Cuộc khủng hoảng thiếu nước sạch của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do ô nhiễm và quản lý nguồn nước kém hiệu quả.
Một người dân ở huyện Yicheng, tỉnh Sơn Tây, đang thu gom nước mưa. Ảnh: Xinhua |
Với 80% nguồn nước ngọt tập trung ở phía Nam, ít nhất một chục tỉnh phía Bắc, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc đang bị khan hiếm nước sạch. Sự phát triển kinh tế chỉ tạo thêm áp lực cho nhu cầu sử dụng nước sạch.
Kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã cố gắng sử dụng một hệ thống dựa trên thị trường để trao đổi quyền sử dụng nước ở một số tỉnh thí điểm trên toàn quốc và chính thức thành lập Sở giao dịch nước Trung Quốc vào năm 2016. Quá trình này tương tự như giao dịch khí thải carbon, cho phép mua bán qua hệ thống điện tử như một cách để giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Hai, sàn giao dịch đã báo cáo hoạt động buôn bán nước mưa đầu tiên vừa được thực hiện giữa hai công ty tư nhân địa phương và chính quyền ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc.
Theo trao đổi, Công ty Kỹ thuật Bảo vệ Môi trường Yuchuang Hồ Nam đã mua 20.000 m3 nước mưa do một công ty quản lý tài sản tại địa phương thu gom, trong vòng ba năm tới, với giá 0,7 nhân dân tệ (0,11 USD) mỗi m3. Sau đó, công ty này sẽ bán 12.000 m3 nước mưa cho một công ty cảnh quan đô thị liên kết với chính quyền thành phố với giá 3,85 nhân dân tệ (0,60 USD) mỗi m3 trong ba năm để thay thế việc sử dụng nước máy để tưới cây xanh đô thị và làm sạch đường phố.
Mức giá này đã tăng 450% so với mức giá ban đầu mà công ty này thu mua. Tuy nhiên, 3,85 nhân dân tệ/m3 vẫn rẻ hơn 20% so với giá nước máy tại địa phương.
Để thu gom nước mưa, có nhiều thiết bị được lắp đặt trên các tòa nhà dân cư và quyền sở hữu thuộc về các công ty quản lý tài sản khu dân cư. Khi mua nước mưa từ các công ty này, nước mưa được người mua khử trùng và bảo quản - trong trường hợp này là Công ty Kỹ thuật Bảo vệ Môi trường Yuchuang Hồ Nam.
Tính đến cuối năm 2019, sàn giao dịch nước tại Trung Quốc mới chỉ giao dịch khoảng 2,8 tỷ m3 nước, trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ (261 triệu USD), hầu hết trong số đó không được giao dịch công khai, theo dữ liệu chính thức.
Một trong những vấn đề chính đối với hệ thống thương mại nước của Trung Quốc là thiếu định nghĩa pháp lý về quyền sử dụng nước, vì tất cả nước ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu của nhà nước. Trung Quốc đã đặt ra hạn ngạch sử dụng nước hàng năm cho mỗi tỉnh và chính quyền các tỉnh phân bổ chúng giữa các chính quyền địa phương theo thẩm quyền của họ.
Trong một kế hoạch bảo tồn nguồn nước quốc gia được công bố vào năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cho biết, họ dự định duy trì lượng nước sử dụng hàng năm của đất nước này dưới 670 tỷ m3 đến năm 2022 và dưới 700 tỷ m3 đến năm 2035. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, việc sử dụng nước tái chế ở các thành phố khan hiếm nước sẽ phải tăng lên hơn 20%.
Từ năm 2006, Bắc Kinh đã bắt đầu thu phí sử dụng nước của các công ty công nghiệp và yêu cầu họ phải có giấy phép sử dụng nước. Nhưng đối với những công ty không có giấy phép cấp nước, việc không có định nghĩa rõ ràng về lượng nước mà những công ty đó được hưởng chỉ khiến việc buôn bán trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra còn có một vấn đề là ngày càng có ít người mua và người bán giao dịch quyền sử dụng nước.
"Đặc biệt là ở các khu vực khan hiếm nước ở Tây Bắc và Bắc Trung Quốc, mâu thuẫn giữa "ít nước" và "nhiều đất" là nổi bật", Chen Jinmu và Wang Junjie - hai nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Tài nguyên nước - cho biết.
Họ cho biết: "Một số tỉnh phía Nam có nguồn nước tương đối dồi dào, ít có nhu cầu mua bán quyền sử dụng nước trong ngắn hạn. Sự nhiệt tình đối với việc mua bán quyền sử dụng nước không cao, mức độ sẵn sàng mua quyền sử dụng nước thấp và không muốn bán chúng. Vì vậy, thị trường giao dịch quyền nước nói chung là không hoạt động hiệu quả".
(Theo SCMP / Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét