Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Nguy cơ thiếu nguồn, cắt điện luân phiên trên toàn miền Bắc

Do số nhà máy điện xây mới rất ít nên dự kiến việc đảm bảo cung cầu điện tại khu vực miền Bắc vẫn rất khó khăn.

Nỗi lo thiếu điện ở miền Bắc

Mới đây, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn về phương án đảm bảo điện cho miền Bắc năm 2022. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh những cảnh báo đầu tiên về thiếu điện ở miền Bắc đã xảy ra trong thực tế.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong nửa đầu năm 2021, tình hình nắng nóng gay gắt, kéo dài đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đỉnh (Pmax) của miền Bắc tăng cao đột biến, lên tới xấp xỉ 21.500MW (ngày 2/6/2021).

Trong những ngày nắng nóng cực đoan, dự kiến tiêu thụ điện miền Bắc cao nhất có thể lên đến 22.000MW.

Cũng theo A0, năm 2022, dự kiến hệ thống điện vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cho cả nước và và khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, hệ thống điện miền Bắc cao điểm mùa hè 2022 sẽ vận hành vô cùng khó khăn.

{keywords}
Tiêu thụ điện liên tục lập các kỷ lục mới.

Tại buổi họp, A0 báo cáo ba phương án đảm bảo điện cho miền Bắc trong năm 2022, với phương án cơ sở là tăng trưởng điện 8,7% so với 2021; phương án cao tăng trưởng 15% so với 2021 và trong trường hợp miền Bắc khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế phục hồi, công suất cực đại của hệ thống điện miền Bắc có thể tăng trưởng cao hơn, đạt mức 18%.

Trong khi đó, miền Bắc lại rất thiếu các nhà máy điện mới. Ngoài điện mặt trời, điện gió do các nhà đầu tư tư nhân xây dựng ở miền Trung và miền Nam, trong vài năm qua, EVN không có thêm nhà máy điện mới nào ở miền Bắc và chỉ đang tiến hành mở rộng thủy điện Hòa Bình.

Các dự án khác ngoài EVN cũng không thấy tín hiệu sáng sủa. Đơn cử, dự án nhiệt điện Thái Bình 2, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, dù đã gần về đích song vướng mắc về cơ chế nên vẫn dang dở, chậm tiến độ sau nhiều năm xây dựng.

Các dự án nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Công Thanh, Nam Định 1, Hải Phòng 3,... đều rất mờ mịt, có dự án địa phương quyết liệt từ chối cho triển khai. Hiện chỉ còn Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 do Liên doanh Marubeni và Kepco làm chủ đầu tư dự kiến sang năm có thể vận hành.

Thực tế, miền Bắc lại tăng trưởng cao liên tục mấy năm gần đây và sẽ tăng cao hậu Covid-19. Miền Nam và miền Trung còn có năng lượng tái tạo hỗ trợ và tăng trưởng không cao như miền Bắc nên đỡ căng thẳng hơn.

Ngoài ra, khả năng truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc bị giới hạn do năng lực truyền tải trên giao diện 500kV Bắc - Trung (chỉ có hai mạch đường dây 500kV).

Chính vì thế, thời điểm còn lại của tháng 6 và tháng 7/2021 - là cao điểm nắng nóng, nhu cầu dùng điện cao nhất trong năm nên có thể tiếp tục phải cắt giảm điện trong tình huống cực đoan, khi tiêu thụ điện căng cao đột biến hoặc sự cố không mong muốn ở các nguồn điện.

Cần thêm dự án điện, có thể phát triển điện mặt trời mái nhà

Theo tính toán của Viện Năng lượng, ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện.

{keywords}
Dự án nhiệt điện Thăng Long do Geleximco đầu tư là dự án hiếm hoi phát điện ở miền Bắc vài năm gần đây. Ảnh: Lương Bằng

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương gần đây, EVN cũng lưu ý rằng: Với trường hợp các nguồn điện có thể vào vận hành với tiến độ như dự kiến và kịch bản nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng bình quân 9,1%/năm, hệ thống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện trong giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, khó khăn rất lớn là đảm bảo cung cầu tại khu vực miền Bắc do nguồn điện mới dự kiến vào vận hành ở miền Bắc rất ít.

EVN cho biết: Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ khiến nhu cầu tiêu thụ điện “đỉnh” của miền Bắc tăng cao đột biến, lên tới 21.500MW (tăng cao hơn 2.500MW so với nhu cầu phụ tải các ngày làm việc trước đó) tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài cao điểm chiều, công suất tiêu thụ điện lớn nhất xảy ra vào thời cao điểm tối (khoảng từ 20h-22h) khi không có sự đóng góp của các nguồn điện mặt trời.

Cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã huy động tối đa tất cả nguồn điện trên hệ thống điện miền Bắc và khai thác tối đa khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc. Thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực và phải cắt điện trong các ngày 31/5-3/6, trong các giờ cao điểm (từ khoảng 12h30-14h30 và 21h-23h) với công suất cắt giảm khoảng 500-2.000MW.

Điều đó có nghĩa, tại một số khu vực ở miền Bắc đã xảy ra tình trạng bị cắt điện vào những cao điểm nắng nóng - điều không ai muốn xảy ra. Việc cắt giảm này được EVN nhấn mạnh là “tình huống khẩn cấp để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống”.

Vì thế, tới đây, việc thúc đẩy đầu tư các dự án điện ở miền Bắc là điều cơ quan quản lý quan tâm. Trước mắt, những dự án như nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN, nếu được tháo gỡ khó khăn, đi vào vận hành sẽ cung cấp được lượng điện đáng kể cho miền Bắc. EVN cũng đã tính toán phương án mở rộng các dự án thủy điện hiện hữu để có thêm điện.

Ngoài ra, một giải pháp đáng chú ý khác là đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà ở khu vực phía Bắc. Tại cuộc họp ngày 21/6, lãnh đạo EVN cũng đề nghị như vậy.

Tuy nhiên, so với miền Trung và miền Nam, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở phía Bắc sẽ không đạt hiệu quả cao nếu không có mức giá ưu đãi. Lý do là số giờ nắng ở miền Bắc thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý như Bộ Công Thương muốn “giảm nhiệt” việc thiếu điện trong tương lai thì cần bắt tay nghiên cứu chính sách giá điện mặt trời mái nhà cho miền Bắc.

Lương Bằng

Cắt điện luân phiên, nguy cơ thiếu điện diện rộng

Cắt điện luân phiên, nguy cơ thiếu điện diện rộng

Miền Bắc, miền Trung đang trải qua đợt ngày nắng gắt cực điểm lên tới 40 độ C, bắt đầu từ ngày 16/6 và dự kiến kéo dài khoảng 1 tuần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét