Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

TPHCM kỳ vọng đột phá kinh tế từ khu Đông

Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của cả Thành phố và vùng Đông Nam Bộ.

Quyết tâm kiến tạo “quả đấm kinh tế” trong 10 năm tới

Việc chuẩn bị thành lập “Thành phố phía Đông” (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), đã được TPHCM gấp rút chuẩn bị từ nhiều năm trước. Năm 2018, Thành phố đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TPHCM”, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham dự.

{keywords}
Nhiều công trình, dự án hạ tầng trọng điểm đang và sẽ triển khai là những lợi thế được kỳ vọng giúp khu Đông phát triển nhanh trong thời gian tới. Ảnh: VGP

Với tâm huyết của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, trải qua nhiều giai đoạn chuẩn bị, việc thành lập “Thành phố phía Đông” đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi làm việc giữa Chính phủ và lãnh đạo TPHCM, ngày 8/5 vừa qua.

Cũng tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5 - 10 năm tới. Khu đô thị này sẽ có quy mô dân số hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 10% dân số thành phố), diện tích 21.000ha (chiếm 10% diện tích thành phố).

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, nếu sáp nhập 3 quận này thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông, đây sẽ là quả đấm kinh tế, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của TPHCM. Điều này đồng nghĩa “Thành phố phía Đông” sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố.

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND TPHCM quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố. Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể Khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian tới, thành phố sẽ xúc tiến, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời, thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Đây là tiền đề cho ra đời Thành phố khu Đông thuộc TPHCM trong tương lai gần.

Đầu tàu kinh tế cho TPHCM và cả Đông Nam bộ

Theo lộ trình, đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ được TPHCM trình ra Quốc hội trong năm 2020. “Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi TPHCM có thể bắt tay triển khai”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Việc thành lập “Thành phố phía Đông” không chỉ là vấn đề quản lý hành chính, nó còn thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của Trung ương, nâng tầm khu Đông thành trung tâm kinh tế, tạo động lực phát triển cho TPHCM và cả Đông Nam bộ. Do đó, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư… sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa.

Theo đề án thành lập “Thành phố phía Đông”, việc sáp nhập 3 quận ở phía Đông là để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như: Các khu đại học ở quận Thủ Đức (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao quận 9 (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...).

Thực tế, những năm qua, khu Đông TPHCM là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TPHCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.

Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Việc xây dựng và quy hoạch phía Đông thành khu đô thị sáng tạo được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.

(Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét