Mặc dù được người bán giới thiệu rau mầm đá đã và đang trồng ở Lào Cai nên giá bán chỉ từ 20.000 đồng/kg, nhưng thực tế, loại rau này mới được canh tác tại vùng đất Lào Cai và chưa thể cho thu hoạch.
Thời gian gần đây, nhiều bà nội trợ tại Hà Nội đua nhau "săn" tìm rau mầm đá (hay còn gọi là cải đá).
Rau mầm đá xanh tốt được bán với giá 40.000 đồng/kg trên mạng xã hội. |
Mặc dù rau mầm đá được người bán giới thiệu là trồng không đại trà nhưng đây là sản phẩm có nguồn gốc trong nước, nên giá bán chỉ từ 40.000 đồng/kg trở lên.
Chị Nguyễn Thị Thùy (30 tuổi, ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Do được giới thiệu là mầm đá được trồng ở Sa Pa (Lào Cai) nên tôi tin tưởng đặt mua. Giá bán không hề rẻ, tôi thường xuyên mua của một người quen ở nhóm cư dân tổ dân phố với giá 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu mua từ 3kg thì giá chỉ còn 110.000 đồng".
"Mặt hàng này rất ít có bán ở ngoài các chợ dân sinh mà chủ yếu được bán ở các cửa hàng thực phẩm, hoặc trên mạng xã hội", chị Thùy cho hay.
Cũng theo chị Thùy: "Một cây mầm đá thường cho nhánh rất lớn, có thể lớn hơn 1 cái bát tô với trọng lượng từ 1 – 1,7kg/cây. Mầm đá đầu mùa lạnh nên vị rất giòn và ngọt, thơm vị cải, nên mua khoảng 2 cây lớn, gia đình 5 người như nhà tôi có thể thoải mái chế biến được khoảng 3 bữa".
Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại một số chợ dân sinh như chợ Chính Kinh (Thanh Xuân), chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy), chợ Hà Đông (quận Hà Đông)…, rau mầm đá được bán với nhiều mức giá, chủ yếu dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/kg.
Mầm đá được chị Oanh - tiểu thương ở chợ La Khê (Hà Đông) giới thiệu có xuất xứ từ Lạng Sơn, được bán với giá 20.000 đồng/kg. |
Với giá bán chỉ từ 20.000 đồng/kg, mầm đá có vẻ ngoài xanh tốt tại Thủ đô đang rất "hút" khách. |
Chị Hường – một tiểu thương tại chợ Hà Đông cho biết: "Đầu mùa lạnh, rau mầm đá cho vị rất giòn và ngọt. Vì lấy được nguồn hàng uy tín là người trong gia đình ở Lào Cai nên giá bán cũng rất rẻ, chỉ 20.000 đồng/kg"..
"Với giá bán đó, tôi cứ mở thùng xốp ra chưa đến 1 giờ đồng hồ là "cháy" hàng. Chẳng có hàng mà bán. Có những hôm, khách hàng quen ra hỏi thì "cháy" hàng từ sớm rồi", chị Hường cho hay.
Rau mầm đá được trồng thí điểm tại xã Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: Vương Tiến Sỹ. |
Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai, do thời tiết vào lạnh chưa lâu nên rau mầm đá tại Lào Cai đang trong giai đoạn chăm sóc. Ảnh: Vương Tiến Sỹ. |
Cũng với mức giá 20.000 đồng/kg, chị Oanh – tiểu thương tại chợ La Khê lại khẳng định: "Rau mầm đá được trồng chủ yếu ở Lạng Sơn, do Lạng Sơn giá lạnh nên rau mầm đá tươi tốt, khi đưa xuống Hà Nội thì giá bán cũng không chênh quá nhiều".
Mặc dù giá bán ở các chợ dân sinh chỉ từ 20.000 đồng nhưng trên môi trường mạng xã hội, mặt hàng thực phẩm này được rao bán với giá từ 40.000 đồng/kg.
Nickname Thương Dương khẳng định: "Rau cải mầm đá là một loại rau đặc sản của núi rừng Sa Pa. Loại rau này rất hiếm nên không được bán rộng rãi trên thị trường. Cũng vì hiếm nên khi về tới Hà Nội, rau rất đắt, ít nhất cũng phải bán với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg thì mới có lãi".
Ngày 17/12, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vương Tiến Sỹ - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Lào Cai cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chúng tôi mới cho trồng cây cải mầm đá và cây đang trong quá trình được chăm sóc. Đến thời điểm này thì chưa có cây nào được bán ra thị trường.
"Đây là loại cây sống rất tốt vào mùa lạnh, nhất là thời tiết có sương muối, sức chịu đựng của loại rau này trong mùa lạnh tốt hơn các loại cây thuộc họ cải khác. Vì vậy, năm nay, chúng tôi mới canh tác thí điểm với diện tích lớn, khoảng 50ha với sản lượng thu dự kiến là 500 tấn, tại huyện Sa Pa và thí điểm thêm tại xã Y Tý (huyện Bát Xát)".
Cũng theo ông Sỹ: "Tất cả 500 tấn đều đã có hợp đồng đầu ra, với giá gốc bán tại vườn ít nhất khoảng 30.000 đồng/kg, nếu vận chuyển về Hà Nội thì giá bán tối thiểu cũng phải hơn 40.000 đồng/kg thì mới có lãi. Vì vậy, thông tin mầm đá Lào Cai được bán với giá 20.000 đồng/kg ở Thủ đô thì người tiêu dùng cần cảnh giác với nguồn gốc xuất xứ".
(Theo Gia Đình và Xã Hội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét