Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Đến sân bay, thấy hàng không Việt không ‘chết yểu’

Hiện có những đường bay nội địa đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa qua. Muốn chứng kiến hàng không ấm lại, hãy đến sân bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Sân bay đông đúc trở lại

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng, nếu muốn chứng kiến hàng không ấm lại, hãy đến sân bay, nhìn tận mắt hoạt động tại đây. Không chỉ sân bay Nội Bài mà cả sân bay Phù Cát khách xếp hàng dài làm thủ tục.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, khách du lịch đến Quy Nhơn sau giãn cách xã hội đạt gần 70%, cao hơn cả Đà Nẵng và Nha Trang vốn là những điểm đến nổi tiếng.

Vì thế, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết, riêng đường bay Hà Nội - Quy Nhơn mỗi ngày hãng khai thác 3 chuyến khứ hồi, dự kiến sẽ tăng lên 5 chuyến do lượng khách tăng đột biến.

{keywords}
Kiểm tra y tế tại sân bay Phù Cát (Bình Định)

Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Nếu so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hãng bay 150 chuyến/ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6 và chậm nhất là tháng 7.

Theo ông Cường, dịch Covid-19 khiến thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn. Chúng ta mong chờ thị trường quốc tế mở cửa thì mới có hy vọng phục hồi. Thông thường thị trường cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7. Năm nay, ông Cường hy vọng sẽ có điều chỉnh như kéo dài mùa hè, cho học sinh đi học muộn thì sẽ có cơ hội phát triển trở lại.

“Câu trả lời thực tiễn là hàng không Việt Nam không chết yểu như dịch bệnh, mà sẵn sàng đối mặt khó khăn, sẵn sàng chuẩn bị để bay lại khi kiểm soát được dịch bệnh, các yếu tố về hạn chế cách ly được dỡ bỏ, mặc dù chưa rõ bao giờ”, ông Cường nói.

Hiện có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi. Thậm chí, nhiều đường bay nội địa mới được mở thêm, theo vị lãnh đạo Cục Hàng không.

Từ cuối tháng 4 đến nay, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thị trường hàng không Việt Nam đã hồi phục nhanh chóng. Đặc biệt, từ ngày 8/5, các hãng được gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách trên tàu bay, khai thác 100% số ghế, thì số chuyến bay nội địa từ ngày 19/4-18/5 tăng tới 73% so với tháng liền trước.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng phải đến khi mọi người không còn lo sợ về dịch bệnh, thu nhập của bản thân được phục hồi, thì 2-3 năm nữa kinh tế Việt Nam mới trở lại thời điểm như năm 2019 nếu toàn cầu khống chế được đại dịch.

2 kịch bản đón khách quốc tế

Tại Hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" diễn ra ngày 30/5, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhận định, nếu không có hàng không thì kết nối giữa các địa phương, giữa địa phương với doanh nghiệp, các tuyến tour du lịch sẽ chậm. Hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế.

Nếu đi ra sân bay vắng bóng người, sức khỏe của nền kinh tế cũng như hiệu quả chống dịch của chúng ta chưa thành công, ông Quyết nói.

{keywords}
Hàng không dự kiến tăng thêm chuyến bay tới các điểm đông khách du lịch nội địa

Như tại Mỹ, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) dẫn chứng, mặc dù không có sân bay nào tại Mỹ thực sự đóng cửa, các hãng hàng không vẫn hoạt động, song đến nay, sau 62 ngày kể từ khi Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, lượng khách trung chuyển bằng đường hàng không giảm 90%. Thị trường đang khôi phục trở lại nhưng mức độ sụt giảm vẫn là 85-88%, tốc độ hồi phục rất chậm.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc bầu trời mở cửa trở lại sẽ giúp khơi thông cho ngành du lịch, kinh tế. Theo ông, cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Chúng ta đã có bài học từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản về kích cầu du lịch. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có giải pháp ở mức hạn chế vì sợ dịch bệnh kéo dài, nhưng đã trên 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Do đó, đây là cơ hội lớn để du lịch và hàng không kích cầu và phát triển trở lại, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Về thị trường nội địa, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ thị trường du lịch nội địa đã khai thác ở mức độ nào đó. Khi giảm giá vé máy bay đã kích cầu du lịch, điều đó nhìn thấy rõ.

Về thị trường quốc tế, ngành du lịch cần nhu cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được. Việt Nam cần hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để từng bước mở cửa đón khách.

TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, đón du khách tới và khách sẽ không ra khỏi đó; Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khách cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 trước đó 14 ngày thì được đăng ký đi du lịch. Khi đến Việt Nam, họ sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh và cách ly từ 2-4 ngày. Sau đó, kiểm tra lại lần ba, nếu ổn khách có thể đi du lịch tại Việt Nam.

“Nếu làm được như vậy thì chúng ta có thể đón khách và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nếu cách ly 14 ngày hoặc đón vào mà chỉ cho khách ở đảo như Phú Quốc thì liệu họ có chấp nhận không? Bởi họ muốn được tự do di chuyển, đi thăm thú các danh thắng, di sản, tìm hiểu văn hóa. Hiện Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Ngọc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét