Vốn là khu vực có biên độ tăng giá BĐS ấn tượng tại Tp.HCM bởi lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ thì sau cú hích thành lập “thành phố phía Đông” liệu thị trường BĐS nơi đây sẽ diễn biến theo chiều hướng nào.
BĐS liên tục thiết lập mặt bằng giá mới
Không thể phủ nhận, khu Đông Tp.HCM được xem là khu vực có biên độ tăng giá BĐS ấn tượng trong suốt thời gian qua. Đây cũng là điểm nóng sốt BĐS đã từng diễn ra nhiều đợt trước đó. Làn sóng đầu tư, hoạt động mua bán của thị trường này luôn sôi động hơn hẳn so với các khu vực khác bởi những lợi thế về hạ tầng giao thông lẫn quy hoạch.
Dù hiện tại thị trường nhà đất nơi đây có phần chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng, xét tổng thể, giá BĐS khu vực này vẫn âm thầm tăng, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong suốt thời gian qua. Với các sản phẩm chất lượng, giá hợp lý, pháp lý hoàn thiện khả năng hấp thụ của thị trường vẫn khá tốt.
Ngay sau thời điểm dịch thì cú hích về đề án quy hoạch thành lập “Thành phố phía Đông” đã khiến thị trường BĐS khu Đông Sài Gòn chộn rộn trở lại. Khảo sát thực tế cho thấy, nắm bắt sức nóng của thị trường khu vực, hiện một số dự án mới đang triển khai bán trên địa bàn cũng đưa ra mặt bằng giá tăng cao so với giai đoạn mở bán trước đó.
Những kì vọng về tăng giá BĐS là điều dễ thấy khi khu Đông Tp.HCM cùng lúc hưởng lợi từ nhiều yếu tố |
Đơn cử như tại dự án An Phú New City (Q.2), các sản phẩm nhà phố đợt 1 có giá khoảng 160 triệu đồng/m2, trên 90% rổ hàng đã được tiêu thụ. Trong kế hoạch mở bán đợt tiếp theo, chủ đầu tư dự án này dự kiến tăng 5-10%. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu đây vẫn là mức giá khá mềm nếu so sánh với nhiều dự án xung quanh, chẳng hạn, đất trên tuyến đường Song Hành hiện có giá 300-340 triệu đồng/m2; đường Trần Não 320-380 triệu đồng/m2; đường Lương Định Của 280-320 triệu đồng/m2…
Tương tự, tại Q.9 dự án khu biệt thự và nhà vườn Ba Son - Đông Tăng Long Hưng Phúc đang đưa ra mức giá từ 45 triệu/m2. Đây là dự án nằm liền kề đường Vành đai 3 và dự báo giá thứ cấp sẽ tăng nhịp theo sức nóng của đề án quy hoạch TP khu Đông.
Hay, dự án Senturia Central Point Q.9 cũng đang là điểm thu hút sự quan tâm của NĐT trong bối cảnh Tp.HCM đang muốn tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Chưa kể, loạt dự án từ nhà phố, chung cư tại khu Đông Sài Gòn như Vạn Phúc City, Lakeview City, Dragon Village, Villa Park, Jamila Khang Điền… cũng đã có mức độ tăng trưởng giá ấn tượng trên thị trường thứ cấp thời gian qua. Trong đó, một số dự án tiếp tục mở bán giai đoạn tiếp theo, giá tăng ít nhất 20% so với thời điểm chào bán trước đó.
Dù giá tăng cao nhưng việc chuyển nhượng ở các dự án này diễn ra khá thuận lợi bởi nhu cầu ở thực, ở chất lượng vẫn còn chiếm lượng lớn trên thị trường nhà đất. Theo các chuyên gia, so với nhu cầu của thị trường nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự tại Tp.HCM nói chung, khu Đông nói riêng luôn thiếu so với nhu cầu thực tế bởi quỹ đất ngày càng ít đi. Vì thế, những dự án pháp lý hoàn thiện chào bán ở giai đoạn này sẽ có lợi thế rất lớn về giá bán cũng như giao dịch.
Liệu “thành phố phía Đông” có tạo cú hích về làn sóng tăng giá BĐS?
Có lẽ nhiều NĐT địa ốc đã nhìn thấy dư địa phát triển của thị trường BĐS khu Đông nhiều năm trước đó. Họ đã quan sát, vào thị trường và làn sóng “săn” nhà đất khu vực này đã diễn ra mạnh mẽ giai đoạn về trước. Đó cũng chính là những NĐT có được biên lợi nhuận tốt trước những phân đoạn lên giá của BĐS khu vực.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&B DKRA Vietnam cho rằng, việc thành lập “Thành phố phía Đông” của Tp.HCM sẽ trở thành một động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho cả thị trường BĐS Tp.HCM nói chung và 3 quận (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) nói riêng.
Ông Hoàng cũng dự báo, khi đề án được chính thức duyệt thì các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước cũng tăng cường đầu tư lớn hơn, từ đó tác động đến mức giá BĐS tại khu vực này. Mà đây cũng vốn là thị trường mà 5 năm qua luôn là khu vực dẫn dắt thị trường BĐS Tp.HCM về sự tăng trưởng giá.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land, việc thống nhất 3 quận thành lập thành phố khu Đông với các cơ chế phát triển đặc thù, riêng biệt sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và là cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, về nhu cầu nhà ở cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp BĐS và cả thị trường khu Đông.
Theo bà Hương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn nhìn vào các cơ hội đầu tư trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Việc thành lập Thành phố khu Đông theo định vị khu đô thị sáng tạo và là trung tâm phát triển kinh tế mới của thành phố sẽ là đòn bẩy thu hút nguồn lực đầu tư và tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực này trong thời gian sắp tới. Theo đó, giá BĐS cũng sẽ theo chiều hướng đi lên, trong đó các dự án được quy hoạch bài bản, quy mô đủ lớn, đáp ứng chất lượng sống của người dân vẫn có lợi thế rất lớn trên thị trường cả về giá lẫn giao dịch.
“Việc triển khai đề án quy hoạch “Thành phố phía Đông” nên cần tiến hành sớm nhằm nắm bắt cơ hội phát triển tăng tốc của thị trường sau khi đại dịch bệnh đã qua đi”, bà Hương nhấn mạnh.
Thực tế, những năm qua, khu Đông Tp.HCM là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, Tp.HCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.
Cùng với làn sóng tăng tốc hạ tầng thì thông tin quy hoạch khu Đông trở thành một TP trực thuộc Tp.HCM trở thành lực đẩy rất lớn để thay đổi toàn bộ bộ mặt kinh tế - xã hội của Tp.HCM nói chung, khu Đông nói riêng. Trong đó thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường BĐS là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, theo các chuyên gia trong ngành, cũng không nên vin vào việc này để đẩy giá hoặc thổi giá BĐS lên quá cao. Việc định giá BĐS phải hài hòa lợi ích cả 2 bên mua và bán, giá và giá trị BĐS phải tương xứng với nhau thì mới được thị trường đón nhận.
(Theo Trí thức trẻ - Tổ quốc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét