Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Chuyện hiếm, dân Hà thành rủ nhau đụng chung từ cua Alaska đến con cá hồi

Không chỉ đụng lợn, nay dân Hà thành còn rủ nhau đụng chung từ con cua cho tới con cá để có thể thưởng thức được nhiều loại “hải sản nhà giàu”.

Vài gia đình rủ nhau đụng chung con lợn khoảng trên dưới 1 tạ là chuyện thường thấy Gần đây, đụng lợn lại rầm rộ hơn khi giá mặt hàng này ngày càng đắt đỏ. Song, ngoài đụng lợn, những ngày này còn xuất hiện trào lưu đụng chung từ con cua cho tới con cá.

Nghe có vẻ lạ bởi cua, cá không nặng cả tạ như lợn để phải đụng chung, chia nhau mỗi nhà 20-30kg ăn dần. Song, do đây đều là những loại hải sản "nhà giàu”, nếu mua cả con trọng lượng chỉ 4-7kg cũng ngốn tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng. Do đó, đụng chung cua, cá đang chọn lựa của nhiều gia đình ở Hà Nội để được thưởng thức hải sản cao cấp mà chi phí vừa phải.  

Vừa rủ được một gia đình ở cùng khu chung cư của gia đình mình đụng chung con cua hoàng đế Alaska, chị Hoàng Thị Chung ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khoe: “2 gia đình đụng chung 1 con cua 3kg. Lúc nhà hàng chế biến sẽ tự động chia đôi rồi ship đến tận nhà cho mình”.

{keywords}
Để được thưởng thức cua Alaska, nhiều người rủ nhau đụng chung cua

Theo chị, cua Alaska trên thị trường bán rất nhiều, từ hàng tươi sống (đang bơi) cho tới hàng đông lạnh, giá cả tuỳ từng loại. Song, hải sản đông lạnh sẽ không bao giờ ngon bằng hàng đang bơi. Chưa kể, loại cua này các nhà hàng chỉ bán theo con dù chúng nặng tới vài cân.

Giá cua hoàng đế Alaska đang bơi là 1,8 triệu đồng/kg. Nhà chị Chung có 3 người, nếu mua cả con phải chi tới 5,4 triệu đồng ăn một bữa cũng không hết, lại vượt quá ngân sách chi tiêu nên ăn đụng hợp lý hơn.

Không chỉ đụng chung cua, chị Chung còn thường xuyên đụng cá hồi Na Uy. Nhưng, với cá hồi chị không phải rủ thêm người khác vì các cửa hàng bây giờ cũng bán theo suất cá đụng.

“Mỗi suất cá đụng nặng khoảng 2,5-3,5kg gồm nửa cái đầu cá, nửa bộ xương cá, thịt cá phi lê nửa con”, chị cho biết. Một suất cá đụng chỉ khoảng 700.000 cho đến gần 1 triệu đồng. Đầu, xương có thể nấu canh chua, phần phi lê thì chế biến được nhiều món khác nhau. Tính ra, mỗi suất đụng tiết kiệm được khoảng 450.000 đồng so với việc đặt mua lẻ từng loại.

Chị Lê Thuỳ Dương ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, gần đây giá cá hồi đã hạ nhiệt, song mua cá phi lê hay xương cá hồi thì giá vấn khá đắt đỏ, còn mua cá hồi nguyên con về lọc ra sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, 1 con cá hồi Na Uy thường nặng 5-7kg, tính ra khoảng 1,4-2 triệu đồng/con. Ôm cả con về thì túi tiền đi chợ bị thâm hụt đáng kể nên chị không mua.

{keywords}
Ngoài bán nguyên con, xẻ ra bán lẻ, một số cửa hàng còn bán suất cá hồi đụng chung 

“Dịp này thì khác, các cửa hàng có bán cá đụng theo suất. Giá cá đụng tính như giá mua nguyên con, có lợi hơn cho người mua”. Vì thế, tháng này chị đã mua 2 suất cá đụng, mỗi suất chỉ 700.000 đồng.

Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Trần Văn Khải - quản lý 1 chuỗi cửa hàng thực phẩm nhập khẩu tại Hà Nội - thừa nhận, cá hồi Na Uy bán nguyên con hiện giá tương đối rẻ, nhưng vì cá nặng vài cân mỗi con nên tổng số tiền bỏ ra cũng phải 2 triệu đồng. Nhiều người thấy xót tiền, trong khi cá ăn cũng không hết.

Do đó, chuỗi của hàng của anh quyết định bán suất cá hồi đụng. Theo đó, mỗi con cá chia thành 2 suất đụng. Từ đầu cá, xương cá, thịt filê đều chia đôi. Khi khách đặt mua sẽ cân cá tính tiền theo trọng lượng mỗi suất. Giá một suất đụng chưa đầy 700.000 đồng, suất lớn thì gần 1 triệu đồng.

“Bán kiểu đụng chung này hút khách hơn rất nhiều so với bán nguyên con và xẻ ra bán lẻ từng loại”. Anh Khải cho biết, thời gian đầu mọi người không hào hứng lắm, nhưng giờ mỗi ngày hệ thống cửa hàng của anh bán khoảng 400-500 suất cá đụng.

Chị Nguyễn Thị Hường, quản lý một nhà hàng hải sản cao cấp ở Trần Nhân Tông (Cầu Giấy), cũng thừa nhận, ngoài cá hồi, gần đây nhiều khách hàng cũng rủ nhau mua chung cua hoàng đế Alaska. “Cá hồi thì nhà hường thường xẻ sẵn đóng gói theo suất đụng. Còn cua Alaska đang bơi giá mỗi con rẻ cũng 5-7 triệu, con to lên tới cả chục triệu nên khách phải rủ được cùng đụng thì nhà hàng mới xẻ bán”.

Theo chị Hường, dù là hải sản cao cấp, giá rất đắt đỏ, song mỗi ngày cũng có 20-30 khách đụng cua Alaska về ăn. Còn cá hồi Na Uy giá mềm hơn nên mỗi ngày nhà hàng cũng bán cả trăm suất.

Bảo Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét