Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Bán hàng online: Cuộc chiến giao hàng nhanh

Thương mại điện tử đang có cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các đơn vị khi không còn hấp dẫn về giá, họ chuyển dần sang ưu thế giao hàng nhanh.

Mua giao hàng ngay

Trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, Tiki là bên khơi màn cuộc chiến tốc độ giao hàng khi có thể giao đến tay người tiêu dùng trong vòng 2 tiếng. Mới đây, Lazada cũng tung dịch vụ giao hoa tươi trong 4 giờ, một động thái cạnh tranh với dịch vụ giao trong 2 giờ, vốn là đặc sản của Tiki.

Hàng loạt đơn vị khác cũng tung ra các dịch vụ giao nhanh như Shopee có dịch vụ giao hàng trong 4 giờ, Sendo giao hàng 3 giờ hay Lotte "Giao nhanh chớp mắt" trong 1 giờ, 3 giờ và 24 giờ. Mới đây, Adayroi cũng giao hàng 2 giờ với nhiều loại thực phẩm.

Theo khảo sát, thời gian giao hàng trung bình của một trang thương mại điện tử là 4-5 ngày, mặt hàng giao hàng nhanh đa phần là các đồ uống, thời trang, bỉm sữa.

{keywords}
Xu hướng mua online ngày càng phổ biến

Áp lực của các nhà bán lẻ ngày càng lớn khi cạnh tranh giao hàng diễn ra khốc liệt. Nhiều người từng mua hàng trên mạng cho biết họ có thể chuyển sang nhà bán lẻ khác nếu dịch vụ giao nhận của nhà bán lẻ mà họ đang mua hàng không giao hàng đúng giờ hay giao chậm trễ so với thông báo thực tế.

Vài tháng trở lại đây, Lazada liên tục có động thái nhắm vào việc giao hàng nhanh và thuận tiện. Trong khi đó, Tiki còn đầu tư vào phát triển kho bãi, hệ thống vận hành trên toàn quốc với tổng diện tích lên đến 60.000m2. Dự kiến, con số này sẽ lên đến 200.000m2 vào cuối năm sau.

Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ còn triển khai việc vận hành dịch vụ "Điểm nhận hàng" lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, Hà Nội và dự kiến mở rộng ở các thành phố khác. Người mua có thể chọn nơi để tự chủ động đến nhận hàng, bao gồm nhiều cửa hàng mở 24/7.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn tuyên bố không lo tắc đường để giao hàng trong vòng 2 giờ khi sử dụng công nghệ để có những thuật toán giúp dự báo chính xác nhu cầu khách hàng cần gì, bao nhiêu và ở đâu.

Theo báo cáo công bố gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), sản phẩm được mua bán trực tuyến phổ biến nhất bao gồm quần áo, giày dép; điện tử, điện lạnh; sản phẩm mẹ và bé; sách, văn phòng phẩm; thủ công, mỹ nghệ; linh phụ kiện; hóa mĩ phẩm; đồ nội thất; thực phẩm, đồ uống; đồ ăn nhanh.

Cạnh tranh trong thương mại điện tử ngày càng lớn khi bảng xếp hạng các đơn vị này liên tục có sự thay đổi. Theo cập nhật mới nhất từ Bản đồ Thương mại Điện tử do iPrice Group cung cấp, Lazada, Shopee, Tiki, Sendo vẫn đứng top đầu các đơn vị bán hàng online.

Theo iPrice Group, những xáo trộn về xếp hạng trên cả hai nền tảng web và ứng dụng di động cho thấy trong cuộc đua thu hút người dùng của các sàn thương mại điện tử Việt Nam hiện nay, không bên nào thắng hay bại tuyệt đối. Mọi khả năng đều có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh các công ty đều đang muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới.

Giao hàng hưởng lợi

Sống dựa vào các trang thương mại điện tử, các đơn vị giao hàng cũng được hưởng lợi khá nhiều, tuy nhiên điều kiện để các đơn vị giao hàng nhanh trở thành đối tác là giao nhanh nhất. Theo StoxPlus, 3 năm qua, các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh có mức tăng trưởng trên 30% cùng với sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà cung cấp trong nước để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi nhận hàng (COD).

Các công ty như DHL, TNT Express, FedEx,... tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại thị trường thương mại điện tử bằng cách giới thiệu các dịch vụ chuyên biệt hay thành lập công ty con mới tại nhiều tỉnh thành. Các tên tuổi lớn như VNPost và Viettel Post thì đầu tư vào hệ thống xe tải và kho bãi mới. Hàng loạt start-up cũng đang nhảy vào "tham chiến" trong lĩnh vực này như nShipS, AhaMove, giaohangso1, Zozoship.

{keywords}
Cuộc đua giao hàng nhanh

Sự xuất hiện của nền tảng kỹ thuật số như Grab, Lalamove hay Ahamove, với những lợi thế về linh hoạt cùng với hàng nghìn tài xế đang là nhân tố thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh.

Báo cáo của VECOM chứng tỏ mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chuyển phát rất cao, bởi đơn vị nắm giữ thị phần cao nhất là Viettel Post cũng chỉ có khoảng 28%, sau đó là Vietnam Post 15%, EMS 10%, Giao hàng nhanh 5%, Giao hàng tiết kiệm 7%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chiếm tới 43%.

Ở Hà Nội, số đơn vị thuê Viettel Post đang áp đảo với hơn 52%, Vietnam Post là 20%, EMS 4%, Giao hàng nhanh 10%, Giao hàng tiết kiệm là 9%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chỉ chiếm 20%, thấp hơn tại TP.HCM.

Mới đây, GHN và AhaMove vừa xác nhận gọi vốn thành công từ Quỹ đầu tư Temasek (Singapore). Sự tham gia của Temasek cũng mở ra cơ hội học hỏi nhiều mô hình công nghệ và dịch vụ logistics đã thành công ở thị trường nước ngoài.

Trong báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google, Temasek, Bain & Company phối hợp thực hiện, nền kinh tế số của Việt Nam đã thu hút gần 1 tỷ đô la đầu tư. Năm 2019 sẽ đánh dấu một năm kỷ lục khi kinh tế số Việt Nam dự tính đạt quy mô 12 tỷ đô la, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 38% suốt từ năm 2015.

Đánh giá về triển vọng, chuyên gia phân tích Linh Trần của StoxPlus cho rằng: “Về lâu dài, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ thúc đẩy nhu cầu cao về việc giao hàng nhanh chóng cho số lượng đơn đặt hàng nhỏ và thường xuyên”.

Duy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét