Hiện nay, ngoài lương, công chức, viên chức còn được hưởng phụ cấp. Một trong số đó là phụ cấp khu vực.
Dưới đây là những điều kiện, mức hưởng phụ cấp khu vực của công chức, viên chức...
Điều kiện hưởng phụ cấp khu vực
Theo khoản 3, điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp khu vực áp dụng với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu, gồm: Công chức, viên chức đang trong thời gian tập sự, thử việc làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định; Công chức cấp xã, phường, thị trấn; Công chức, viên chức thuộc biên chế Nhà nước, được cử đến làm việc ở các hội, tổ chức phi Chính phủ…; Người làm công tác cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong cơ quan quân đội và công an…
Không phải công chức, viên chức nào cũng được hưởng phụ cấp khu vực |
Trong đó, các yếu tố xác định phụ cấp khu vực được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT như sau: Yếu tố địa lý tự nhiên: Khí hậu xấu, thể hiện ở mức độ khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm, độ cao, áp suất không khí, tốc độ gió… cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người; Xa xôi, hẻo lánh: Mật độ thưa thớt, xa các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xa đất liền; đường xá, cầu cống, trường học, cơ sở y tế, dịch vụ thương mại thấp kém, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của con người…
Ngoài ra, phụ cấp khu vực còn được xem xét theo địa giới hành chính. Do đó, ở địa bàn nào thì được hưởng phụ cấp khu vực của địa bàn đó. Đặc biệt, khi việc xác định phụ cấp khu vực thay đổi như chia, nhập, thành lập mới… thì mức hưởng phụ cấp này cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Mức hưởng phụ cấp khu vực
Hiện mức hưởng phụ cấp khu vực của công chức, viên chức được tính theo công thức: Phụ cấp khu vực = Hệ số x Mức lương cơ sở. Trong đó, hệ số phụ cấp vẫn được quy định tại Thông tư liên tịch 11 năm 2005 nêu trên với 7 loại hệ số là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0.
Về mức lương cơ sở, theo Nghị quyết 86 về Dự toán ngân sách Nhà nước, mức lương cơ sở của công chức, viên chức chính thức tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1-7-2020. Còn hiện nay, mức lương cơ sở vẫn đang được tính là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38 năm 2019.
Hiện mức hưởng phụ cấp khu vực của công chức, viên chức được tính theo công thức: Phụ cấp khu vực = Hệ số x Mức lương cơ sở |
Do đó, trong năm 2020 này, phụ cấp khu vực của công chức, viên chức cụ thể như sau: Hệ số 0,1, mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 149.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 160.000 đồng/tháng; hệ số 0,2, mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 298.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 320.000 đồng/tháng; hệ số 0,3, mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 447.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 4800.000 đồng/tháng; hệ số 0,4, mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 596.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 640.000 đồng/tháng; hệ số 0,5, mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 745.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 800.000 đồng/tháng; hệ số 0,7,mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 1.043.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 1.120.000 đồng/tháng; hệ số 1,0, mức phụ cấp đến 30-6-2020 là 1.490.000 đồng/tháng, mức phụ cấp từ 1-7-2020 là 160.000 đồng/tháng.
Trên đây là chi tiết điều kiện cùng mức hưởng phụ cấp khu vực của công chức, viên chức trong năm nay. Lưu ý, hệ số 1,0 chỉ áp dụng với những hải đảo đặc biệt khó khăn, gian khổ như quần đảo Trường Sa. Riêng đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ quân đội, công an mức phụ cấp khu vực được tính bằng 0,4 lần mức phụ cấp của các đối tượng khác.
(Theo NLĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét