Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Ảnh hưởng hạn mặn lúa vẫn trúng mùa, dư thừa để xuất khẩu

 Dù bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, song vụ đông xuân này nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn trúng mùa, sản lượng tăng mạnh. Theo lãnh đạo Cục trồng trọt, năm nay Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu khoảng trên 6 triệu tấn gạo các loại.

Vượt hạn mặn, được mùa to

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xu gạo trồng trọt vụ đông xuân 2019-2020, triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2020 tại các tỉnh, thành Nam Bộ sáng nay, ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thừa nhận, dù vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do xâm nhập mặn, song nông dân đã có một vụ thu hoạch được mùa, được giá.

Theo thống kê của tỉnh này, diện tích lúa đông xuân của tỉnh đạt 289.837ha, vượt 743 ha so với kế hoạch đặt ra. Đến nay đã thu hoạch được 93% diện tích lúa, năng suất bình quân 7,24 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 1,924 triệu tấn; tăng 0,3 tấn/ha về năng suất và 104.712 tấn về sản lượng so với vụ đông xuân 2018-2019.

Kế hoạch vụ hè thu, dự kiến xuống giống 284.000ha. Hiện đã gieo được 58.000ha; vụ thu đông dự kiến xuống giống 72.000ha, ông Nhịn cho hay.

{keywords}
Năng suất lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL tăng mạnh

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tuyền - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, dù hạn mặn ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng vụ đông xuân của tỉnh này vẫn đạt được nhiều thắng lợi, tỷ lệ thiệt hại chỉ khoảng 2,1% diện tích.

Năng suất lúa khá cao, 60,4 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Đặc biệt, giá lúa ổn định, giúp nông dân có lãi trên 30%.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, đến thời điểm này, vụ đông xuân năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL đã cơ bản giành thắng lợi, vượt qua ảnh hưởng của tình hình hạn mặn cực đoan. Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ đông xuân 2019-2020 đạt hơn 1,6 triệu ha; năng suất ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn. 

Một trong những yếu tố giúp vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh ĐBSCL thắng lợi trong điều kiện bất thuận là nhờ dự báo được trước diễn biến của tình hình hạn mặn khốc liệt để để có ứng phó về giống, lịch gioe cấy và tưới tiêu... Nhờ đó, diện tích lúa đông xuân đã kịp thu hoạch sớm, trước khi tình hình xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra khốc liệt tại ĐSBCL, giúp giảm thiểu tối đa diện tích lúa đông xuân do hạn mặn gây ra.

Gạo đầy kho, có thể xuất khẩu 6 triệu tấn

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) trước đó cũng cho biết, nếu kịch bản xấu nhất do những tác động của thời tiết thì sản lượng lúa cả nước cũng chỉ giảm khoảng 1 triệu tấn. Năm nay Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu 6-6,7 triệu tấn gạo các loại.

Trong báo cáo của Bộ NN-PTNT về kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 cũng nêu rõ, sản xuất lúa năm nay dự kiến đạt 43,5 triệu tấn tóc. Trong đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 29,96 triệu tấn (gồm cả nhu cầu cho người, cho chăn nuôi, làm giống và cho tích trữ), xuất khẩu dự kiến 13-13,4 triệu tấn thóc (tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo).

{keywords}
Theo Bộ NN-PTNT và các chuyên gia trong ngành, lúa gạo có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng dư có thể xuất khẩu

GS Võ Tòng Xuân – chuyên gia trong ngành lúa gạo cho hay, người dân ĐBSCL đã và đang thu hoạch vụ đông xuân 2019-2020, lúa trúng mùa. Với hơn 1,5 triệu ha thì dự tính được từ 5,3-5,5 triệu tấn gạo.

Hiện những nông dân đã thu hoạch lúa vụ đông xuân ở thời điểm tháng 1-2 vừa qua cũng đã bước vào gieo sạ vụ mới, tháng 5 sẽ được thu hoạch. Ông Xuân cho rằng, mình chỉ cần chừa đủ lượng gạo khoảng 1,5 triệu tấn để 2 tháng tiếp theo cho dân trong nước, tức chừa đủ lượng gạo để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại khoảng 4 triệu tấn để xuất khẩu

Theo GS Xuân, sản xuất lúa ở Việt Nam khác các nước khác. Chỉ có 3 tháng là có 1 vụ lúa mới, thậm chí có những giống lúa ngắn ngày chỉ cần 85 ngày đã cho thu hoạch và 1 vụ lúa của mình đã dư sức nuôi cả nước.

Tại buổi làm việc của Bộ Công thương với các cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo về việc kiểm tra và đánh giá nguồn cung mặt hàng này vào ngày 26/3, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, nguồn cung gạo trong nước và tại kho các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, việc ký mới hợp đồng cũng cần có những kiểm soát chặt chẽ hơn để vừa đảm bảo xuất khẩu được gạo mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét