Nhiều loài hoa dại thường thấy ven đường hoặc trong những cánh rừng, nhưng dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã trở thành những cây kiểng, bon sai giá từ hàng chục cho đến cả trăm triệu đồng.
Bác Trần Ngọc Thành (Phường 10) có bộ sưu tập hàng chục bon sai, cây kiểng trà mi và đỗ quyên độc đáo, chỉ để thỏa mãn thú tiêu khiển chứ không bán.
Bên cạnh những chậu kiểng trà mi và đỗ quyên giống ngoại nhập (Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc…) có cả những giống hoa bản địa của núi rừng hoang vu trên cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng).
Đỗ quyên Lang Biang. |
Trong lúc giới thiệu lai lịch những kiểng hoa “độc” 40-50 tuổi, bác Thành cho biết những năm gần đây do thời tiết nóng lên nên những loài đỗ quyên và trà mi với sắc hoa lạ, quý hiếm như tím biếc, vàng mơ… chỉ nở hoa đều và đẹp ở Đà Lạt; trong khi các vườn xứ nóng, dù chăm sóc rất công phu cũng chỉ ra nụ chứ hiếm khi nở hoa.
Bonsai đỗ quyên. |
Vườn nhà của bác Huỳnh Minh Xuyến (đường Mai Anh Đào) có chậu kiểng hoa bằng lăng “Vũ điệu Tây Nguyên” cực kỳ kiếm, được đưa từ rừng sâu Cát Tiên về chăm sóc cả chục, mỗi mùa qua lại nở hoa tím ngát.
Gia đình chị Đặng Thu Hiền (xã Xuân Thọ) sở hữu chậu bonsai hoa ngũ sắc dáng thế đẹp hiếm thấy. Chị Hiền cho biết chồng chị sưu tầm rất nhiều giống hoa hồng và cây kiểng, chỉ để thỏa mãn đam mê, có người trả giá hàng chục triệu một chậu bonsai nhưng không bán.
Gốc kiểng ngũ sắc độc đáo. |
Ở Đà Lạt có khá nhiều người sưu tầm, chế tác hoa kiểng chỉ để thỏa mãn tình yêu vô bờ bến với hoa, thưởng trà ngắm hoa với bạn bè chứ chẳng màng đến chuyện mua bán. Đôi khi khách bộ hành nhàn tản “nhòm trộm” hoa cũng được gia chủ mời vào vườn thưởng trà, đàm đạo về hoa, chụp ảnh các chậu kiểng độc đáo.
Du khách đến Đà Lạt có nhiều cơ hội ngắm bonsai, kiểng hoa ở nhiều vườn hoa và khu du lịch như Vườn hoa Đà Lạt, Vườn hoa Bích Câu, Thung lũng vàng, QUE garden…
Vườn hoa thành phố Đà Lạt có chậu kiểng hoa chùm ớt nở sum suê, duyên dáng soi bóng xuống hồ nước trong veo in bóng những đám mây mờ ảo.
Kiểng hoa chùm ớt. |
QUE garden sở hữu nhiều cây kiểng hoa giấy lâu năm, trong đó có những cây 60-70 tuổi, giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/cây.
Kiểng bonsai Đà Lạt được giới chuyên môn trong và ngoài nước thừa nhận có sự bứt phá vượt trội của một lớp người chơi bon sai làm chủ được kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ cao; có khiếu thẩm mỹ sáng tạo và sự đam mê của tâm hồn thanh tĩnh, trầm lắng giữa cuộc đời đầy biến động.
(Theo Tiền phong)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét