Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Tin chứng khoán ngày 22/6: Doanh nghiệp nhà Cường Đôla chìm sâu sau vụ “nuốt không trôi” đất vàng

Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) chìm sâu trong kinh doanh và trên thị trường chứng khoán sau khi vướng mắc tại hai dự án Phước Kiển, “nuốt không trôi” mảnh đất vàng dưới thời ông Tất Thành Cang.

Trong 3 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) tiếp tục giảm và xuống thấp hơn mức giá cách đây đúng một năm.

Cổ phiếu QCG hiện có giá dưới 7.700 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức gần 30.000 đồng/cp ghi nhận hồi đầu năm 2017.

Cổ phiếu của doanh nghiệp nhà Cường Đô la tiếp tục chìm sâu trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục sau một loạt những tai tiếng trong nhiều năm qua, từ mua bán đất rẻ không thành, chậm chễ trong việc triển khai dự án trọng điểm cho đến sai lệch trong công bố thông tin, kiện tụng của khách hàng...

Trong ba tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhờ bàn giao dự án nhưng lãi ròng vẫn giảm mạnh 43% so với cùng kỳ. QCG cũng ghi nhận hàng tồn kho lớn, trên 7.100 tỷ đồng, với phần lớn là bất động sản dở dang với giá trị hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu bao gồm các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.

Tính tới cuối quý I/2021, khoản phải trả lớn nhất của QCG đến từ việc nhận tiền của Sunny cho Dự án Phước Kiển gần 2.883 tỷ đồng.

Trong cả thập kỷ qua, doanh nghiệp của bà Nguyễn Như Loan, mẹ ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) chưa thoát khỏi khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục.

QCG vốn là một trong những doanh nghiệp bất động sản khá nổi tiếng ở TP.HCM với quỹ đất khá lớn. Tuy nhiên, quỹ đất của QCG có dấu hiệu có hẹp lại do việc mua bán đất với giá rẻ không dễ dàng.

{keywords}
Cường Đôla nổi tiếng với các hotgirl Việt.

Thông tin mới nhất cho thấy, Công an TP.HCM vừa khởi tố nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang do sai phạm tại 32ha đất Phước Kiển bán cho CTCP Quốc Cường Gia Lai vài năm trước.

Ông Cang cùng các ông Phạm Văn Thông (nguyên Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM), Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn của Văn phòng Thành ủy T. HCM) và Phan Thanh Tân (nguyên Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM) bị khởi tố.

Bốn bị can này bị khởi tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" do sai phạm 32ha đất Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM. Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn các quyết định của công an cùng cấp.

Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, thành lập năm 2004, trụ sở đặt tại quận 7. Tính đến cuối năm 2016, Công ty Tân Thuận quản lý, đầu tư nhiều dự án như khu dân cư (KDC) Tân Quy Đông, KDC ven sông Tân Phong, KDC Bình Hòa, KDC Đường 10 Long An.

Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận đã bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu cho ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.

Sau khi khu đất đã được bán, ngày 5/12/2017, Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đánh giá lại giá trị khu đất. Kết quả xác định khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ hơn 480m2 là đất ở. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị toàn khu đất hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ đồng.

Thường trực Thành ủy TP sau đó chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại và báo cáo chi tiết. Sau đó, hợp đồng đã bị hủy bởi lẽ đây là tài sản kinh tế Đảng nhưng tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM không biết việc ký chuyển nhượng vào thời điểm giao dịch.

Vụ mua đất vàng giá bèo đã không trôi, QCGL của nhà ông Nguyễn Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan nắm giữ vị trị Chủ tịch HĐQT rơi vào vòng xoáy nóng, cổ phiếu bị bán tháo trên TTCK trong một thời gian dài.

Tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Như Loan thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch sau khi con trai rời công ty và phát triển các dự án riêng.

Đến tháng 11/2018, ông Nguyễn Quốc Cường cũng rút khỏi tất cả các vị trí tại QCG.

Bà Loan hiện là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG tương đương 37,04% vốn tại QCG. Con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My - nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 14,32%); em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG (3,52%). Ông Nguyễn Quốc Cường nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG (0,2%).

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng hơn 6 điểm lên gần 1.380 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.

Theo MBS, thị trường tiến sát về 1.400 điểm đã khiến áp lực chốt lời gia tăng, một số nhà đầu tư cũng sẽ mua vào theo tín hiệu kỹ thuật trong khi số khác sẽ chốt dần khi có cầu mới vào thị trường. Tuy nhiên, mức dao động của thị trường ở các phiên giảm là tương đối hẹp và thanh khoản vẫn giữ ở mức cao là tín hiệu tích cực. Do vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên rung lắc trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm.

Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 21/6, chỉ số VN-Index giảm 5,14 điểm xuống 1.372,63 điểm; HNX-Index giảm 2,49 điểm xuống 316,24 điểm. Upcom-Index giảm 0,51 điểm xuống 89,71 điểm. Thanh khoản đạt 27,2 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét