Nhiều nạn nhân dính bẫy tín dụng đen và phải sống kiếp chui lủi giữa mùa dịch. Họ âm thầm chịu đựng mất nhà, mất đất bởi nếu không trả thì con nợ cũng như gia đình họ không thể sống yên ổn
3h sáng, Hương bắt đầu dắt xe đi khỏi nhà và di chuyển đến một địa điểm khác. 10h đêm chị mới dám quay về ngôi nhà của chính mình. Lộ trình này của Hương lặp đi lặp lại khoảng 10 ngày nay, sau khi số tiền vay chị chưa kịp thanh toán cho chủ nợ.
“Sao tôi sống nổi được đây? Kêu hòa giải thì họ không tới mà dọa đụng đâu đánh đó. Giờ tôi trốn chui trốn lủi. Chồng tôi bị bệnh mà họ cũng không tha”, Hương nói.
Trước đó, người phụ nữ ở xã Long Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) thỏa thuận miệng, vay số tiền 65 triệu từ một người quen trong xóm. Hương trả dần 2 triệu/tuần và đã trả được tổng cộng 30 triệu, còn lại 35 triệu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 ập đến, công việc tự do không ổn định nên chị chậm trả nợ trong 2 tuần. Lập tức chủ nợ bắt con nợ chịu phạt bằng cách tính lại số tiền vay phải trả từ đầu.
Nhà Hương thường xuyên có người rình rập bên ngoài |
“Họ không trừ số tiền 30 triệu đã trả mà yêu cầu tôi nộp lại từ đầu. Giờ bắt nộp 80 triệu trong tháng 6 này thay vì 35 triệu”, chị kể qua điện thoại khi đang trốn trong nhà.
Để gây sức ép, chủ nợ cho người xông thẳng vào nhà đe dọa Hương và chặn xe uy hiếp ngay trên đường. Quá hoảng sợ, mất ngủ nhiều ngày, Hương nhập viện điều trị nhưng ở bệnh viện vẫn có người theo dõi, không buông tha con nợ này.
“Bỏ xứ luôn đi đồ quỷ. Hoặc chết đi sẽ hết nợ, còn sống không yên với tôi đâu”, chủ nợ nhắn tin với Hương qua điện thoại.
‘Bán thận đi mà trả nợ’
Thương là một nạn nhân khác cũng đang chịu sức ép tinh thần khi liên tục nhận được những số điện thoại lạ nhắn tin và gọi tới.
Cô công nhân ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vay tiền qua ứng dụng MoneyCat. Thương cho biết, số tiền phải trả giờ đã gấp đôi tiền gốc.
Đại diện bên cho vay nói Thương bán thận để trả nợ |
“Quảng cáo trên facebook nói cho vay sau 2-3 tháng mới phải trả. Mà tiền chuyển vào tài khoản xong họ thông báo 14 ngày phải thanh toán. Tôi vay 6 triệu mà chậm trả sau 14 ngày nên giờ thành 11 triệu đồng”, Thương kể.
Dịch bệnh không có việc làm, Thương xin trả góp dần hàng tháng nhưng đại diện bên cho vay không đồng ý và hàng ngày liên lạc, dọa đăng hình cả nhà Thương lên mạng.
“Họ nói sẽ đăng hình con nợ với tội chiếm đoạt tài sản lên mạng rồi bảo tôi bán thận đi mà trả nợ. Một mình tôi nuôi con nhỏ, mẹ tôi bán vé số kiếm sống qua ngày. Giờ có giết thì tôi cũng không có tiền nữa”, nữ công nhân nói.
Một nạn nhân khác vay tiền qua ứng dụng cũng cho biết, chị vay 10 triệu trong 18 tháng nhưng chậm trả một tuần sẽ bị phạt 250.000 đồng. Nếu không đóng phạt, tiếp tục bị phạt lãi chồng hàng tháng.
Tin nhắn báo sẽ đăng ảnh cả nhà Thương lên mạng xã hội |
“Tôi chậm trả 2 kỳ, giờ bị phạt tới 2,7 triệu đồng. Họ gọi khủng bố một ngày mấy chục cuộc điện thoại. Ở quê tôi nhiều trường hợp bị như vậy”, nạn nhân quê ở Sóc Trăng cho biết.
Nhận định về dạng thức tín dụng đen hay tín dụng bất hợp pháp thời điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, thủ tục cấp vốn vay của mô hình này đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ photo tài sản cá nhân. Thời gian thẩm định từ 10-30 phút là giải ngân, thậm chí có thể thỏa thuận bằng miệng và không có giấy tờ kèm theo nhưng lãi suất từ 100-360%/năm tuỳ theo số tiền mượn.
Theo luật sư Hậu, có những trường hợp vay mượn khoản tiền nhỏ và bị siết nợ, nhưng nạn nhân sợ bị trả thù bởi khi trình báo cơ quan chức năng, vấn đề không được giải quyết triệt để.
“Nhiều người nghèo đã âm thầm chịu đựng mất nhà, mất đất bởi nếu không trả thì con nợ cũng như gia đình họ không thể sống yên ổn”, ông Hậu nói.
Quảng Định
Vỡ hụi Sài Gòn, mẹ già 82 tuổi cùng các con mất sạch 4 tỷ đồng
Nhiều con hụi tại TP.HCM đã gửi đơn tố cáo việc chủ hụi ôm tiền và đi khỏi nơi cư trú. Số tiền ước tính lên tới cả trăm tỷ đồng và nữ chủ hụi có thể đã không còn ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét