Công việc hái nấm lim xanh tuy vất vả, ăn ngủ trong rừng nhưng mang lại thu nhập khá. Chúng tôi vừa có chuyến trải nghiệm cùng nhóm người Đại Lộc đi tìm hái nấm tại miền núi Nam Giang.
Đúng như lời hẹn, 8 giờ sáng, ông Nguyễn Ba (61 tuổi, xã Đại Hồng, Đại Lộc) - người hơn 10 năm đi hái nấm lim xanh, đón chúng tôi tại khu vực thủy điện Sông Bung 6 (Nam Giang) để vào rừng tìm nấm. Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn cho chuyến đi, 3 thành viên trong nhóm ông Ba cõng trên lưng mỗi người chiếc ba lô đựng đồ ăn, thức uống... đủ dùng cho 2 ngày một đêm trong rừng.
Người dân hái nấm lim xanh ở khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Bung 6 (Nam Giang). Ảnh: T.T |
Men theo khu rừng keo của người dân, những gốc lim ven đường đã có nấm, nhưng còn rất nhỏ. Thấy 2 nấm lim xanh cao chừng 7cm, ông Ba cho biết nấm mới mọc khoảng 5 ngày và chưa thể thu hái.
“Nấm lim xanh chỉ mọc ở gốc cây lim đã chết, từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch là thời điểm nấm mọc nhiều. Ở khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Bung 6, dù là gốc lim trong rừng trồng hay rừng tự nhiên đều có nấm lim mọc. Nấm đã trưởng thành chúng tôi mới thu hoạch” - ông Ba nói.
Nấm lim xanh mới mọc người dân sẽ không thu hái. Ảnh: T.T |
Nhóm “săn” nấm tiếp tục tiến vào khu rừng tự nhiên. Hầu hết thành viên trong nhóm đều quen với địa hình, vị trí có gốc lim để đến tìm nấm. Tại một gốc lim trong rừng đầu nguồn sông Bung, họ phát hiện 9 nấm lim xanh mọc ở gốc cây lim, có chiều dài 5 - 25cm. Tuy nhiên chỉ thu hái 7 nấm lớn, không hái 2 nấm còn lại vì nhỏ, chưa đủ kích thước.
Để hái nấm lim xanh, người dân phải dùng rựa tách phần tiếp giáp giữa nấm với thân cây lim. “Từ đầu tháng 4 đến nay, miền núi ít mưa nên nấm phát triển chậm. Hái nấm lim trong rừng già nhiều nguy hiểm nên chúng tôi thường đi thành từng nhóm, lỡ gặp bất trắc thì còn giúp đỡ nhau” - ông Ba bộc bạch.
Nhóm ông Nguyễn Ba tiến vào khu vực rừng tự nhiên để tìm nấm. Ảnh: T.T |
Một ngày tìm kiếm nấm kết thúc, khi mặt trời vừa lặn. Họ tiến đến bãi đất ven suối trong rừng để nghỉ ngơi, ăn tối. Một ngày cõng chiếc ba lô trên lưng, đôi chân vượt hàng chục cây số đã khá mỏi, các thành viên trong nhóm dựng lán trại rồi chia nhau ra nấu cơm, người cầm đèn pin đi dọc bờ suối kiếm thêm bó rau, con ếch về cải thiện bữa ăn.
Đêm, rừng già vắng lặng, bên bờ suối tiếng ếch nhái kêu nghe vui tai. Dưới ánh sáng mập mờ của đèn pin, nhóm ông Ba quây quần bên bữa cơm tối. Những câu chuyện gắn với nghề dần được kể. Mỗi người đến với công việc này rất khác nhau. Có người thất nghiệp nên mới theo nghề này, có người bỏ nghề phu vàng rồi bám víu với nghề “săn” nấm...
Công việc tìm nấm lim xanh nhiều vất vả. Ảnh: T.T |
Trong nhóm 3 người hái nấm này, chuyện của ông Nguyễn Văn Hoan (47 tuổi, xã Đại Đồng, Đại Lộc) được nhiều người truyền tai nhau.
Ông Hoan kể với chúng tôi, hơn 10 năm trước, mẹ ông bị ung thư thận, di căn biến chứng qua gan quá nặng và bệnh viện “trả về”. Được một số người chỉ dẫn, ông lên rừng tìm nấm lim xanh về cho mẹ mình uống. Sau gần 2 tháng trời, mẹ ông khỏe hẳn ra, bà đi lại trong nhà được và có thể làm những việc nhẹ như quét nhà, rửa chén, nấu cơm.
Từ đó, vào mùa nấm lim xanh mọc, ông Hoan lại cần mẫn lên rừng tìm cho mẹ uống. Khi nấm lim xanh được nhiều người biết đến và có giá cao, ông Hoan thu mua và trở thành đại lý. Hiện nay thỉnh thoảng vài tuần ông mới đi hái nấm một chuyến.
Sau khi hái ở rừng tự nhiên, nấm lim xanh được mang về xuôi bán cho thương lái. Ảnh: T.T |
“Từ khi biết đến công dụng chữa bệnh, tôi luôn tìm hiểu về nấm lim xanh. Những năm gần đây tôi thu mua nấm lim của anh em đi rừng hái về, nhưng thỉnh thoảng vẫn lên lại rừng để tìm. Đã quen với rừng mà không lên rừng thì thấy rất nhớ” - ông Hoan nói.
Mỗi ký nấm sau khi hái về, người dân bán cho thương lái với giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/ký tươi. Mỗi chuyến đi rừng, người dân kiếm 500 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng.
(Theo Báo Quảng Nam/ Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét