và hành vi trực tuyến của người dùng.
Tuy nhiên, Ant sử dụng nhiều hơn việc chỉ để xếp điểm tín dụng. Năm 2015, Sesame Credit cũng hợp tác với công ty dịch vụ hẹn hò trực tuyến nổi tiếng Baihe.com để người dùng liên kết profile với điểm tín dụng xã hội, làm cơ sở xác định độ tin cậy giữa những người muốn tìm hiểu nhau. Điểm Sesame cũng được chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc bởi những người muốn cho thấy quyền lực của họ.
Tái cấu trúc như một đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ cho các công ty tài chính khác, Ant đã có sự chuyển đổi. Ant cung cấp dịch vụ "310" - tức là 3 phút nộp hồ sơ, 1 giây nhận khoản vay và không có ai liên quan tới quyết định đó. Tuy nhiên, khoản vay được cung cấp qua một ngân hàng. Khoản nợ sẽ trong bảng cân đối của ngân hàng đó và Ant chỉ thu một khoản phí nhỏ.
Ant cũng cho ra mắt Bangnitou, một dịch vụ tư vấn đầu tư bằng AI thông qua một liên doanh với Vanguard. Bangnitou, dịch ra nghĩa là "giúp bạn đầu tư" áp dụng các thuật toán để tự động tái phân bổ danh mục đầu tư. Khoản đầu tư tối thiểu trị giá 800 NDT (118 USD). Trong vòng chưa đầy 3 tháng sau khi ra đời vào tháng 4, Bangnitou đã thu hút gần 200.000 khách hàng mới.
Khủng long tài chính mới
Theo chuyên gia Zennon Kapron, Ant cung cấp bất kỳ dịch vụ hay sản phẩm tài chính nào và nó "trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc.
Trong vòng gọi vốn vào năm 2018, Ant huy động được 14 tỷ USD từ các nhà đầu tư để mở rộng dịch vụ Alipay ra toàn cầu, đưa định giá công ty lên 150 tỷ USD. Theo CNBC, số tiền thu được một phần đến từ số vốn góp nhân dân tệ chủ yếu của các cổ đông hiện hữu, một phần đến từ số vốn góp USD từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Một số nhà đầu tư tên tuổi như quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Temasek, quỹ đầu tư Malaysia Khazanah Nasional Berhad và quỹ Canada Kế hoạch đầu tư lương hưu. Các hãng cổ phần tư nhân như Warburg Pincus, Silver Lake Partners và General Atlantic cũng tham gia vào việc góp vốn USD.
Ant Financial được định giá 60 tỷ USD, sau khi gọi vốn kỷ lục 4,5 tỷ USD trong năm 2014.
Dù được đánh giá là "gã khổng lồ" tại Trung Quốc, song sự hiện diện toàn cầu của Ant Group khá hạn chế. Alipay đã mở rộng ra nước ngoài với các nhà bán lẻ ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác, nhưng ứng dụng này chủ yếu phục vụ như một lựa chọn thanh toán cho khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài.
Mới đây, tham vọng mở rộng của Ant đã bị chặn lại. Đầu tháng 11/2020, Trung Quốc bất ngờ ra quyết định "chặn" đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được kỳ vọng là lớn nhất thế giới của Ant Group.
Dự kiến huy động tới 37 tỷ USD khi niêm yết tại thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong, đợt IPO của Ant Group sẽ là đợt IPO lớn nhất trong lịch sử, vượt kỷ lục của đợt IPO 29,4 tỷ USD của Saudi Aramco (Saudi Arabia) vào tháng 12/2019.
Những thách thức hiện tại của Ant khiến giới đầu tư toàn cầu từng rất háo hức cảm thấy lo sợ. Một nguồn tin tiết lộ, Ant khó có thể khôi phục việc IPO vào năm sau.
Thư Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét