Theo khảo sát thực tế của nhiều chuyên gia, trên thị trường hiện nay có rất nhiều cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc giống cá lai, không nằm trong danh mục được cấp phép.
Hàng loạt kiến nghị "nóng"
Ngày 24/12, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan về việc đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản cả nước có 25 tỉnh phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng cá nuôi nhiều nhất tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, điển hình là Lâm Đồng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu... Sản lượng nuôi cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong phát triển ngành thủy sản ở các địa phương gắn với phát triển du lịch tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động vùng sâu, vùng xa.
Nghề nuôi cá tầm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam. |
Theo lãnh đạo Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, trong thời gian gần đây có tình trạng cá tầm được nhập khẩu vào Việt Nam không nằm trong danh mục được phép kinh doanh (Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản); tình trạng nhập lậu cá tầm qua đường mòn, lối mở dùng làm thực phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản nước lạnh trong nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Để phát triển thủy sản nước lạnh bền vững và tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại địa phương, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đề nghị:
Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, chuyên gia tăng cường công tác quản lý đối với cá tầm được nhập khẩu từ Trung Quốc theo quy định của pháp luật; đánh giá rủi ro, cấp phép thủy sản sống. Đồng thời chỉ đạo Cục Thú y tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm tại Thông tư 26 quy định về kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thủy sản.
Nhiều bể nuôi cá tầm trên khắp cả nước phải hoạt động cầm chừng trước sức ép từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ. |
Bộ Công thương chỉ đạo Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, tuần tra, vận chuyển cá tầm nhập lậu dưới mọi hình thức qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm. Kiểm tra hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm không nằm trong danh mục được phép kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng tại địa phương.
Cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc bày bán với giá rẻ khắp các chợ hải sản. |
Trước đó, để đối phó với cá tầm Trung Quốc giá rẻ, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm nhỏ lẻ trên cả nước đã có thư kiến nghị gửi các bộ ngành liên quan đề nghị làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng khe hở pháp luật để nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc không nằm trong danh mục loài được cấp phép theo quy định.
Hiệp hội đề nghị thực hiện sát sao công tác quản lý thị trường nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Công ước CITES. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, cạnh tranh công bằng với cá tầm nuôi trong nước…
Cần một cuộc rà soát tổng thể về cá tầm Trung Quốc
Đặc biệt, theo khảo sát của nhóm chuyên gia thuỷ sản của Nga hiện đang làm việc tại Việt Nam cùng cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III tại một số khu vực chợ đầu mối lớn đã phát hiện một số loài cá tầm không nằm trong danh mục được cấp phép nhập khẩu của Bộ NN&PTNT, cụ thể là cá tầm Kaluga của Trung Quốc.
Cá tầm Kaluga ngoài danh mục được bày bán ở các chợ đầu mối phía Nam. |
Các chuyên gia cho biết, theo thông tư của Bộ NN&PTNT, những đối tượng nằm ngoài danh mục muốn nhập vào Việt Nam phải có giấy phép của Tổng cục Thủy sản, phải thành lập đội đồng để đánh giá rủi ro của đối tượng mới. Ví dụ như cá tầm Kaluga không thuộc danh mục, không được Tổng cục Thủy sản đồng ý thì không được phép nhập.
Cụ thể, trong danh mục các loài thủy sản sống được phép nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay, 5 loài cá tầm gồm: Cá tầm Beluga (huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis) và cá tầm Xibêri (Acipenser baerii).
Đây là những loài đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam và từ các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ NN&PTNT.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Hội Nghề cá Việt Nam nêu quan điểm: Cần phải có một cuộc rà soát tổng thế, đánh giá chất lượng, giá cả cũng như giống cá tầm nhập từ Trung Quốc để tăng cường công tác quản lý nhằm tránh những rủi ro đối với sản xuất cá tầm trong nước.
Thực tế hiện nay, theo đánh giá ban đầu có thể thấy có hai nguyên nhân dẫn đến việc cá tầm Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường Việt Nam.
Thứ nhất là vấn nạn nhập qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng như thế nào.
Thứ hai là thông tin cá tầm Trung Quốc sử dụng thức ăn, nuôi công nghiệp nhằm rút ngắn chu kỳ nuôi nên giá thành thấp hơn nhiều so với cá Việt Nam.
Giới chuyên gia kiến nghị cơ quan chức năng cần thực hiện sát sao công tác quản lý thị trường nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Công ước CITES. |
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, cá tầm Trung Quốc, đặc biệt là số lượng nhập qua đường tiểu ngạch có chất lượng kém hơn, kiểm soát chất lượng, kiểm soát dịch bệnh yếu, thậm chí là không có kiểm soát. Điều này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trước hết là người tiêu dùng bởi vì đem ra so sánh rõ ràng cá tầm Trung Quốc thịt nhão, chất lượng kém hơn so với cá tầm Việt Nam. Đặc biệt là nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi vì cá tầm nhập qua đường tiểu ngạch thì không ai kiểm soát được. Chưa kể khi vào đến thị trường Việt Nam là cá tầm sống, phải trải qua nhiều công đoạn thay nước, thậm chí phải trà trộn vào cá tầm Việt Nam nên chắc chắn gây ra những rủi ro về dịch bệnh", Tiến sĩ Lê Thanh Lựu phân tích.
Một số cơ quan quản lý cũng thừa nhận, một trong những lỗ hổng của việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc hiện nay là quy trình kiểm soát, kiểm tra, giám sát. Bởi ngay cả đối với các lô hàng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch cũng chỉ mới kiểm tra có bệnh hay không, còn chất lượng như thế nào thì dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét