Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Làm nông nghiệp công nghệ cao: Cắm ô tô liền được vay vốn, thế chấp máy cày thì ngân hàng ‘phũ’ ngay

Gặp vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn chọn làm nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng vay vốn làm nông rất khó khăn. Đem ô tô thế chấp được ngay, còn máy cày, máy gặt tiền tỷ thì các ngân hàng đều “phũ”.

Gặp khó về vốn và đất đai

Tại Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% GDP Việt Nam, là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 2 Đông Nam Á.

Tuy nhiên, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là “căn bệnh trầm kha”. Trung bình diện tích đất nông nghiệp phân bổ trên đầu người rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả Thái Lan.

“Bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Câu chuyện về cuộc cách mạng 4.0 được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.

{keywords}
Muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng DN lại "đói vốn" và gặp rào cản về tích tụ đất

Song, ông thừa nhận, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao hay muốn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gặp phải không ít thách thức.

Nói về nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Văn Tân - CEO Queen Farm - cho rằng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có thể tăng năng suất cây trồng, tạo ra được những sản phẩm chất lượng tốt, bán được giá cao. Dưa lưới của công ty ông canh tác 3 vụ/năm, năng suất đạt 35 tấn/vụ và giá bán lẻ hiện là 75.000 đồng/kg. Rau thuỷ canh mỗi năm sản xuất được 12-15 vụ, thu về 250 tấn, giá bình quân là 20 triệu đồng/tấn.

Song, mở rộng quy mô sản xuất với ông Tân lại là vấn đề khó khăn. Các ngân hàng có rất ít nguồn vốn vay cho nông nghiệp, chưa kể việc tiếp cận được còn phải chuẩn bị rất nhiều thủ tục mà doanh nghiệp nông nghiệp rất khó đáp ứng.

“Việc tích tụ ruộng đất để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao cũng khó”, ông Tân nói. Nông dân bỏ ruộng đất ngày càng nhiều, nhưng khi doanh nghiệp muốn tích tụ đất của người dân để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao lại gặp rất nhiều rào cản.

Đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hiền Lê, kể rằng, đối tác Nhật Bản đánh giá rất cao sản phẩm của doanh nghiệp bà về độ sạch, công nghệ, sản phẩm chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của thị trường Nhật. Đối tác Mỹ, Úc cũng muốn doanh nghiệp của bà cung cấp hàng cho họ, nhưng bà chưa thể nhận lời vì không thể sản xuất đủ hàng.

Mở rộng đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi của doanh nghiệp, nhưng quá trình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao gặp không ít khó khăn. Bà dẫn chứng, đầu tư cho nông nghiệp cần một lượng vốn khổng lồ. Năm năm làm nông nghiệp công nghệ cao, bà chưa thu được một đồng lợi nhuận nào mà mỗi tháng vẫn chịu lỗ từ 1,5-3 tỷ đồng. Tính ra đến nay, bà lỗ cả trăm tỷ đồng.

{keywords}
Các doanh nghiệp mong muốn chính sách cho vay vốn, tích tụ đất thời gian tới linh hoạt hơn

“Chúng tôi không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Đi ngân hàng nào cũng vậy, họ nói rằng ô tô thế chấp được ngay nhưng máy cày, máy gặt đập thì không thế chấp được”, bà than thở. Theo bà, mỗi chiếc máy nông nghiệp bà mua về có giá hàng tỷ đồng nhưng không thế chấp được để vay tiền ngân hàng. Đây là điều bất cập.

Ngân hàng muốn cho vay cũng khó

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó phòng Phát triển Giải pháp Tài chính Vietinbank, cho biết, các giải pháp tài chính tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mắt xích chính là doanh nghiệp và cho vay trọn đời dự án,... hiện chưa có những phương án đồng bộ.

Bà Dương kiến nghị, cần điều chỉnh các chính sách pháp luật liên quan đến vay vốn ngân hàng như chính sách về tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, tài sản hình thành trên đất như nhà kính trên đất nông nghiệp... Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan có chính sách dự trữ bắt buộc các ngân hàng thương mại cho vay sản xuất nông nghiệp, xóa nợ đối với các khoản vay không có khả năng thu hồi đối với các rủi ro liên quan. Hỗ trợ phí bảo lãnh cho các nhà đầu tư nông nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích về giá để các hộ kinh doanh có lợi thế hơn về giá.

Về vấn đề này, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Đặc biệt là những thách thức từ việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực như: cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu; các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải không ngừng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng áp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu; những rủi ro về thị trường, giá cả thế giới cũng ảnh hưởng mạnh mẽ hơn tới thị trường trong nước.

Nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng kịp với xu thế hội nhập, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả nên tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để xem xét quyết định cho vay, bà cho hay.

Theo bà Giang, với nhu cầu ngày càng cao của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức song cũng tạo cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt nắm bắt xu hướng thị trường, tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, giúp hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm với những ý tưởng sáng tạo, hiệu quả.

Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn, bà Giang cho hay.

Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét