Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Đào rừng tự nhiên siêu hiếm, giờ toàn hàng nhà trồng trên đồi

Đào rừng tự nhiên siêu hiếm, gần như không có bán trên thị trường. Còn đào rừng người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc trồng thì nhiều, hầu như nhà nào cũng có. Cận Tết, họ thường chặt cành đẹp đem bán.

Chia sẻ về câu chuyện đào rừng, anh Nguyễn Văn Hiếu (Ba Vì, Hà Nội) - người có gần 20 năm buôn bán mặt hàng này vào dịp tết Nguyên đán cho rằng, cần có sự phân biệt rõ về điều này. Thực tế, gọi 'đào rừng' như là 1 tên thương mại chung cho các loại đào phai chuyển từ miền núi về.

"Thực chất đào rừng có hai loại là đào rừng mọc tự nhiên trong rừng và đào rừng có giống từ cây đào rừng đã được người dân ươm trồng nhiều năm trên các vườn rừng, vườn đồi và vườn nhà mình", anh Hiếu nói.

Với đào rừng tự nhiên, hiện gần như không có bán trên thị trường, muốn mua cũng khó. Bản thân anh Hiếu, bao nhiêu năm buôn đào cũng không thể mua được một cành đào rừng tự nhiên về chơi Tết.

Theo anh Hiếu, việc săn tìm, chặt đào rừng tự nhiên đã bị cấm gắt gao từ nhiều năm. Kiểm lâm, khuyến nông đều giải thích rõ cho dân nên gần như người dân không còn đi khai thác nữa.

Còn đào giống từ rừng dân trồng thì tương đối nhiều. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân thường trồng đào trên nương rẫy, trong vườn nhà mình hay thành những khu vườn rộng tới vài trăm cây. Đây cũng là loại đào lấy hoa, không phải đào lấy quả.

{keywords}
Giới buôn bán đào rừng cho biết, hiện đào rừng tự nhiên gần như không có, trên thị trường đều là đào rừng do dân trồng

Mấy năm gần đây, thị trường chuộng loại đào rừng trồng này vì nó mang vẻ đẹp hoang dại của núi rừng nên người dân lựa chọn chặt những cành đẹp đem bán. Mỗi cây thường chỉ chặt được 1 cành, có cây còn không chọn được cành nào để chặt. Cây đào bị chặt cành đi lại tiếp tục đâm chồi nảy lộc, phải 3-4 năm sau mới lại có thể khai thác trở lại.

“Họ chỉ chặt tỉa cành chứ không đào cả cây bán”, anh Hiếu nói. Thế nên, vào dịp cận Tết, anh thường đi gom mua loại đào dân trồng này để đem về Hà Nội bán. Mỗi nhà, anh gom được vài cành nên đi cả bản mới gom đủ 50-70 cành, đưa lên xe tải chở về xuôi. Một mùa Tết, anh thường gom mua được 6-8 chuyến xe như vậy.

“Đào này tôi mua của dân thường, giá khoảng 3-4 triệu đồng/cành. Nhà ít mua được 1-2 cành, nhà nhiều được khoảng gần chục cành”, anh kể.

Với người dân các tỉnh miền núi, chặt những cành đào rừng nhà mình trồng đem bán, có thêm tiền để lo cái Tết ấm cúng cho gia đình.

{keywords}
Tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, người dân trồng đào trong vườn nhà hoặc trên đồi. Đến cận Tết họ chặt tỉa cành đẹp đem bán

Phản hồi tới VietNamNet, ban Trọng Luân ở Lạng Sơn cho biết, bây giờ chẳng lấy đâu ra đào mọc tự nhiên để mà khai thác nhiều vậy. Ở Bắc Sơn, Lạng Sơn quê tôi trồng đào phai rất nhiều, cây đào mấy năm gần đây đã trở thành một loại cây trồng để phát triển kinh tế, người dân đã chuyển đổi đất canh tác cây hoa hiệu quả cao ngày sang trồng cây đào rất nhiều.

Anh Nguyễn Văn Hoà, một đầu mối bán hoa cảnh Tết ở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), cũng cho hay, giờ không có đào rừng khai thác tự nhiên. Đào rừng hiện nay đều do dân trồng. Hiểu nôm na đào rừng là tên gọi chung của một loại đào trồng trong vườn, trên đồi tại các tỉnh miền núi nước ta.

Theo anh, ở khu vực Tây Bắc, người dân thường trồng đào trong vườn, trên đồi. Có hộ gia đình chỉ trồng vài cây ở vườn nhà, nhưng có hộ trồng cả một đồi rộng mênh mông.

Thậm chí, mấy năm gần đây, khi người thành phố thích những cảnh đào gốc cổ, rêu mốc... với sự hỗ trợ của kỹ thuật người dân còn ghép cành vào gốc cổ lâu năm, cấy rêu... tạo thêm vẻ đẹp để bán được giá.

Người dân Thủ đô khá chuộng đào rừng trồng. Bởi, loại đào này hoa đơn 5 cánh rất điệu, màu hồng đậm từ trong ra ngoài. Cành đào rêu phong, đen sì và thi thoảng có mốc trắng như những cành củi khô, nhìn qua cảm tưởng có thể đem đốt cháy luôn. Nhưng khi cắm vào trong nước cành sẽ đâm chồi nảy lộc, nụ hoa bung nở tạo ra vẻ đẹp tương phản với cành cây khẳng khiu nhìn rất hút mắt. Đặc biệt, hoa đào rừng trồng tươi, chơi rất bền hoa đào trồng ở dưới xuôi.

Thế nên, vào dịp cận Tết, người dân vùng Tây Bắc nhà nào có đào rừng trồng thường chọn cành có dáng thế đẹp đem bán. Có cành đào chỉ 200.000-300.000 đồng, song có cành giá lên tới vài triệu đồng. Thậm chí, buôn đào đã thành 1 nghề có thu nhập cao dịp Tết. Đây là nguồn thu nhập khá lớn của người dân vùng Tây Bắc vào mỗi dịp Tết, anh chia sẻ.

C.Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét