Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2020

‘Mỏ vàng’ du lịch nội địa, cứu tinh sau thời đại dịch

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và đều đặn mỗi năm, khách du lịch nội địa ngày càng thể hiện tốt vai trò là “xương sống” của ngành du lịch VN, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch Việt đang tìm giải pháp phục hồi sau dịch Covid-19.

Những năm gần đây, nhu cầu du lịch của người Việt gia tăng mạnh mẽ, thể hiện qua số lượt khách nội địa tăng trưởng nhanh và liên tục trong vòng một thập kỷ qua.

Dữ liệu thống kê cho thấy, khách du lịch nội địa của Việt Nam đã tăng gấp hơn 3 lần trong 10 năm, từ 28 triệu lượt khách năm 2010 đến 85 triệu lượt khách năm 2019.

Tính riêng năm 2019, số lượt khách du lịch nội địa cao gấp khoảng 4,5 lần khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào doanh thu chung của toàn ngành. Cứ mỗi năm, ngành du lịch đều đặn có thêm vài triệu lượt khách hàng mới ngay tại thị trường trong nước, cùng với tỷ lệ lưu trú và mức chi tiêu cũng tăng lên theo thời gian.

Qua khảo sát của trang đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda, trong top 10 điểm đến được khách Việt ưa chuộng năm 2019 chỉ có 1 thành phố nước ngoài. Điều này cho thấy các điểm đến trong nước vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của khách nội.

{keywords}
Ngành du lịch Việt đang khẩn trương tìm giải pháp phục hồi sau dịch Covid-19.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến thị trường du lịch inbound và outbound đóng băng chưa biết khi nào có thể hồi phục, thời điểm này, khách du lịch nội địa được xem là giải pháp quan trọng cho các doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không Việt. Nếu chú trọng khai thác, đây sẽ là “mỏ vàng” giúp gia tăng doanh thu bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Ghi nhận của nhiều doanh nghiệp lữ hành, sau một thời gian dài giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5/2020, nhu cầu du lịch của khách nội địa bắt đầu trở lại, giúp thị trường du lịch trong nước “ấm dần”.

Theo thống kê của Indochina Capital, kỳ nghỉ 30.4 - 1.5 vừa qua ở Việt Nam, lượng khách đặt phòng khách sạn và Airbnb là rất cao, nhất là khu vực thành phố lớn.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, thị trường du lịch nội địa đang phục hồi nhưng theo những xu hướng mới, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển động mạnh để thích ứng. Ví dụ, các tour du lịch ở quãng gần dưới 300 km, theo nhóm nhỏ gồm các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân đang rất được yêu thích.

Du khách cũng có xu hướng tìm kiếm những điểm đến sinh thái rộng rãi, những bờ biển không khí trong lành. Về lưu trú, những quần thể du lịch cao cấp vừa có hệ tiện ích đồng bộ, vừa có không gian thoáng mát và các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo đang có lượng tìm kiếm rất cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc doanh nghiệp lữ hành Ha Noi Redtour, một công ty lữ hành hay một nhóm công ty lữ hành không thể tạo ra sản phẩm du lịch tốt bởi du lịch là sản phẩm liên ngành liên vùng, tổng hợp của các dịch vụ khác nhau. Và thậm chí cần sự hỗ trợ của nhà nước để tạo sự đồng bộ.

Mới đây, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động mới đây được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho sự bứt phá của thị trường du lịch nội địa. Một trong những mục tiêu của chương trình là kêu gọi các Ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… ngồi lại với nhau cho ra những sản phẩm thật hấp dẫn, khuyến khích tinh thần yêu nước và sự phấn khích của người Việt với cảnh đẹp quê hương, ủng hộ doanh nghiệp nội.

Một diễn đàn lớn với chủ đề “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt” sẽ diễn ra trong chiều ngày 16/5/2020 tới đây tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa) để bàn sâu hơn về vấn đề này giữa các nhà chính sách, doanh nghiệp và các chyên gia.  Chương trình do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng cục Du lịch, Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) cũng hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức.

Với nhiều nội dung quan trọng được đề cập, hội nghị được kỳ vọng sẽ làm rõ những vấn đề, kiến nghị, giải pháp thực tế để kích cầu du lịch nội địa đồng thời đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch  trong thời gian tới, thông qua các ý kiến thảo luận có tính chuyên môn caotừ đại diện các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan đến du lịch.

Cùng dịp này, Quảng Ninh cũng đã chính thức mở màn chuỗi hoạt động kích cầu du lịch 2020 của tỉnh Quảng Ninh, tạo động lực và bước đột phá cho phát triển du lịch của thành phố di sản trong thời gian tới. Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị để sản phẩm đặc trưng Carnaval Hạ Long 2020 có thể sẽ được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9

Cùng với các địa phương, các DN du lịch xây dựng, triển khai các gói kích cầu, giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo ưu đãi, cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình trọn gói hoặc từng phần để kích thích nhu cầu khách trong nước.

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tái khởi động thị trường du lịch quốc tế

Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng bộ chỉ tiêu du lịch an toàn; tổ chức triển khai chương trình du lịch an toàn, tăng cường truyền thông, quảng bá về các địa điểm du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, nhất là trong dịp hè.

Cơ quan này còn được yêu cầu chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp phù hợp để tái khởi động thị trường khách du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp.

 Đức Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét