Một số nội dung liên quan đến cáo buộc của Tổng cục Hải quan với Công ty CP tập đoàn Asanzo đã được công bố. Tuy nhiên, còn nhiều điểm cần phải cơ quan điều tra vào cuộc.
Chưa có quy định về hàng hóa “made in Vietnam”
Tại cuộc họp về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 28/10, Tổng cục Hải quan đã đưa kết quả xác minh bước đầu vụ Asanzo nhưng chưa phải là kết luận cuối cùng (xem chi tiết báo cáo tại đây)
Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Asanzo và các công ty liên quan có 4 vi phạm chính. Đó là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm về xuất xứ, trốn thuế.
Vụ việc lieenquan Asanzo chờ công an điều tra để rõ sai phạm |
Đại diện Bộ Khoa học và công nghệ cho biết khi Asanzo đề nghị cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ giữa Asanzo và Sharp – Roxy (Hồng Kông), Bộ này đã có văn bản trả lời Asanzo là “hợp đồng giữa Asanzo và Sharp – Roxy chưa thể hiện được nội dung chuyển giao công nghệ. Cho nên theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng chưa đủ cơ sở để cấp giấy chứng nhận này cho Asanzo.
“Chưa đủ cơ sở cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ, chứ không phải đang chờ đợi gì nữa”, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.
Ngoài ra, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành các quyết định hủy bỏ một số giấy chứng nhận nhãn hiệu đã cấp cho Asanzo, dựa trên bản án và đơn đề nghị của Công ty Đông Phương.
Qua kiểm tra, Asanzo cũng có một số vi phạm liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa và đã có quyết định xử phạt công ty này. Asanzo đã nộp phạt.
Bày tỏ nhất trí với báo cáo của Tổng cục Hải quan về thực tế sản xuất, dây chuyên công nghệ, quy trình lắp ráp… của Asanzo, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã làm việc với công ty này.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hỏi: Kết quả điều tra xác minh cho thấy tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98-99% giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp, chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm. Giờ lắp ráp lên, mang nhãn hiệu Asanzo, đề nghị quản lý thị trường cho biết về xuất xứ có vi phạm quy định giả mạo xuất xứ với hơn 600 ti vi xuất khẩu không?
Trả lời thay quản lý thị trường, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết kết quả kiểm tra của Tổng cục Hải quan cho thấy dây chuyền sản xuất của Asanzo không sử dụng kỹ năng gì đặc biệt, cho nên rõ ràng công ty vi phạm quy định tại Nghị định 31 khi không vượt qua được giai đoạn “gia công đơn giản” đối với lô hàng ti vi xuất khẩu.
Còn đối với hàng hóa lắp ráp tiêu thụ trong nước có vi phạm hay không, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có quy định cụ thể về dán nhãn xuất xứ Việt Nam với hàng sản xuất trong nước.
Ông Đông cho biết Bộ Công Thương đang “thận trọng” xây dựng dự thảo thông tư về hàng hóa Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam .
Tổng cục trưởng Hải quan hỏi lại: Tức là quan điểm của Bộ Công Thương là chưa có quy định với hàng trong nước, nên cùng 1 loại hàng là cái ti vi chỉ có hàm lượng giá trị gia tăng trong nước là 2%, nếu xuất khẩu là đã vi phạm Nghị định 31. Nhưng mang tiêu thụ nội địa thì chưa bị điều chỉnh.
“Quá vô lý!”, ông Cẩn nói và đề nghị Bộ Công Thương ban hành thông tư quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để không có tình trạng “cùng 1 loại hàng, người tiêu dùng Việt Nam lại khác biệt các nước khác”.
Nhắc lại câu hỏi đã hỏi Bộ Công Thương, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tiếp tục hướng đến bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) để tìm câu trả lời.
Bà Hương dẫn một loạt quy định về xuất xứ hàng hóa để trả lời. Tỏ ra sốt ruột, ông Nguyễn Văn Cẩn hỏi tiếp: Xin ý kiến của chị ngắn gọn. Cái ti vi 98% giá trị tạo ra là từ nhập khẩu, chỉ 2% giá trị gia tăng trong nước. Quan điểm của VCCI việc này có đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp tự xác nhận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hay không?
Bà Hương nói: Nếu không vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản thì không thể đủ đáp ứng quy định tại Nghị định 31.
Đại diện VCCI cũng cho biết chưa có quy định xuất xứ với hàng hóa sản xuất, tiêu thụ trong nước.
Vụ việc của Asanzo rất phức tạp. |
Thận trọng đánh giá Asanzo trốn thuế
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục thuế cũng đã dẫn kết quả thanh tra của Cục Thuế TP.HCM. Theo đó, Cục Thuế TP.HCM chỉ rõ sai phạm của Asanzo như: khai thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào khấu trừ không đúng quy định; kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế không đúng quy định; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn đầu vào có nội dung được ghi không có thực, hóa đơn ghi mặt hàng điều hoà nhiệt độ nhưng thực tế là linh kiện điều hoà nhiệt độ)...
Cũng theo Cục Thuế TP.HCM, tổng số tiền thuế mà Asanzo kê khai thiếu và trốn thuế là hơn 40,5 tỷ đồng. Do đó, Cục Thuế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính Asanzo số tiền gần 5,4 tỷ đồng cộng với khoản tiền chậm nộp thuế, tổng số tiền Asanzo phải nộp lại cho ngân sách nhà nước là 47,6 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng Asanzo có dấu hiệu trốn thuế và đã lập hồ sơ chuyển cơ quan công an.
Đại diện Tổng cục thuế cho biết sau khi chuyển tiền thanh toán cho một số công ty, tiền lại được chuyển ngược lại cho Asanzo hoặc vợ ông Tam và cá nhân là người lao động thuộc các công ty của Asanzo với số tiền hơn 500 tỷ đồng.
“Các công ty này không còn tồn tại ở địa chỉ đăng kí với cơ quan thuế. Thuế không có chức năng điều tra, nên đã cung cố hồ sơ chuyển sang Phòng an ninh kinh tế, Công an thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra”, đại diện Tổng cục thuế cho biết.
Trước cáo buộc Asanzo có dấu hiệu trốn thuế, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tỏ ra thận trọng.
Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nếu chỉ dựa trên báo cáo của Tổng cục Hải quan và các ý kiến khác thì chưa đủ căn cứ xác định các công ty trong tập đoàn Asanzo có phạm tội hay không. Vấn đề là, khi có dấu hiệu như vậy thì phải có cơ quan điều tra vào cuộc, nghiên cứu thấu đáo chi tiết.
“Nếu không có tài liệu xác định thì ngay tại đây thôi tôi đã thấy một số điểm không chuẩn. ví dụ các công ty trong Asanzo khai báo là mua bán rất nhiều. Nhưng có khi việc khai báo của họ chỉ nhằm mục đích nâng cao giá trị hình ảnh của các công ty trong tập đoàn, còn việc mua bán chưa hẳn có thực", đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao thận trọng.
"Vì nếu lượng đầu vào, đầu ra như vậy thì nó cao ngất ngưởng so với tài liệu gốc chúng ta có về số lượng hàng hóa. Thế thì việc đánh giá họ khai báo như vậy để nhằm trốn thuế hay mục đích nào khác cũng cần cơ quan điều tra đánh giá lại”, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao chia sẻ.
Lương Bằng
Hải quan chỉ ra 4 lỗi vi phạm của Asanzo
Tại cuộc họp về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 28/10, Tổng cục Hải quan đã đưa kết quả xác minh bước đầu nhưng chưa phải là kết luận cuối cùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét