Không ít người kinh doanh online đã thay đổi phương thức giao dịch để né thuế sau khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực.
Từ ngày 5/12, Nghị định 126/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định: ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng theo đề nghị của cơ quan thuế. Kể từ ngày này, không ít người kinh doanh online đã thay đổi phương thức giao dịch để né thuế.
Tránh giao dịch qua ngân hàng
Vài tháng trước, tài khoản Sim Siêu Đẹp Đ. chuyên kinh doanh sim số đẹp trên Facebook liên tục rao bán sim “siêu VIP” có giá từ 5,5-17,5 tỷ đồng/sim nhưng nay không còn công khai rao bán những sim có giá trị lớn mà chuyển sang rao bán những sim có giá trị nhỏ. Những sim có giá vài trăm triệu đến vài tỷ đồng chỉ được đưa hình ảnh giới thiệu và báo giá qua điện thoại. “Trước đây tụi này giao dịch qua chuyển khoản, nay giao hàng tận tay, thu tiền mặt” - chủ tài khoản trên nói với chúng tôi.
Giới kinh doanh online tung nhiều chiêu né thuế |
Tương tự, tài khoản Thái Minh P. trước đây cũng rao bán công khai sim có giá từ vài trăm triệu đồng đến 5 tỷ đồng nhưng nay nhờ người thân giao dịch thay mình. Chẳng hạn, khi chúng tôi đăng ký mua sim, người bán tên Trần Trung Phương đề nghị chúng tôi chuyển tiền vào số tài khoản có tên Trần Văn Chính. Trong vai một khách hàng khác mua sim, chúng tôi được Trần Trung Phương đề nghị chuyển tiền vào tài khoản tên Nguyễn Kim Ngân. Thì ra, người này có cả chục tài khoản ở nhiều ngân hàng, do bạn bè, người thân cho mượn, đồng thời chỉ chấp nhận giao dịch qua ngân hàng đối với sim có giá trị nhỏ và sẽ nhận tiền mặt trực tiếp đối với giao dịch từ vài trăm triệu đồng trở lên.
Một phương thức né thuế khác đang được nhiều chủ cửa hàng áp dụng là không ghi tên giao dịch, không ghi nội dung chuyển khoản khi mua, bán hàng. Chủ một trang trên Facebook chuyên bán hàng hiệu giá cao (26 triệu đồng/đôi giày, 15-16 triệu đồng/chiếc áo) còn công khai thông báo thay đổi phương thức giao dịch: “Từ ngày 5/12/2020, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế. Kính mong khách hàng khi chuyển khoản thanh toán cho bên mình không ghi thanh toán hàng gì, không nhắc đến hàng hóa gì, không ghi tên Facebook, chỉ cần ghi tên, chuyển khoản rồi chụp màn hình gửi sang cho mình là được”.
Trang chuyên bán vàng K.H.D. trên Facebook trước đây yêu cầu khách khi chuyển tiền nhớ ghi nội dung mua sản phẩm gì nhưng nay, lại yêu cầu khách chỉ ghi số điện thoại vào nội dung chuyển tiền và không cần ghi gì thêm. Hàng loạt chủ tài khoản khác trên Facebook thì đề nghị ghi nội dung “biếu, tặng” khi chuyển khoản và không được nhắc gì đến từ “hàng hóa”.
Một số điểm bán sản phẩm có giá trị cao còn thông báo chỉ nhận chuyển khoản 50% số tiền, còn lại trả tiền mặt, thậm chí chấp nhận trả góp để chia nhỏ doanh thu.
Phải có giải pháp để bảo đảm sự công bằng
Tại cuộc họp thông tin về Nghị định 126/2020/NĐ-CP mới đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế Đặng Ngọc Minh thừa nhận, có tình trạng đối phó, né thuế khi nghị định này có hiệu lực. Tình trạng giao dịch online không ghi tên và nội dung giao dịch để né thuế đang dần phổ biến. Nhưng bằng cách này hay cách khác, cơ quan thuế cũng sẽ tìm ra, sẽ có nhiều biện pháp để thu thuế.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục thuế TP.HCM - việc ngành thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản nhằm giúp ngành thuế có thêm công cụ quản lý. Với Nghị định 126/2020/NĐ-CP, ngành thuế có thể quản lý và thu thuế khi các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google, YouTube trả tiền cho tổ chức, cá nhân làm việc cho họ. Những thương nhân trong nước né thuế bằng cách thu tiền mặt, không ghi nội dung giao dịch hoặc ghi “cho, tặng” thì ngành thuế khó thu được thuế hoặc bó tay.
“Theo quy định hiện hành, người được cho, tặng tiền không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trừ những tài sản như chứng khoán, vốn trong các tổ chức kinh tế, bất động sản. Do đó, những thương nhân kinh doanh online đã nghĩ ra cách biếu, tặng tiền để né thuế. Trước thực trạng này, cơ quan thuế cần phải nghiên cứu giải pháp” - ông Sơn nói.
Trao đổi với chúng tôi, phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng đóng thuế vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của công dân. Mỗi cá nhân kinh doanh trên mạng cũng như kinh doanh trong nền kinh tế nên hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để tự kê khai, nộp thuế cho Nhà nước. Trước sau gì, cơ quan quản lý thuế cũng có cách thức khác nhau để phát hiện ra các chiêu trò trốn thuế và có biện pháp xử lý thích hợp.
Theo ông Thịnh, lệnh chuyển tiền là chứng cứ mua hàng, nếu hàng hóa không đầy đủ về số lượng và chất lượng hoặc đã chuyển tiền mà không nhận được hàng thì người mua có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp, bảo vệ quyền lợi. Ngược lại, nếu lách luật ghi “cho, tặng” thì khi gặp chuyện, sẽ không đòi được ai cả.
Việc người kinh doanh online né thuế tạo ra sự không công bằng, bởi những người kinh doanh truyền thống luôn đóng thuế đầy đủ. Để kinh doanh online và truyền thống bình đẳng, cần tuyên truyền, giáo dục để mọi chủ thể kinh doanh thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi khi đóng thuế cho Nhà nước. Ở các nước phát triển, chỉ cần tài khoản tăng 1.000 USD thì ngân hàng sẽ thay mặt cơ quan thuế hỏi 1.000 USD này ở đâu ra, anh có nộp thuế không, nộp thuế loại gì, như thế nào và sẽ giúp khách hàng kê khai thuế, nộp thuế. Để thương nhân online không trốn được thuế, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngân hàng, cơ quan thuế, quản lý thị trường…
“Tôi có thể cam đoan là ai kinh doanh gì, cơ quan quản lý địa phương đều biết và nắm rõ cả. Nếu làm tốt, họ sẽ giúp cơ quan thuế thu được thuế, đảm bảo tính công bằng. Đồng thời, nên tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt thật nặng những người không đăng ký kinh doanh, không kê khai, nộp thuế để họ không còn ý định trốn thuế” - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói.
(Theo Báo Phụ Nữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét