Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Ngôi làng duy nhất cả nước, trồng 1 loại quả bán hết sang Trung Quốc thu 1.000 tỷ

Xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là địa phương duy nhất được Nhà nước công nhận làng nghề cau (năm 2007).

Mỗi năm, người dân nơi này thu mua và xuất ra thị trường từ 4 - 5 nghìn tấn cau sấy, trong đó 95% bán sang Trung Quốc, thu trên dưới 1 nghìn tỷ đồng.  

Không để “cau chạm lá, cá chạm vây”

Hiện nay, với nghề trồng, thu mua và chế biến cau, Cao Nhân là địa phương duy nhất trong cả nước được công nhận là làng nghề. Nghề cau gắn với người dân tự bao giờ không ai còn nhớ.

{keywords}
Vườn cau xanh tốt tại xã Cao Nhân.

Những người lớn tuổi nhất làng như cụ Hoàng Thị Nguyệt (90 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cao Nhân) cũng chỉ nhớ là lớn lên 16, 17 tuổi đã đi chợ bán cau với các chị, các mẹ. Từ đó đến nay, suốt cuộc đời cụ Nguyệt chỉ sống với cây cau lá trầu. Con trai lớn của cụ cũng trồng cau, trồng trầu để bán. Cả xã hầu như hộ nào cũng trồng cau.

Cao Nhân là quê hương của giống cau Liên Phòng. Hàng trăm năm nay, cau Cao Nhân được biết đến với sự vượt trội về chất lượng và mẫu mã. Theo bà con nơi đây, kỹ thuật trồng cau Cao Nhân được đúc kết và truyền lại qua nhiều thế hệ đã góp phần làm cho cây cau sai quả, quả to, xanh bóng, đều và đẹp. Cau phải trên 20 năm tuổi mới được chọn làm giống. Thời gian từ khi xuống giống cho đến lúc có quả nhanh thì 4 - 5 năm, chậm thì 5 - 6 năm. Cau trồng không để tán lá chạm nhau “cau chạm lá, cá chạm vây” là những điều tối kị.

Theo cụ Nguyệt, trước đây khi thương lái Trung Quốc chưa mua thì cau được bán trong nước, phục vụ cho lễ hội. Nay cau được các thương lái thu mua tận nơi. Có năm được giá như năm 2015, mỗi quả cau có giá đến 15.000 - 20.000 đồng, cả buồng cau có tiền triệu. Nhiều người có của ăn của để từ cây cau.

Ông Nguyễn Văn Trường, một hộ trồng cau ở thôn 4, xã Cao Nhân cho biết: “Ngày trước người dân làm cau thương phẩm bán trong nước. Ngày nay khi đất đai đã không còn tốt như xưa, cau ở đây bắt đầu cằn cỗi, giống cau Cao Nhân được trồng ở khắp nơi, cau chỗ mới to đẹp như cau cưới, các thế hệ con cháu người Cao Nhân lại đi thua mua, tổ chức thành đại lý đến tận Tiền Giang, Mỹ Tho, miền Trung, Đông Nam Bộ để thu mua và sấy luôn tại chỗ. Chỉ có làng Cao Nhân làm nghề này, bất cứ chỗ nào thu mua cau đều có người Cao Nhân”.

Ở Cao Nhân, cau là cây trồng chính. Tại đây cau mọc thành rừng, phủ kín khắp làng. Cả xã có đến hàng tram hecta đất trồng cau, chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp toàn xã, 100% hộ gia đình trồng cau với quy mô từ vài chục đến hàng nghìn cây.

{keywords}
Sơ chế cau.

Theo ông Trường, cau làm giống phải được chọn từ những cây tầm 25 năm tuổi, tàu lá xanh, dẻo, đạt 9 đến 11 tàu trên thân. Sau khi chọn được cây, người trồng cau chọn buồng trên cùng của cây mà thời điểm thu hoạch rơi vào tháng 4, tháng 5 khi buồng đã chín, quả đỏ, vàng. Cuối cùng, chọn những quả tròn, đều, có kích thước từ trung bình trở lên để ươm.

Để ươm cau, người trồng cau tại Cao Nhân chọn một đám đất cao ráo, dễ thoát nước. Tiếp theo rải một lớp đất khô nỏ xuống bên dưới. Sau đó dùng đất màu đã để ải đập nhỏ, trộn với trấu, rải đều lên trên tạo thành một luống cao 25 - 30cm. Cuối cùng, vùi cau giống xuống luống ươm, đầu hướng lên, vừa hé khỏi mặt luống đảm bảo khoảng cách giữa các quả giống 25 - 30cm.

Ông Nguyễn Bảo Chung, PCT UBND xã Cao Nhân, cho biết: “Cả xã trồng cau, nhưng có trên 50 hộ tham gia kinh doanh và chế biến cau. Những ngôi nhà khang trang trên địa bàn xã đa phần do chế biến và xuất khẩu cau mà họ xây dựng được. Sau khi thu mua sơ chế, cau sẽ được đóng bao để đưa lên cửa khẩu Móng Cái hoặc Tân Thanh để xuất sang Trung Quốc. Chủ yếu là thu mua, trên địa bàn thời điểm này có một vài điểm sấy nhỏ lẻ”.

Sau khoảng một năm, vào thời điểm cuối thu, khi cây nảy 2-3 lá mầm, bứng cau ra vườn trồng để khi sang xuân, gặp mưa dầm, cau bén rễ. Mỗi cây trồng một hố, rộng 70 cm, sâu 70 cm, khoảng cách các hố 1,7 - 2m. Mật độ trồng 60 - 70 cây/sào đảm bảo cây nào hưởng đủ nắng, gió.

Những năm được mùa, một buồng cau cưới của đất Cao Nhân được bán với giá 1 - 1,5 triệu đồng. Cau thu mua mang về các xưởng chế biến để xử lý, phân loại. Tiếp đó, cau được luộc qua rồi đưa vào khu vực sấy. Sấy xong lại tiếp tục phân loại lần nữa rồi mới đóng gói để xuất sang Trung Quốc.  

Mỗi năm xuất khẩu 5 nghìn tấn, thu nghìn tỷ

Trước đây, ở Hải Phòng chỉ có 2 nơi nổi tiếng về trồng cau là xã Cao Nhân (Thủy Nguyên) và Đằng Hải (Hải An). Do không có đầu ra, giá cau lại rẻ, mức độ tiêu thụ chỉ theo mùa vụ nên cây cau gần như không có tiếng tăm gì trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Đã có lúc, dân Cao Nhân không sống được bằng nghề trồng cau, đành bỏ làng đi tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, cứ đến mỗi vụ cau, người dân rời làng lại quay trở về hái cau, thu gom mang sang tỉnh xa bán. Đây cũng là cách để giữ lấy nghề truyền thống.

So với những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống người dân ở Cao Nhân đã khá lên rất nhiều. Các thôn Thái Lai, Nhân Lý, ai ai cũng đua nhau trồng cau, làm kinh tế vườn. Cây cau lâu nay vốn chỉ đơn thuần trồng đem bán cho người tiêu dùng vào việc cúng tế, lễ lạt ở quê, nay bỗng hồi sinh trở thành nguồn thu nhập chính cho mỗi gia đình.

{keywords}
Cau sấy xong lại tiếp tục phân loại lần nữa rồi mới đóng gói để xuất sang Trung Quốc.

Nghe tiếng cau ở đây chất lượng tốt, giá rẻ, sản lượng lớn, nhiều thương gia Trung Quốc đã tìm đến Cao Nhân hỏi đặt mua cau. Người dân Cao Nhân vui mừng vì có cơ hội sống tiếp với nghề cha ông để lại. Cau Cao Nhân bỗng trở lên đắt giá. 1 cây cau cho thu trung bình 300 - 500 nghìn đồng/năm, cau đẹp dùng để cưới xin, lễ lạt cho thu hoach 3 triệu đồng/cây/năm.

Diện tích trồng cau của Cao Nhân được mở rộng gấp đôi từ 100ha, nay lên đến 200ha so với trước. Nhiều người dân xa quê bấy lâu nay cũng đã quay về trồng cau với ước vọng làm giàu trên chính quê hương mình. Cau Cao Nhân bước vào thời kỳ hưng thịnh.

Ban đầu, cau tươi được tập trung vận chuyển qua biên giới xuất cho bạn hàng. Sau do thời gian vận chuyển quá dài, đường sá không thuận lợi, bảo quản không đúng quy cách, cau bị đỏ quả, chất lượng giảm sút.

Để khắc phục tình trạng trên, phía đối tác đã chuyển giao công nghệ, tiến hành sơ chế cau (luộc, hấp, sấy...) ngay tại địa phương. Cung không đủ cầu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều trong khi cau Cao Nhân không đáp ứng hết, bởi nếu so với cau ở các vùng khác, chất lượng cau Cao Nhân trội hơn hẳn: thơm ngon, ngọt, đậm nước, đậu quả đúng vụ giáp tết. Dân buôn cau Cao Nhân đành phải đi lùng mua cau ở một số nơi khác. Cao Nhân trở thành trung tâm sơ chế, xuất khẩu cau ra nước ngoài.

Ông Hoàng Văn Đoàn, thôn 8, xã Cao Nhân, chủ cơ sở sấy cau xuất khẩu đi Trung Quốc, mỗi năm sản xuất từ 1.500 - 2.000 tấn. Riêng ở Hải Phòng từ 300 - 500 tấn. Ông Đoàn cho hay, cau xuất khẩu sang Trung Quốc để làm kẹo cau. Năm nay, giá cả có biến động, khoảng 3 ngày xuất đi 1 lần, mỗi lần 10 tấn. Cau không to quá, không bé quá, độ nhăn phải tốt.

“Tôi thu mua trong cả nước, từ Mỹ Tho, Tiền Giang… ra đến đây. Người Trung Quốc họ chuyển giao công nghệ và mua bán tại chỗ. Giá cau có lên có xuống nhưng về cơ bản là do chất lượng cau. Nếu đảm bảo thì mình có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu với giá khoảng 100.000 đồng/kg khô”, ông Đoàn nói.

Như vậy nếu tính theo giá thị trường, riêng xưởng sản xuất của ông Đoàn, mỗi năm nguồn thu từ quả cau đã có cả trăm tỷ.

Cau Cao Nhân xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ những năm 1988. Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về một số sản phẩm của cau như kẹo cau, cau khô.

Từ đó đến nay nhiều cơ sở thu mua, sơ chế và chế biến cau xuất khẩu ở Cao Nhân được hình thành, biến nơi đây thành trung tâm thu mua và chế biến cau của cả nước.

Người Cao Nhân đi khắp nơi lập xưởng chế biến cau xuất khẩu. Nguồn thu từ quả cau hàng năm có thời điểm đến cả nghìn tỷ đồng, với khối lượng cau xuất khẩu đạt hơn 5 nghìn tấn (năm 2015, giá cau khô xuất Trung Quốc đạt hơn 200.000 đồng/kg).

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét